Bi kịch chồng giết vợ và thảm cảnh của 5 đứa con

08:21, Thứ sáu 23/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Thấy vợ càng lúc càng quá quắt, Thanh chạy ra phía ngoài nhà vớ cây rựa dùng để chặt củi chạy vào và thẳng tay chém 3 nhát vào cổ chị Thủy khiến chị Thủy chỉ kịp hét lên đau đớn và ngã gục tại chỗ.

Lúc xảy ra án mạng, trong nhà chỉ có hai vợ chồng, người con lớn có gia đình ở xa, mấy đứa nhỏ ở bên ngoại nên chẳng ai hay biết đến cái chết đau đớn của chị Thủy. Như một tên sát thủ máu lạnh, Thanh bỏ mặc vợ nằm trên vũng máu, thản nhiên đi tắm rửa sạch sẽ và đến cơ quan công an đầu thú, khai báo hết mọi chuyện.

[links()]

Ông bà ta có câu “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Câu nói ấy chỉ đúng với những ai biết trân trọng, giữ gìn ngọn lửa gia đình của mình để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Còn đối với đôi vợ chồng Lê Chí Thanh (SN 1965) và Hồ Thị Bích Thủy (SN 1965), ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp thì dường như đã không có ý nghĩa.

Bởi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, chồng giận nhưng vợ chẳng bớt lời và trong một phút nóng giận mất khôn, Lê Chí Thanh đã ra tay sát hại người vợ đầu ấp tay gối với mình.

Hậu quả của một phút nóng giận thiếu kiềm chế là 5 đứa con nheo nhóc của họ cùng một lúc vĩnh viễn mất mẹ và tạm thời xa cha. Cuộc sống của chúng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn và thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, mất đi hơi ấm gia đình.

Khi người vợ mắc căn bệnh “lắm mồm”.

Cách đây hơn hai mươi năm, Lê Chí Thanh là một thanh niên trai tráng, khỏe mạnh khiến bao cô gái trong làng thầm thương trộm nhớ. Trong số đó, Thủy là cô gái may mắn được Thanh để ý tìm hiểu và cưới về làm vợ.

Lẽ thường người ta nói “vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”, nhưng đối với cặp đôi Thanh – Thủy thì không dễ bởi họ chẳng có công ăn việc làm ổn định. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ không nghề nghiệp ổn định đã gặp không ít khó khăn thế nhưng họ vẫn sống với nhau hạnh phúc.

Đối tượng Lê Chí Thanh
Đối tượng Lê Chí Thanh

Với sức vóc vạm vỡ, Thanh ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời chăm lo việc đồng áng. Rãnh ngày mùa thì quay qua làm những công việc thuê mướn khác để kiếm cơm lo cho cuộc sống gia đình.

Chị Thủy thì hàng ngày ra chợ bán cá kiếm dăm chục đồng lời cơm cháo qua ngày. Cứ như thế, bao nhiêu năm trôi qua, họ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và có với nhau 5 mặt con đủ nếp đủ tẻ, nuôi cho chúng khôn lớn, lo cho chúng ăn học.

Và tất nhiên trong cuộc sống, cũng như bao đôi vợ chồng khác, vợ chồng Thanh – Thủy vẫn có những lúc cơm không lành, canh không ngọt, bát đũa xô nhau nhưng sau những trận cãi vã, họ lại đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống gia đình.

Thế nhưng, sự đời, khi túng quẫn trong cuộc sống thì họ dễ dàng sinh tật. Chị Thủy không là một ngoại lệ. Chật vật lo toan đủ bề nhưng kinh tế gia đình vẫn nằm ở mức bình bình, không khá giả hơn nên chị Thủy sinh tật nói nhiều, hay than vắn thở dài và dễ sinh sự với anh Thanh, nhất là khi anh Thanh không làm theo ý chị.

Mâu thuẫn gia đình ngày càng phát sinh từ tật nói nhiều của chị Thủy. Đỉnh điểm là khoảng 3 năm trở lại đây, sau những lần cãi nhau với chồng, chị Thủy dắt díu đàn con về nhà mẹ ruột, bỏ mặc Thanh.

Mỗi lần như vậy, Thanh là người xuống nước nhường nhịn qua nhà mẹ vợ xin lỗi cha mẹ vợ, năn nỉ chị Thủy và đón mấy mẹ con về. Vợ chồng con cái lại vui vẻ với nhau. Thế nhưng sự tử tế, xuống nước của Thanh vô tình tạo thành “nếp” cho chị Thủy mỗi khi vợ chồng có mâu thuẫn.

Một lần, hai lần còn chịu đựng được nhưng cứ như vậy mãi thì “con giun xéo mãi cùng oằn”, Thanh không còn tử tế, không còn xuống nước mỗi khi chị Thủy “làm mình làm mẩy” nữa mà quay ra ngang tính, thách đố với chị Thủy.

Vợ chồng cứ thế mà càng ngày có những trận cự cãi, sừng sộ với nhau. Mọi việc trong nhà từ việc lớn đến việc nhỏ, trước đây vợ chồng hay bàn bạc với nhau nhưng nay thì anh Thanh tự quyết định rồi mới nói cho vợ hay, đẩy chị Thủy vào thế “việc đã rồi”.

Chính sự thay đổi này càng khiến cho cuộc sống vợ chồng họ ngày càng lục đục hơn. Sự tự ái trong người đàn bà khiến chị Thủy vốn đã mắc bệnh hay càu nhàu nay lại càng nói nhiều hơn.

Án mạng đau thương và bi kịch cho những đứa con thơ

Giờ đây khi đã ngồi trong trại tạm giam chờ ngày ra pháp đình, hẳn Thanh vẫn không thể nào lý giải nỗi hành động mất nhân tính của mình đối với vợ.

Trước ngày xảy ra án mạng hai ngày, tức vào ngày 27/2/2012, thấy khoảng sân trước nhà vợ chồng Thanh rộng rãi lại thoáng đãng nên nhà anh T (một người dân địa phương) mới ngỏ lời muốn thuê để phơi lúa mùa vụ.

Thay vì về bàn bạc với vợ cho ngọn ngành, Thanh tự ý quyết định cho nhà hàng xóm thuê sân phơi lúa với giá “hữu nghị”.

“Đàn ông nông nỗi giếng khơi/ đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” đó là câu nói của người xưa, nhưng đặt trong trường hợp này quả không sai. Khi thấy chồng khơi khơi cho hàng xóm thuê sân mà không hỏi ý kiến mình, chị Thủy đâm cáu bẳn.

Đã vậy còn cho thuê với giá rẻ, đi làm về chị Thủy hạch họe chồng, cho rằng đàn ông không biết tính toán, dễ mủi lòng nên mới quyết định “sai lầm”, lẽ ra phải nhân cơ hội ngày mùa, nông dân thiếu chỗ phơi lúa mà đẩy giá cao để kiếm tiền.

Thấy vợ cứ luôn mồm kêu ca “đo lọ nước mắm, tính củ dưa hành”, Thanh nổi nóng cãi lại, cuộc chiến tranh lại bắt đầu, chỉ tội cho mấy đứa con phải chịu trận.

Chuyện tưởng đã êm, cũng như mọi lần, xong việc thì thôi, vợ chồng lại hòa thuận, ai ngờ trưa ngày 29/2/2012, trong lúc chị Thủy vừa đi bán cá ở chợ về vào trong buồng thay quần áo để lo cơm nước thì Thanh cũng vừa đi làm về.

Chẳng hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà vừa thấy mặt vợ, Thanh đã nhớ lại chuyện hai hôm trước vợ chồng cãi nhau, chị Thủy có nặng lời với Thanh nên Thanh đã buột miệng khơi lại chuyện cũ.

Đang trưa nắng, vừa đi chợ về mệt lại bị chồng gây sự, chị Thủy cũng chẳng vừa mắng mỏ lại Thanh. Bao nhiêu ngôn ngữ chợ búa chị Thủy tuôn ào ào cho hả cơn giận mà chẳng biết Thanh cũng đang điên tiết.

Thấy vợ càng lúc càng quá quắt, không kiềm chế được cơn nóng giận đang bốc trong người, Thanh chạy ra phía ngoài nhà vớ cây rựa dùng để chặt củi chạy vào và thẳng tay chém 03 nhát vào cổ chị Thủy khiến chị Thủy chỉ kịp hét lên đau đớn và ngã gục tại chỗ.

Điều đáng nói ở đây là chẳng hiểu Thanh giận chị Thủy đến mức nào mà sau khi đã xuống tay sát hại vợ, biết vợ đã chết, Thanh cũng không mảy may hoảng hốt, lo sợ hay tỏ ra ân hận gì mà ngược lại rất bình tĩnh.

