(Phunutoday) - Phòng xử số 10, TAND TP.HCM sáng hôm ấy không còn một chỗ trống. Lẫn trong đám đông có hai bà cụ tuổi đã thất thập cổ lai hy, lụm khụm cố tìm một chỗ trống để chen vào. Nhìn thấy người phụ nữ đang ngồi trước vành móng ngựa, mặt cúi gầm đang thúc thít khóc, nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo của hai bà cụ. Đó chính là mẹ và dì của bị cáo.
Giết chồng vì bị… bạo hành
Chuông reng... HĐXX thuộc TAND TP.HCM bắt đầu làm việc. Run rẩy đứng dậy, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Năng (SN 1964, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) khai nhân thân lai lịch. Đến phần khai họ tên chồng “Nguyễn Văn T” (SN 1953, là nạn nhân trong vụ án), bà Năng sụt sùi khóc.
Dáng cao gầy, khuôn mặt hốc hác đã điểm vài nếp nhăn nhưng trông bà Năng cũng thuộc tốp phụ nữ có nhan sắc. Chắc có lẽ ở cái tuổi xuân xanh thì không biết có bao nhiêu chàng đeo bám bà, ấy vậy mà số mệnh vận đúng vào bà cái câu…”hồng nhan bạc phận”.
Theo nội dung vụ án, bà Năng và ông T lấy nhau đã hai mươi mấy năm nay, vợ chồng họ cùng ngụ tại khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Sống với nhau khoảng thời gian dài như thế, vợ chồng họ đã có 4 mặt con đều đã trưởng thành, trong số đó 2 đứa con trai đã lấy vợ và đã sinh 3 đứa cháu nội. Nhiều năm nay, bà Năng mưu sinh kiếm sống bằng nghề mở quán nước trước nhà, khách khứa đủ hạng người.
Bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Năng |
Do có nhan sắc, gần 50 tuổi nhưng bà Năng trông vẫn còn mặn mà nên thỉnh thoảng cũng có người chọc ghẹo. Chính vì thế, ông T chồng bà nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm bên ngoài nên vào những lúc uống rượu say hay lấy cớ này chửi bới, đánh đập vợ. Tối 23/12/2010, T đi uống rượu về rồi chửi mắng vợ. Năng không cãi lại mà đi vào nhà ngồi nói chuyện với chị Ngọc - người thuê phòng trọ phía sau nhà.
Lúc này, nghe chị Ngọc nói có người thân đang nằm viện ở bệnh viện 115 nên Năng muốn đi thăm. Đến 21 giờ cùng ngày, Năng cùng chị Ngọc dắt xe máy ra cổng đi đến bệnh viện thì bị T lấy dao chọc thủng lốp xe máy, không cho đi. Năng liền bỏ vào quán cafe của gia đình lấy một chiếc xe máy khác để đi thì tiếp tục bị T dùng dao chọc thủng cả hai lốp xe. Tức giận, Năng dùng tay cào cấu vào người của chồng thì bị T đánh lại.
Thấy cha mẹ đánh nhau, anh K (con của Năng và ông T) chạy đến can ngăn thì Năng kêu con lấy xe cho mình. Nghe vậy, T liền cầm cây xà beng đứng chặn trước cổng nhà dọa đánh nếu Năng dám bước ra khỏi nhà. Thấy vậy, Năng bỏ vào nhà kêu anh K gọi những người con khác về đề bàn chuyện ly dị với T vì hết chịu nổi tính khí của chồng.
Khoảng nửa giờ sau, các con của Năng về đến nhà, ngồi nói chuyện với mẹ, còn T vẫn ngồi ngoài quán cafe tiếp tục chửi mắng. Khoảng 15 phút sau, Năng ra quán cafe lấy nước uống thì bị T dọa đánh nên la lên. T liền lấy một cái ghế khung bằng kim loại đánh vào đầu, lưng của vợ. Trong lúc đưa tay lên đỡ những cú đánh của chồng, Năng nhìn thấy con dao chồng dùng đâm thủng lốp xe lúc nãy để trên tủ lạnh cách đó không xa, liền chạy tới chụp lấy. T nhìn thấy, liền cầm ghế lao tới thì bị Năng đâm trúng hai nhát vào người. Lúc các con của Năng chạy ra thì ông T đã bị vợ đâm. Ông T được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết trước khi nhập viện do vết thương trúng tim…
Với hành vi phạm tội như nói trên, Năng bị truy tố và ra tòa xét xử về tội giết người với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Đáng thương hơn đáng trách…
Phòng xử lặng như tờ khi nghe vị đại diện Viện KSND TP.HCM công bố cáo trạng. Suốt thời gian đó, bà Năng chỉ biết gục đầu xuống vành móng ngựa mà khóc.
Trình bày với tòa, bà Năng thừa nhận đã gây ra cái chết cho chồng nhưng xin xem xét lại vì bản thân bà không ý định giết chồng. “Dù bị chồng thường xuyên đánh đập, hành hạ bao nhiêu năm qua nhưng chưa bao giờ bị cáo có ý nghĩ có ngày cướp đi sinh mạng của ông ấy để phải ra tòa như ngày hôm nay. Hôm ấy, vì bị ông ấy cầm ghế đánh, đau quá nên bị cáo lấy dao để tự vệ, ai ngờ…” - bà Năng tức tưởi trình bày.
“Nếu chỉ lỡ đâm trúng chồng, vì sao khi thấy chồng bị thương, bị cáo không đưa nạn nhân đi cấp cứu liền ngay tức khắc? Nhiều nhân chứng khai, sau khi sự việc xảy ra, họ yêu cầu bị cáo và các con đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không ai làm mà để mặc hậu quả như vậy” - vị thẩm phán, chủ tọa phiên tòa chất vấn.
“Thật sự bị cáo không hay biết đâm ông ấy vào lúc nào. Bị cáo chỉ nhớ là chỉ cầm dao quơ ngang trước người ông ấy hù dọa để ông ấy không tấn công bị cáo nữa… nên bị cáo nghĩ là ông ấy chỉ bị xây xát bên ngoài, nếu không bị cáo đã đưa ông ấy đi cấp cứu liền chứ không để ông ấy phải chết như thế này…” - bà Năng tức tưởi.
“Theo giám định pháp y, trên người nạn nhân có rất nhiều vết xây xát như bị cáo khai nhưng ngoài ra còn có hai vết thương sâu làm thủng tim, gây mất máu khiến nạn nhân chết không lâu sau đó. Vì lẽ này mà Viện truy tố bị cáo về tội giết người nên bị cáo không thể nói mình chỉ cầm dao quơ mà chồng chết. Nạn nhân dù gì cũng đã chết nhưng Tòa muốn bị cáo phải nhận thức được hành vi của mình là sai mà có cơ hội sửa chữa…” - HĐXX tiếp tục truy hỏi bị cáo.
Những lời nói chí tình của vị thẩm phán đã khiến bà Năng không còn biết nói gì hơn, chỉ có những dòng nước mắt cứ tuôn xối xả trên khuôn mặt. Ngồi phía dưới, mẹ và các con trai của bà cũng cố gắng kìm lấy cơn xúc động.
Được HĐXX cho phát biểu ý kiến, đại diện hợp pháp cho gia đình nạn nhân, cũng là con trai của bà Năng, trình bày: “Cha tôi mất đi là nỗi đau lớn cho gia đình chúng tôi. Đau đớn hơn bởi người gây ra cái chết cho ông lại chính là mẹ tôi. Chúng tôi thương cha nhưng cũng không trách mẹ vì nhiều năm nay, mỗi khi cha có rượu là mẹ tôi phải chịu những lời mắng nhiếc thậm tệ của ông, thậm chí ông còn đánh đập mẹ... Vì con cháu, mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, một lòng một dạ lo cho gia đình, bỏ qua hết những sai lầm của cha. Thế nhưng, không ngờ chuyện đau lòng xảy ra…”.
Nói đoạn, đứa con trai của bị cáo khẩn khoản xin: “Giờ, chúng tôi chỉ mong sao HĐXX mở rộng vòng tay xử cho mẹ tôi mức án nhẹ để bà có cơ hội sớm trở về với gia đình”.
Dù không đến dự phiên tòa nhưng mẹ ông T cũng có bức tâm thư gửi cho tòa xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho đứa con dâu và không yêu cầu bồi thường gì. Trong thư, bà G - mẹ ông T - thừa nhận, vì ghen con dâu bà có người khác nên nhiều năm nay, gia đình T lục đục, mâu thuẫn vợ chồng kéo dài. Vụ án là giọt nước tràn ly, con trai bà giờ đã chết, bà chỉ mong sao tòa xử nhẹ để con dâu bà có cơ hội sửa chữa sai lầm và sớm trở về để chăm sóc những đứa cháu nội của bà…
Thực hành quyền công tố tại tòa, trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND giữ nguyên quan điểm buộc tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án từ 7 - 8 năm tù về tội giết người. Theo quan điểm của cơ quan công tố, đáng lý ra biết tính nết của chồng khi say xỉn thì bị cáo phải tránh đi chỗ khác, đằng này lại cố chấp dẫn đến cự cãi với chồng rồi dùng dao đâm chết nạn nhân. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng khi phạm tội vẫn bất chấp tất cả, tước đoạt mạng sống người chồng trái pháp luật nhằm thỏa mãn nhất thời… Bị cáo phạm tội thuộc lỗi cố ý, làm chết một người nên cần mức án nghiêm để răn đe.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, dù bị cáo có hành vi giết người nhưng trong quá trình chung sống, bị cáo là người phụ nữ đáng thương, chịu thương chịu khó lo cho chồng con nhưng vẫn bị chồng hành hạ, đánh đập. Động cơ phạm tội của bị cáo ở trong tình thế có lỗi của bị hại, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, gia đình bị hại có đơn bãi nại… Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét, chiếu cố cho bị cáo mức án “khoan hồng”.
“Bị cáo không muốn giết chết ông ấy. Chỉ là một lúc thiếu kiềm chế, suy nghĩ… Xin HĐXX xem xét, khoan hồng cho bị cáo được về sớm để thờ chồng và sống cùng con cháu…” - bà Năng nghẹn ngào nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.
Giờ nghị án, mẹ bà Năng cho biết, vợ chồng bà Năng sống với nhau mấy chục năm nay tuy có cự cãi, đánh nhau nhưng cũng không đến nỗi nào. Bình thường, ông T cũng biết phụ vợ bán quán cafe trước nhà nhưng mỗi khi có rượu vô, ông T sẵn sàng mắng chửi vợ, bất kể đang ở đâu, có hàng xóm láng giềng hay không.
Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều năm nay, bà Năng không dám đi đâu cùng chồng vì xấu hổ… Bà Năng lấy chồng theo chồng, thỉnh thoảng mới về thăm nên bà cũng không biết khuyên can gì. Vụ án xảy ra, bà mới hối hận vì “con dại cái mang”. “Bây giờ dù gia đình chồng và các con tha thứ cho nó nhưng chắc rằng từ giờ đến cuối đời, nó không thoát khỏi ám ảnh tội lỗi giết chồng” - người mẹ già buồn bã tâm sự.
Cuối cùng, sau hai ngày nghị án, HĐXX đã tuyên một mức án thấu tình đạt lý khi cho rằng bị cáo không cố ý giết người, cái chết của nạn nhân là lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi của bị cáo chỉ cấu thành tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” nên HĐXX đã tuyên bị cáo mức án 2 năm tù. Án tuyên, những giọt nước mắt mừng vui lăn dài trên đôi má của người mẹ già của bà Năng.
Bước chân chậm chạp phải có những đứa cháu theo dìu, người mẹ này vẫn cố nói với theo con: “Cố gắng cải tạo tốt rồi về nha con!”. Nhìn mẹ và những đứa con ruột, con dâu đứng bịn rịn nhìn theo, bà Năng chỉ biết gật đầu và không giấu được dòng lệ tuôn trào…
- H.Quỳnh
[links()]