Laura Rogers (38 tuổi, sống tại Gloucestershire, Anh) gần đây đã chia sẻ câu chuyện mang thai đầy biến động của mình để cảnh báo những mẹ bầu khác về một tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi và cuộc sống sau này của bé.
Năm 2012, Laura mang bầu bé đầu lòng. Khi mang thai đến 36 tuần, các bác sĩ nhận thấy bụng bầu của cô có kích cỡ nhỏ hơn hẳn so với những bà mẹ khác. Ban đầu, Laura nghĩ đơn giản rằng nguyên nhân là vì cô mang bầu con gái nên bụng nhỏ hơn. Cô cũng chuẩn bị sẵn tâm lý rằng dù con sinh ra nhẹ cân hơn các bé khác thì cũng không phải vấn đề gì lớn.
Tuy vậy, sau khi thăm khám, các bác sĩ đã thông báo một tin khiến Laura sốc nặng: Con gái cô bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn chế tăng trưởng trong tử cung (viết tắt là IUGR) và có thể chết lưu bất cứ lúc nào trước khi chào đời.
Sau khi chẩn đoán, Laura có nguy cơ mất cao nên được theo dõi liên tục trong bệnh viện. 1 tuần các bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim và tình hình phát triển của bé khoảng 3 lần.
"Đó là lần mang thai đầu tiên của tôi và tôi thậm chí chưa bao giờ nghe nói về IUGR trước khi nhận được thông báo của bác sĩ. Tôi nghĩ có lẽ nhiều mẹ bầu khác cũng vậy. Có những biện pháp phòng ngừa tình trạng này nhưng thật khó để biết mình phải làm gì khi bạn còn không ý thức được việc mình có nguy cơ mắc bệnh.
Trong suốt những tuần thai cuối cùng, tôi luôn thấp thỏm, lo lắng với suy nghĩ con gái có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi muốn giữ con trong bụng lâu hơn để con phát triển thêm nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra rủi ro càng lớn hơn", Laura chia sẻ.
May mắn thay, cuối cùng Laura đã hạ sinh con gái thành công ở tuần 39. Cô bé Eva tuy nhẹ cân hơn các bé khác nhưng không có vấn đề gì lớn về sức khỏe.
Tuy vậy, trong quá trình trưởng thành của con, Laura nhận thấy con luôn phát triển chậm hơn so với các mốc tiêu chuẩn đồng thời gặp một phải vấn đề về khả năng tập trung và chú ý.
Sau khi đưa con đi kiểm tra, Laura mới biết được IUGR không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Eva khi còn là thai nhi mà khi con gái đã chào đời vẫn sẽ bị chậm hơn các bạn khỏe mạnh cùng tuổi.
"Con bé dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý, càng lớn thì sự phát triển chậm của con so với các bạn càng bộc lộ rõ ràng hơn. Trong những năm đầu đi học, Eva vẫn theo kịp được các bạn nhưng tôi lo rằng khi kiến thức càng khó hơn thì con bé sẽ gặp khó khăn", Laura tâm sự.
Bà mẹ người Anh mong muốn chia sẻ câu chuyện của con gái mình để nâng cao nhận thức về tình trạng IUGR ở mẹ bầu và những người chuẩn bị mang thai.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến thai nhi chậm phát triển có thể liệt kê dưới đây:
- Thai nhi không nhận được đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai. Nguyên nhân có thể do mẹ mang bầu đa thai, tiền sản giật hoặc các vấn đề về nhau thai.
- Thai nhi mắc những bất thường bẩm sinh hoặc bất thường ở nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến sự phát triển.
- Trong thời gian mang thai, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh như rubella, giang mai, hoặc toxoplasmosis cũng có thể khiến thai nhi chậm phát triển.
- Nguyên nhân nữa là do thói quen lối sống nghèo nàn dẫn đến thiếu dinh dưỡng, lạm dụng thuốc, thói quen hút thuốc, nghiện rượu… cũng làm tăng nguy cơ thai nhi chậm phát triển.
Ngoài ra, những yếu tố khác từ sức khỏe người mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi trong tử cung như người mẹ bị rối loạn chức năng thận, mẹ bị cao huyết áp, rối loạn đông máu và bệnh tim mạch…
- Mẹ quá gầy khi mang thai hoặc người mẹ quá thấp cũng có thể làm giảm sự phát triển của em bé trong tử cung, dẫn đến thai nhi nhẹ cân.
- Thai nhi có bất thường ở dây rốn và mức nước ối thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng trong bụng mẹ.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến thai nhi chậm phát triển như:
- Người mẹ bị bệnh lupus trước đó.
- Người mẹ đã từng sinh con nhẹ cân, chậm phát triển trước đó.
- Mẹ mang thai ở tuổi vị thành niên.