Trước khi nhập viện 2 tháng, cậu bé Tiểu Hiên, 9 tuổi, đến từ Thâm Quyến, Trung Quốc nói với bố mẹ về cơn đau bụng của mình. Tuy nhiên lúc này cơn đau đến nhẹ nhàng theo từng cơn ngắn rồi khỏi nên bố mẹ cậu bé không để ý tới.
Bỗng nhiên một ngày, Tiểu Hiên bất ngờ đau thắt vùng lưng dữ dội và tiểu ra máu. Lúc này cha mẹ cậu bé mới vội vàng đưa Tiểu Hiên đến bệnh viện. Sau khi trải qua các thủ tục xét nghiệm, bác sĩ kết luận cậu bé đã bị sỏi thận.
Cụ thể, trong thận Tiểu Hiên có một lượng lớn sỏi không chỉ gây tắc nghẽn đường tiết niệu, mà còn gây ra sự tích nước ở thận phải. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, chức năng thận của cậu bé có thể bị tổn hại. Khi nghe tin, gia đình Tiểu Hiên đều ngỡ ngàng. Tại sao một cậu bé 9 tuổi mà đã bị sỏi thận nghiêm trọng như vậy?
Qua quá trình tìm hiểu thói quen ăn uống và sinh hoạt của Tiểu Hiên, bác sĩ giải thích rằng nguyên nhân gây sỏi thận đó là sở thích ăn thịt hằng ngày của cậu bé. Mới 9 tuổi nhưng cậu bé đã nặng tới 36kg và còn rất lười uống nước. Việc ăn quá nhiều thịt đóng hộp, xúc xích đã kích hoạt sự hình thành sỏi canxi oxalate trong thận hoặc đường tiết niệu.
Sau khi lập phác đồ điều trị, đội ngũ bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho Tiểu Hiên. Tổng cổng có 56 viên sỏi được lấy ra, một trong số đó có kích cỡ của một quả trứng cút. Sau ca phẫu thuật, các triệu chứng đau bụng và tiểu máu của Tiểu Hiên dần dần biến mất. Sau hơn một tuần điều trị, sức khỏe cậu bé đã hồi phục và được xuất viện.
Chuyên gia cảnh báo về việc cho trẻ ăn nhiều đồ ăn nhanh
Tăng huyết áp: Natri có trong muối chế biến thức ăn nhanh sẽ khiến huyết áp của con yêu tăng lên. Đây cũng là nguồn gốc của bệnh cao huyết áp. Ngoài ra, chất này còn làm suy yếu dần hệ thống tuần hoàn trong cơ thể bé.
Bệnh thận: Muối natri trong thức ăn nhanh sẽ khiến huyết áp tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thận, khiến cơ thể phù nề và ứ nước, gây ra các tình trạng rối loạn chức năng thận.
Tiểu đường: Các loại nước ngọt có gas đều chứa hàm lượng đường cao, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, làm bé có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 từ bây giờ.
Rối loạn tiêu hóa: Hầu hết các nguyên liệu của thức ăn nhanh đều đã qua chế biến, xử lý. Vì vậy, trẻ ít được ăn chất xơ nên dễ bị táo bón, tăng cao nguy cơ rối loạn đường ruột, ung thư ruột già khi lớn lên.
Loãng xương, sâu răng: Trong quá trình phát triển cơ thể, con cần các dưỡng chất thiết yếu để phát triển xương và răng. Khi ăn thức ăn nhanh, con đã không được cung cấp đầy đủ chất và trọng lượng thừa của cơ thể có thể khiến con bị loãng xương. Còn đường có thể gây sâu răng cho con vĩnh viễn.
Bệnh tim: Phô mai là thành phần chính trong các món ăn vặt. Chất béo làm tăng mức cholesterol, lắng đọng lại ở trong tim là nguyên nhân gây bệnh tim, dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ rất cao.
Trí não kém hoạt động: Thức ăn nhanh thường thiếu chất dinh dưỡng giúp não tỉnh táo, dẫn đến việc trẻ không có khả năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, khả năng ghi nhớ thấp và giảm khả năng học tập.
Để tránh xa những hiểm nguy về sức khỏe của trẻ như trên, bạn hãy dành thời gian nấu cho con những bữa ăn ngon, hấp dẫn thay thế cho thức ăn nhanh nhé.