Bé bị bạn gọi là nhà quê vì không có iPhone, iPad

13:41, Thứ hai 01/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Các bác sĩ đã cảnh báo mối nguy hại khi nhiều ông bố bà mẹ đang lạm dụng iPhone, iPad để dạy dỗ trẻ nhỏ.

Làm mẹ) -Các bác sĩ đã cảnh báo mối nguy hại khi  nhiều ông bố bà mẹ đang lạm dụng iPhone, iPad để dạy dỗ trẻ nhỏ.

Dùng Iphone để dỗ con nín khóc, ăn ngoan
 
Mỗi khi gặp điều gì không ưng ý, hay không muốn ăn cơm là Bông, con chị Lê (28 tuổi, Bạch Mai, Hà Nội) lại gào khóc, nôn trớ. Nhưng chỉ cần chị đưa iPhone hay iPad cho con là Bông nín thinh, ngồi ăn ngon lành.
 
Từ nhỏ Bông đã rất khó nuôi, chỉ cần không có người lớn bên cạnh là bé lại khóc, mà đã khóc thì rất lâu, lại hay nôn trớ, bao nhiêu thức ăn đã ăn sẽ nôn ra hết. Chính vì vậy mà hầu như lúc nào cũng phải có người bên cạnh Bông. 
 
Khi Bông được 2 tuổi, bác giúp việc về quê đột xuất, chỉ có mình chị Lê ở nhà với con. Tranh thủ lúc con ngủ, chị dọn dẹp nhà cửa. Nhưng đang dọn thì bé tỉnh dậy, không thấy ai lại gào khóc, chị dỗ đủ mọi cách mà không nín. 
 
Bỗng nhiên chị nhớ ra chị bạn cùng cơ quan kể hay dỗ con bằng iPhone nên chị lấy iPhone chơi trò chơi cho con xem, một lúc sau quả nhiên bé nín khóc. Sau lần ấy, iPhone trở thành trợ thủ đắc lực của chị Lê khi con khóc lóc hay biếng ăn.
 
Thậm chí khi muốn con làm gì chị cũng chỉ cần lôi Iphone ra là phần thưởng như "Bông mặc váy đi rồi mẹ lấy iPhone cho xem Đồ rê mí" hay "Bông nhường đồ chơi cho bạn đi rồi mẹ cho chơi iPhone"...
 
Nhưng rắc rối mới lại bắt đầu khi Bông chỉ thích ngồi lỳ trong nhà với iPhone, iPad. "Cháu rất lười nói, không thích đi ra ngoài và rất sợ người lạ. Mình đang rất lo không biết có phải cháu bị tự kỷ không" - Chị Lê cho biết.
 
Chị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự chị Lê. Con gái chị sắp vào lớp 1, nhưng lúc nào hai mẹ con cũng có “chiến tranh” chỉ vì chiếc điện thoại iPhone đời mới của chị.
 
“Lúc mới mua về, tôi cũng hào hứng chụp ảnh, quay phim cho con rồi cả nhà cùng xem. Những lúc rảnh rỗi, hay khi ngồi trên ô tô tôi cũng đưa cho cháu mượn chơi, dạy cháu những chức năng cơ bản. Thấy cháu tò mò, thích thú tôi cũng cho rằng vô hại, không ngờ lâu dần, mẹ không “nghiện” mà con lại “nghiện”.
 
Theo đó, con gái chị hễ đi đâu thì thôi, gần mẹ là lại rền rĩ đòi nghịch iPhone. Nếu chị không đồng ý, cô bé thể nào cũng giận dỗi, nhiều lúc còn vùng vằng, khóc lóc.
 
“Có những hôm cả nhà đi ăn sáng, trong lúc ăn, cháu vẫn chúi mũi vào chơi trò chơi. Tôi không đồng ý thì cháu giận, vừa ăn vừa khóc!”
 
Bé gái say sưa với trò chơi trên iPad
Bé gái say sưa với trò chơi trên iPad - Ảnh minh họa
 
Không có iPhone không đi học
 
Chị Mai (Cầu Giấy, HN) nhân dịp nghỉ hè muốn cho Đức - con trai chị tranh thủ học một khóa tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ. Ban đầu cháu đi học rất vui vẻ, nhưng sau một tuần thì sống chết đòi mang Ipad đi học: "Nếu bố không cho con mang Ipad theo thì có chết con cũng không đi học".
 
Tìm hiểu ra mới biết ở lớp bạn nào cũng được mang iPad đi học. Thậm chí có nhiều bạn trong lớp Đức không phải mượn Ipad của bố, mẹ mà dùng đồ bố mẹ mua riêng cho các bạn ấy.
 
Sợ con buồn vì thua bạn kém bè, cũng là vì muốn con đi học nên chị Mai đã phải mua iPad cho con.
 
Chị Hoài (Giải phóng, Hà Nội) thì cho biết mấy ngày nay thấy Tuấn - cậu con trai học lớp 4 của mình mỗi khi đi học về nhà lại nằng nặc đòi bố mẹ mua cho một chiếc điện thoại di động. Cậu còn "ra điều kiện" với bố mẹ, nếu không mua, cậu sẽ không đi học vì... lạc lõng với các bạn trong nhóm chơi thân ở lớp. 
 
Theo như lời kể của Cường, trong nhóm có 6 bạn thì chỉ mình Tuấn là không có di động để liên lạc với bố mẹ và nhắn tin cho bạn bè. Cậu bị nhóm "tẩy chay" vì... "nhà quê".
 
Chị Hoài chia sẻ: "Nghe cháu kể chuyện, tôi vô cùng sửng sốt, từ trước đến giờ chưa bao giờ cháu "ra điều kiện" với bố mẹ. Lại thêm khi nghe cháu nói, mẹ phải mua Iphone cho con giống bạn H. mới "đẳng cấp", tôi không tin nổi vào tai mình. Đứa bé mới 9 tuổi mà đã a dua theo mốt con nhà giàu?"
 
Chị Hoài kể rằng, sở dĩ con trai mình đòi mua điện thoại đắt tiền vì các bạn trong lớp được bố mẹ mua cho iPhone4, Samsung Galaxy S2, Galaxy S3. "Với một đứa trẻ học tiểu học mà nhiều ông bố, bà mẹ dám mạnh tay chi hơn chục triệu để mua điện thoại cho con sử dụng là quá xa xỉ. Chiều con như vậy chỉ làm hư con, khiến trẻ không tập trung vào việc học", chị Hoài bức xúc nói.
 
Rất nhiều phụ huynh cho con dùng di động khi học Tiểu học -  Ảnh minh họa.
Rất nhiều phụ huynh cho con dùng di động khi học Tiểu học - Ảnh minh họa.
 
Hãng sản xuất iPhone – Apple đã tạo nên thành công cho thiết bị này bằng một chiến lược vô cùng đơn giản: Đó là làm sao cho kể cả những người mù công nghệ nhất cũng có thể sử dụng được nó. Và dĩ nhiên, trẻ con với tư duy sáng tạo của mình cũng có thể dùng iPhone thậm chí sành điệu hơn người lớn rất nhiều. 
 
Đứa bé say sưa chơi Ipad hay tươi cười cầm iPhone chỉ là một trong số hàng trăm nhân vật chính trong những video được phát tán đầy trên Internet về những đứa trẻ nghiện iPhone. Những đoạn video này thường được chính các bậc phụ huynh đạo diễn để biểu lộ sự hãnh diện của họ về khả năng của con trẻ trong việc lướt tay trên màn hình cảm ứng để chụp ảnh hay mở các ứng dụng.
 
Nguy hiểm cho trẻ
 
Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Thu Hà - bệnh viện Xanh Pôn, nhiều phụ huynh đã dạy con cách sử dụng điện thoại hay máy tính bảng và thậm chí cho con sở hữu 1 chiếc từ khi con còn rất nhỏ. Tuy nhiên, sự chiều chuộng này lại vô tình có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con trong tương lai. 
 
"Tôi đã đọc một báo cáo của Anh năm 2000, các bác sĩ nhi khoa đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên cho trẻ sử dụng điện thoại di động trong những trường hợp khẩn cấp. Nếu sử dụng trước tuổi 20 sẽ làm tăng gấp 5 lần nguy cơ u thần kinh đệm. Và, đầu năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo, điện thoại di động có thể gây ung thư não." - BS. Hà dẫn chứng.
 
"Hơn nữa nghiện chơi các trò chơi điện tử trên máy tạo cho các em thêm vẻ cuống cuồng, tăng động, vội vàng hơn. Đó chưa kể là những tác hại từ máy móc với các em như cận thị, lười biếng, dập khuôn” - bà Hà cho biết thêm.
 
TS. Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý - Cục Bảo trợ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra lời khuyên: Phụ huynh cần lưu tâm là làm sao để con cái sử dụng điện thoại an toàn, tránh được những nguy cơ từ game, hình ảnh và những tin nhắn có nội dung không lành mạnh.
 
Với chiếc điện thoại đắt tiền trên tay, con trẻ có thể trở thành nạn nhân của một vụ cướp giật mà thủ phạm là đối tượng nghiện hoặc hám tiền. Nếu đúng như vậy thì cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. 
 
  • Lê Nguyễn (Tổng hợp) 
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc