Bệnh lạ tái bùng phát ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chẳng bao lâu sau khi ngành Y tế khẳng định đã phát hiện được căn nguyên và khống chế được căn bệnh này, và coi đây là “1 trong 10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012”. Những ngày này, nỗi lo lắng trở lại với người dân và chính quyền địa phương.
[links()]
Bà Phạm Thị Ngắp, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, tái phát bệnh “lạ”. Ảnh: TTO |
Thôn Rêu, xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) nơi có số ca tử vong nhiều nhất vì hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (thường gọi là “bệnh lạ”) trong vòng 2 năm qua. Yên ắng chưa được bao lâu, từ ngày 28/2/2013 đến nay, thôn Rêu lại có thêm 5 người mắc bệnh. Trong đó có 3 ca bệnh mới, 2 ca tái phát.
Trong số các bệnh nhân có 4 người cùng một gia đình. Các trường hợp mắc bệnh gồm: Phạm Thị Soi, Phạm Thị Ngắp, Phạm Văn Đin, Phạm Văn Hy, Phạm Thi Nai hiện đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.
Sáng 5/3, Huyện ủy, UBND huyện Ba Tơ họp khẩn với lãnh đạo xã Ba Điền để ổn định tâm lý người dân. Qua theo dõi diễn biến bệnh ở làng Rêu và tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch huyện Ba Tơ nhận định: “Những năm trước bệnh bùng phát vào dịp mưa nhiều. Năm nay, tháng giêng trời bắt đầu mưa cũng là lúc bệnh dịch tái phát. Bệnh có bùng phát theo chu kỳ này, lặp đi lặp lại hay không, cần phải được làm rõ”.
Theo lời kể của những bậc cao niên, trước đây bệnh đã xảy ra ở người thậm chí ở súc vật thuộc khu vực làng Rêu và lân cận. “24 trường hợp tử vong ở Ba Tơ trong 2 năm qua là quá đau thương. Không biết bao giờ mới tìm được nguyên nhân và khống chế căn bệnh này?”, ông Phong trăn trở.
Lãnh đạo huyện Ba Tơ cho rằng, Bộ Y tế khẳng định đã “đẩy lùi, khống chế” được căn bệnh này và xem đây là “1 trong 10 thành tựu y tế nổi bật của năm 2012” là quá vội vàng. “Chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh đã tuyên bố bệnh chấm dứt, đưa vào 1 trong 10 “thành tựu” làm các cấp và người dân chủ quan.
Bệnh tái phát giờ nói sao với dân? Người được chữa lành giờ lo tái phát, người chưa mắc bệnh lại lo lắng hơn, dân làm sao ổn định cuộc sống được”, ông Đinh Văn Nho, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ nói.
Chủ tịch xã Phạm Văn Bút, phản ánh: “Người dân khám, xét nghiệm nhiều lần rồi nhưng bệnh vẫn tái phát. Giờ nói lấy máu xét nghiệm người dân đều lắc đầu. Lấy máu của dân nhiều rồi mà không ra bệnh nên họ không đi khám, đi xét nghiệm nữa”.
Tất cả các nguyên nhân như do vệ sinh, nguồn nước, do người dân ăn gạo ẩm mốc, do thiếu vitamin mà trước đây được ngành Y tế đưa ra đều bị chính quyền địa phương nghi ngờ.
“Nói do vệ sinh thì nay thôn Rêu sạch rồi không còn chỗ dọn. Nói do dân ăn gạo ẩm mốc nhưng gạo mới do nhà nước cấp người dân đã dùng, người dân làng khác ăn gạo vụn nát hơn sao không bị? Trong khi lúa gạo người dân trồng được cũng giống như đồng bằng”, ông Bút băn khoăn.
Chủ tịch huyện Lê Hàn Phong đồng quan điểm: Hiện nay cách điều trị chủ yếu vẫn là “bao vây” vùng bệnh bằng cách dọn vệ sinh, thay nguồn nước, ăn uống hợp vệ sinh, không ăn gạo ẩm mốc, tăng cường sức đề kháng cho dân, uống vi chất. Tất cả đã được chính quyền làm rồi nhưng bệnh vẫn không hết.
Ngành Y tế đang lúng túng trong việc tìm ra nguyên nhân. Huyện khẩn thiết yêu cầu bằng mọi giá phải tìm ra được nguyên nhân trước khi nói đến việc đẩy lùi khống chế căn bệnh này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5/3, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết trong số sáu bệnh nhân viêm dày sừng lòng bàn tay bàn chân ở huyện Ba Tơ và huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), có 4/6 bệnh nhân có dày sừng, tổn thương da nhưng không có hiện tượng men gan tăng như trước đây.
Theo ông Bình, đây là đặc điểm khác lạ của căn bệnh này từ đầu năm 2013, nhưng phải đợi kết luận của đoàn công tác thuộc Viện Da liễu T.Ư và Viện Pasteur Nha Trang mới xác định được.
Trả lời về nguyên nhân dẫn đến bệnh “lạ”, ông Bình cho hay: kết quả xét nghiệm mẫu gạo mà bà con ở vùng cao điểm bệnh “lạ” là xã Ba Điền, huyện Ba Tơ sử dụng tại phòng thí nghiệm ở Hong Kong tìm thấy một số loại nấm độc trong gạo nhưng chưa chỉ ra chính xác loại nấm nào là tác nhân cụ thể.
- K.H (Tổng hợp theo TPO, TTO)