Lúc xảy ra án mạng, trong nhà chỉ có hai vợ chồng, người con lớn có gia đình ở xa, mấy đứa nhỏ ở bên ngoại nên chẳng ai hay biết đến cái chết đau đớn của chị Thủy.

Như một tên sát thủ máu lạnh, Thanh bỏ mặc vợ nằm trên vũng máu, thản nhiên đi tắm rửa sạch sẽ và đến cơ quan công an đầu thú, khai báo hết mọi chuyện.

Đến lúc này, căn nhà của vợ chồng Thanh mới hoảng loạn vì cái chết của chị Thủy. Những đứa con của họ nghe tin dữ đã không khỏi bàng hoàng, xót xa. Điều chúng đau xót nhất chính là chúng không ngờ người gây ra cái chết cho mẹ chúng lại là cha chúng.

Qua lời kể của một điều tra viên thì khi làm việc với cơ quan công an, thái độ của Lê Chí Thanh vẫn rất bình tĩnh, không tỏ ra ân hận mà rành rọt khai nhận mọi việc. Dường như trong suốt một thời gian dài vừa qua, Thanh đã phải chịu đựng người vợ lắm lời rất nhiều vậy.

Và cho dù có thế nào đi chăng nữa thì vẫn là người đầu ấp tay gối với mình hơn 20 năm gắn bó, xây dựng gia đình với năm mặt con đã dần trưởng thành thì lý do mà Thanh nêu lên để biện minh cho hành động mất nhân tính của mình là không thể tha thứ.

Ngồi trước điều tra viên, Thanh rành rọt trả lời từng câu hỏi và nguyên nhân chính là muốn dạy cho vợ một bài học về tật lắm lời.

Nhưng khi được hỏi vì sao chuyện đã qua hai ngày mà còn nhắc lại để gây sự thì Thanh cho rằng không muốn vợ coi khinh mình, phần thì vẫn còn ấm ức những câu chửi của vợ hôm trước nên Thanh đã ra tay tàn độc ...

Nhắc đến những đứa con đang oán hận hành vi của cha nó đối với mẹ nó, tên Thanh chỉ im lặng, gương mặt không còn bình tĩnh được. Cúi mặt nói lời sau cùng của buổi hỏi cung, tên máu lạnh Lê Chí Thanh chùng giọng nhắn nhủ:

“Trong cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn cãi nhau là chuyện bình thường, nhưng đừng ai nóng giận như tui để gây ra hậu quả này”. Và có lẻ điều mà Thanh còn muốn nhắn nhủ nữa là những bà vợ hãy bớt lắm điều để giữ hòa khí trong gia đình.

Nhưng giờ đây, khi mà người vợ hơn 20 năm đồng cam cộng khổ với hắn đã chết oan ức bởi nhát rựa oan nghiệt nên dù có ân hận, nhưng bản tính của một người đàn ông ít học, dân quê cộc cằn như Thanh thì hắn không muốn mở lời để nói, dù từ sâu thẳm trong đáy lòng hắn đã thực sự hối hận. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Một ngày không xa, Lê Chí Thanh sẽ phải ra trước vành móng ngựa, sẽ đối mặt với những đứa con của mình. Trước công đường, trước bà con, gia đình, người thân và những đứa con của mình, Lê Chí Thanh phải cay đắng kể lại hành vi của mình.

Liệu hắn có chịu được sự căm ghét, nỗi oán hận của những đứa con. Và rồi khi nghe chính cha mình kể lại hành vi giết mẹ mình, những đứa con của Thanh có sẳn lòng tha thứ. Chúng sẽ nghĩ về người cha của chúng như thế nào?

Đó chính là những câu hỏi của tòa án lương tâm dành cho Lê Chí Thanh mà chính hắn không thể trả lời được.

Nhưng đau đớn hơn 5 đứa con của Thanh, chỉ duy nhất đứa con đầu vừa lập gia đình, tất cả những đứa còn lại giờ đều nheo nhóc, đã khổ cực nay còn lận đận hơn, và chắc chắn tương lai chúng cũng chỉ là mịt mù.

Chỉ vì một phút nóng giận mà tan nát một gia đình. Vợ mãi mãi nằm sâu dưới lòng đất. Chồng vào chốn lao tù. Năm đứa con bơ vơ tự bám víu vào nhau nuôi thân quả là đau lòng.

  • Trân Trân 
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc