Chính “đệ nhất kỹ nữ Giang Tô” Trần Viên Viên đã góp phần rất lớn trong việc kết thúc triều đại nhà Minh trong tay vị Hoàng đế cuối cùng Sùng Trinh. Cũng chính Trần Viên Viên đã làm cho Sấm Vương Lý Tự Thành nổi dậy đánh chiếm thành trì, đăng quang ngôi Hoàng đế vẻn vẹn 43 ngày.
Cũng chính vì Trần Viên Viên mà danh tướng Ngô Tam Quế “hàng Thanh, phản Minh” mở cổng thành Sơn Hải Quan để rước Đa Nhĩ Cổn và quân Mãn Thanh vào đất Trung Nguyên lập nên cơ nghiệp nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, khiến cho hàng chục vạn người đầu rơi, máu chảy, sinh linh đồ thán. Nàng không thuộc về ai cả, mà chỉ là “món hàng”, “món đồ chơi” dùng trao tay của những mưu đồ chính trị, ý đồ xưng nghiệp bá vương của những kẻ quyền thế, hùng mạnh trong thiên hạ cuối thế kỷ 17 tại Trung Quốc.
Cuối cùng, nàng trở thành một đạo cô, tu hành ẩn dật và mất đi lặng lẽ không ai biết đến. Có người cho rằng, khi trở thành đạo cô tu hành tại một ngôi chùa nhỏ ngoại thành Côn Minh (Vân Nam) thủ phủ của nhân tình là Bình Tây Vương Ngô Tam Quế, nàng vẫn còn dang díu, vụng trộm cả với Lý Tự Thành. Và một trong hai người hùng này là bố đẻ của nàng A Kha xinh đẹp tuyệt trần trong truyện Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung sau này.
Cuộc đời của kỹ nữ Trần Viên Viên đúng là một bi kịch nhan sắc. Hết làm trò chơi cho các danh sĩ và hào phú đất Tô Châu, nàng lần lượt trở thành trò chơi cho Sùng Trinh Hoàng đến Sấm Vương Lý Tự Thành và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế. Cuộc chiến giữa Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế tại Nhất Phiến Thạch làm chết cả vạn người, khiến dư luận và lịch sử Trung Quốc trút lên đầu Trần Viên Viên. Chỉ có một người thông cảm kiếp hồng nhan đã làm một bài thơ giãi bày hộ Trần Viên Viên. Đó là danh sĩ Ngô Vĩ Nghiệp (Mai Thôn) với “Viên Viên khúc”.
Chắc là không phải ngẫu nhiên mà ông vua truyện chưởng Trung Quốc là Kim Dung dành gần 50 trang để viết về kỹ nữ Trần Viên Viên trong “Lộc Đỉnh ký” và ưu ái đặt nàng vào vị trí đệ nhất đại mỹ nhân.
Cuộc đời gian nan, chìm nổi và nhan sắc tuyệt thế của nhân vật này lại gắn liền với những biến động của lịch sử triều Mãn Thanh (1642 - 1911) lúc khởi nghiệp từ quan ngoại tộc Hồ, Mãn Châu phía Bắc lấn chiếm, mở mang bờ cõi về phía Nam và sự suy tàn của vương triều nhà Minh bắt đầu từ năm 1600 đến 1644 rơi vào tay Mãn Thanh sau 276 năm trị vì với 17 đời Hoàng đế (1368-1644).
Cuộc đời của kỹ nữ Trần Viên Viên có mối quan hệ một cách đặc biệt tới Sùng Trinh Hoàng đế (Minh Tư Tông 1611-1644), vị Vua cuối cùng của nhà Minh, với Sấm Vương Lý Tự Thành và Bình Tây Vương Ngô Tam Quế - đại diện cho ba thế lực phong kiến hùng mạnh, tiêu biểu nhất của thời Minh mạt - Thanh sơ.
Trong Lộc Đỉnh ký của Kim Dung, nhân vật Vi Tiểu Bảo 16 tuổi, làm Tứ hôn sứ cho Vua Khang Hy, đi công cán tại Vân Nam đã gặp Trần Viên Viên trong một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Côn Minh. Khi ấy, Trần Viên Viên đã 40 tuổi, đang đi tu lấy pháp danh là Tịch Tĩnh.
Thế nhưng, Vi Tiểu Bảo cảm nhận về đạo cô đặc biệt xinh đẹp này, qua “giọng nói ôn hoà trong trẻo” đúng khẩu âm Tô Châu, cặp lông mày xinh như vẽ, nét mặt thanh tú không bút mực nào tả xiết” và “màu da trắng hồng khác nào bạch ngọc điểm phấn son” của người phụ nữ ấy đã làm cho gã thiếu niên Vi Tiểu Bảo mới 16 tuổi, nổi tiếng thông minh nhất thiên hạ phải sững sờ đến nỗi “tay cầm chung trà, miệng há hốc ra không ngậm lại được, chân tay bủn rủn”. Kim Dung gọi đó là “tấm dung nhan tuyệt thế”.
Đó chỉ là kỹ nữ Trần Viên Viên năm 40 tuổi trong lớp áo cà sa một đạo cô. Nếu là Trần Viên Viên 18-20 tuổi với xiêm áo rỡ ràng và phấn son hương sắc của một nhan sắc từng được mệnh danh là “đệ nhất kỹ nữ thành Tô Châu” thì sắc đẹp kia đã được nâng lên mấy tầng cao, mấy cung bậc nữa. Có thể Vi Tiểu Bảo sẽ chết chìm trong đôi mắt người phụ nữ như tiên giáng trần này.
Bạn đọc và khán giả đã xem phim và đọc truyện Lộc Đỉnh ký hẳn nhớ rằng Vi Tiểu Bảo vào lúc này đang say mê nàng A Kha xinh đẹp, là con gái của Trần Viên Viên, một mỹ nhân mà dẫu có đánh đổi cả ngôi Hoàng đế cũng chẳng thèm đổi. Vậy mà chính Vi Tiểu Bảo phải công nhận nàng A Kha chưa đẹp bằng một nửa Trần Viên Viên.
Câu nói thốt lên từ miệng Thúy Kiều khi nghe Vương Quan kể lại chuyện bi thương của cuộc đời kỹ nữ lầu xanh Đạm Tiên trong lần Thanh Minh đi tảo mộ. Thi hào Nguyễn Du đã viết: “Sống làm vợ khắp người ta / Khéo thay thác xuống làm ma không chồng”. Định mệnh dường như đã an bày, sắp đặt sẵn cho kiếp hồng nhan đa truân, phận bạc như vôi, tình như bèo bọt của đời ca nhi, kỹ nữ. Trước là Đạm Tiên, sau đến lượt Thúy Kiều “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”.
Thi sĩ Đỗ Mục đời nhà Đường nổi tiếng ăn chơi một thời, thường hay làm thơ nhắc đến kỹ nữ:
“Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa”
(Kỹ nữ đâu biết hận vì mất nước, bên sông vẫn hát Hậu đình hoa), trong bài "Khiển hoài" của ông có gợi nên dư vị về những cuộc tình chóng vánh ở chốn lầu xanh, kỹ viện rằng:
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Tạm dịch:
Mười năm sực tỉnh Dương Châu mộng
Luống hận lầu xanh phụ bạc hoài.
Một thi sĩ đời nhà Đường khác là Bạch Cư Dị có bài "Đại mại tân nữ tặng chư kỹ" (Thay lời chị bán củi tặng các kỹ nữ), nhìn nhận các kỹ nữ với thái độ khắc khe, khinh bỉ - sự coi thường các cô gái kỹ nữ “ăn trắng mặc trơn” khi thấy hình ảnh họ đối lập với những phụ nữ lao động nặng nhọc, vất vả lam lũ:
Loạn bồng vi mấn, bố vi cân
Hiểu đạp hàn sơn tự phụ tân
Nhất chủng Tiền Đường giang bạn nữ
Trước hồng kỵ mã, thị hà nhân?
Thi sĩ Tản Đà dịch:
Đầu bù khăn vải trùm tai
Trèo non gánh củi sương mai lạnh lùng
Tiền Đường cũng gái trên sông
Mà xem yên ngựa quần hồng là ai?
Theo các tài liệu xưa để lại, Trần Viên Viên (1624-1681, gọi tắt là Viên Viên), tự Uyển Phân, nguyên họ tên là Hình Nguyên, xuất thân từ một gia đình lao động nghèo ở thôn Thái Nguyên, Vũ Tiến, Hình Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô -Trung Quốc).
Cha của cô vốn là một người buôn bán nhỏ nhưng do hoàn cảnh bần hàn nên đã bỏ đi xa, để lại cô con gái duy nhất cho người em vợ nuôi. Khi trưởng thành, Viên Viên đã lọt vào “mắt xanh” của một kỹ viện nổi tiếng nhất Giang Tô. Do hoàn cảnh mồ côi sớm, nên lớn lên Viên Viên mang theo họ Trần của chồng người dì ruột nuôi dưỡng.
Sắc đẹp của Viên Viên, người đời đã mô tả lại rằng: “Kỹ nữ này sở hữu một sức hút khó cưỡng từ đôi môi căng mọng. Mỗi khi nhìn ai, người đối diện cũng đều phải luống cuống khi lỡ nhìn vào cặp mắt đẹp mê hồn của nàng. Mái tóc của Viên Viên dài óng và mượt mà như nước hồ thu, nước da trắng ngần như sứ, thân hình mảnh mai và mỏng manh như thuỷ tinh. Ở kỹ nữ này, mọi người đàn ông đều nhận thấy đó là một vẻ đẹp dường như chỉ có trong tranh vẽ”.
Sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” của Viên Viên đã làm vô số đàn ông, các quan phủ tại các tỉnh gần xa mê mẩn tâm thần, ban tặng nàng danh hiệu “Ngũ đại mỹ nhân” từ cổ chí kim, và sánh nàng ngang hàng với Tây Thi - lạc nhạn (nhạn rơi), Chiêu Quân - trầm ngư (cá lặn), Ðiêu thuyền - bế nguyệt (trăng thẹn) và Dương Ngọc Hoàn (Dương Qúi Phi) - tú hoa (hoa nhường).
Ngoài nhan sắc, Viên Viên còn có kỳ tài về “cầm kỳ thi họa” nổi bật so với những kỹ nữ cùng thời. Sách ghi lại: “Mỗi khi tiếng đàn của nàng vang lên, chim họa mi như ngừng hót để lắng nghe. Khi nàng múa, đám đàn ông đến kỹ viện đều phải ngả nghiêng vì thân hình uyển chuyển và hương thơm toát ra từ cơ thể nàng”.
Có thể nói, tại thời điểm đó, Viên Viên được coi là "Đệ nhất mỹ nhân" của đất Giang Tô. Sau này sử sách cũng ghi nhận “Trần Viên Viên là một trong những người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử của Trung Quốc”.
Tranh vẽ Ngô Tam Quế nghe Viên Viên gảy đàn tại khu nhà bảo tàng |
Vào đời vua Sùng Trinh nhà Minh (1628 - 1643), lầu hồng, kỹ viện, lầu xanh mọc lên như nấm gặp mưa ở khắp nơi, đặc biệt là ở Tô Châu và Dương Châu. Đất nước rơi vào cảnh binh đao loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp nơi, xã hội khốn khó, rối ren như một mớ tơ vò.
Kể từ thời Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương dựng nghiệp đế vương vào năm 1368 từ tay người Nguyên - Mông Cổ, đây là thời kỳ suy tàn nhất trong lịch sử triều đại nhà Minh, báo hiệu một sự sụp đổ từ năm 1600 thời trị vì của Minh Thần Tông (ông nội Sùng Trinh). Thời này mọi quyền bính trong triều đều lọt vào tay hoạn quan Ngụy Trung Hiền - người cầm đầu Đông Xưởng.
Từ năm 1663 miền Tây Bắc Trung Hoa hạn hán mất mùa, vỡ đê ngập lụt, nạn đói xảy ra triền miên, dân chúng ăn cả rễ, cạp cả vỏ cây để sống qua ngày. Khi hết cây cỏ họ phải ăn cả đất và mọi thứ có thể ăn được. Thế nhưng vào lúc này, Hoàng đế Minh Tư Tông (tức vua Sùng Trinh) vẫn bắt những nông dân đói nghèo đóng thuế để có tiền nuôi binh lính đánh nhau với nhà Mãn Thanh, và phục vụ cho những cỗ máy tham nhũng, ăn chơi sa đọa nơi kinh kỳ bằng biện pháp thu thuế tăng lên gấp 16 lần bình thường.
Mầm mống loạn lạc là đói nghèo, triều chính hỗn loạn, dân chúng bất mãn, bị dồn vào thế cùng, lực kiệt nên không còn cách nào khác hơn làm loạn, làm giặc. Vì đói kiệt quệ cũng chết, làm giặc có thể chết nhưng vẫn có con đường sống. Thời bấy giờ, giá cả ngàn đồng một lít gạo dân chúng làm sao chịu cho nổi, trong khi đó bọn vua quan, quí tộc giàu có rất phè phỡn, có người làm chủ cả triệu mẫu đất (50.000 hecta) bắt nông dân nộp tô thuế. Loạn lạc bắt đầu từ miền Tây, tiếp theo là Sơn Đông ở miền Ðông (nước Tề cũ), Hội kín Bạch Liên Giáo xuất hiện với hàng vạn tín đồ kéo nhau đi cướp bóc, chém giết các tham quan ô lại. Vùng phía Ðông Nam cha con Trịnh Chi Long và Trịnh Thành Công mang binh sĩ và gia quyến chiếm đảo Ðài Loan.
Nông dân nhiều vùng của Thiểm Tây, Trung Quốc ùn ùn kéo theo hai lãnh tụ nông dân khởi nghĩa là Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành. Lý Tự Thành tự xưng là Sấm Vương tại Mễ Chi, Thiểm Tây được tam bang, tứ trại trong giang hồ yểm trợ hết mình. Trong các đồng đạo võ lâm thời bấy giờ có môn phái Hoa Sơn là hùng mạnh nhất hỗ trợ tối đa. Trong số này có Viên Thừa Chí là con trai của đốc quân đại tướng Viên Sùng Hoán.
Giặc Kim, Khiết Đan, Triều Tiên, Lý Tự Thành và người Mãn Thanh nổi dậy chiếm đánh bốn bề, khiến cho sinh linh đồ thán, trăm họ rơi vào bể khổ nhưng Hoàng đế Sùng Trinh thì mải mê tửu sắc, nghe lời xúi giục của bọn hoạn quan, thái giám, nịnh thần.
Lúc bấy giờ, Trần Viên Viên là danh kỹ đệ nhất thành Tô Châu với tài năng cùng nhan sắc tuyệt trần của nàng đã được rất nhiều người hâm mộ, đương thời gọi là đệ nhất Giang Nam bát diễm, làm lu mờ tất cả mỹ nhân tại các hồng lâu, kỹ viện. Tiếng tăm đồn bay đến kinh thành Trường An, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc đại gia, hào phú đất kinh thành và nhiều quan lại trong triều.
Ai cũng biết, kỹ viện chính là “lầu xanh”, từ thời cổ đại “lầu xanh” chỉ có nghĩa là tòa nhà sang trọng, lợp mái ngói vảy cá, âm dương màu xanh, nơi dành cho những người giàu có, hào hoa, vì hầu như thê thiếp của những người giàu có đều ở đây, vì thế đến thời nhà Đường, mọi người dần dần gọi nơi này là chốn "yên hoa liễu rủ". Còn lầu hồng, quần hồng là chỉ chốn ăn chơi hưởng lạc của những đấng mày râu giàu có, quyền thế trong xã hội sau này.
Phần lớn lầu xanh là tên gọi chung của nhà cửa, kiến trúc bên trong rất tinh tế, phô trương sự giàu có nhưng rất tao nhã, thanh cao: phía trước cửa thường trồng cây dương, cây liễu, trước cửa sổ thường có nước chảy róc rách, trong vườn có hoa thơm, cỏ lạ, cũng không thể thiếu được những hồ nước giả sơn như một bức tranh tuyệt tác thiên nhiên được thu nhỏ, mang đặt tại tư dinh.
Trong khuê phòng của những tiểu thư đài các, quý tộc, bao giờ cũng được bày biện rất cầu kỳ, các dụng cụ về cầm kỳ thi họa, bút, nghiên mực đều không thể thiếu, tơ lụa che rủ, mơ màng, nhưng không thể thiếu những món đồ gốm cổ, những bức bình phong vô cùng đắt giá như ngầm muốn giới thiệu với người nhìn, đây là một gia tộc quyền thế, một người giàu có thượng lưu. Nếu là một nữ hiệp, kiếm khách bao giờ cũng có giá để kiếm báu, vật báu phô trương.
Gái trong lầu xanh không phải bao giờ cũng là những người thấp hèn, tiện ti đốn mạt bị người đời khinh bỉ như hư cấu trên phim ảnh, sách báo. Trong số họ có những người có phẩm hạnh cao sang, tài hoa, ẩn dật chờ đợi thời cơ, họ chỉ bán nghệ chứ nhất quyết không bán thân. Rất nhiều người có tài năng xuất trúng, đó là những cô gái phong trần sắc sảo như Tô Tiểu Tiểu, Ngư Huyền Cơ, Nghiêm Nhụy, Lý Hương Quân… đàn giỏi, hát hay, nhảy múa điêu luyện, ngâm thơ vô cùng tao nhã.
Những cô gái xuất trúng, có tài năng tuyệt vời không phải ai cũng có cơ hội gặp được họ, không phải cứ có tiền là bạn muốn làm gì cũng được. Vì những người này sau khi giành được danh hiệu Hoa khôi, đằng sau họ có rất nhiều chỗ dựa vững chắc từ những nhân vật quyền thế đương thời, lắm tiền nhiều của.
Thường thì họ không tùy tiện gặp mặt khách. Cho dù khách có vinh hạnh gặp được họ đi chăng nữa thì cũng chỉ khách sáo, lịch sự, không dám có những hành động bất nhã. Do vậy mà những người tìm đến đây, là những người có địa vị cao trong xã hội, chủ yếu là văn nhân, văn sĩ, đại phu, các thương gia giàu có, các hiệp khách giang hồ và cả Hoàng đế.
Thời Đại Tống, năm 1100, Đoan Vương Triệu Cát lên ngôi Vua lấy hiệu là Tống Huy Tông, đã mải mê tửu sắc lầu xanh, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tống. Tống Huy Tông còn để lại đời sau những tai tiếng nhất trong lịch sử nổi tiếng với những chuyện trăng hoa khắp trong ngoài cung cấm. Những phi tần trong hậu cung của Triệu Cát nhiều không đếm xuể. Ngoại trừ Hoàng hậu, cửu tần, 27 thế phụ, 81 ngự thiếp, còn có hàng ngàn mỹ nhân xinh đẹp được nuôi trong cung cấm chờ Hoàng thượng “sủng hạnh”.
Kết cục của những lần “trốn ra khỏi cung” giả dạng thường dân, Tống Huy Tông đã mê mẩn kỹ nữ thành Tô Châu là Lý Sư Sư quên cả lối về, quên luôn cả ngai vàng lẫn thiên hạ. Khi nước Kim diệt Tống, Lý Sư Sư còm tìm đến doanh trại quân Kim đang giam giữ Triệu Cát để tự vẫn bằng chiếc trâm vàng “tình nhân Vua” trao tặng thuở ân ái mặn nồng.
Đời nhà Thanh, các Hoàng đế nổi tiếng tài hoa như Khang Hy, Càn Long thường trốn ra khỏi cung để giả dạng “thường dân” vi hành đất Giang Nam, Tô Châu, Thái Hồ để thưởng ngoạn giang sơn cẩm tú và tìm kiếm những mỹ nhân tuyệt trần tại các kỹ viện, lầu xanh.
Không ít những chuyện tình tuyệt đẹp và bi đát đã xảy ra, không ít những “con rồng” lưu lạc trong nhân gian. Chính bản thân Hoàng đế Càn Long cũng là một nghi án. Chỉ ngần ấy thôi, đủ cho thấy xưa nay, khó có anh hùng bước qua nổi ải mỹ nhân. Mà mỹ nhân thường ẩn thân, giấu mình trong những kỹ viện, hồng lầu như Trần Viên Viên.
Như đã trình bày trên, thời kỳ trị vì của Sùng Trinh - vị Hoàng đế người Hán cuối cùng của triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc, xã hội bắt đầu rơi vào loạn lạc. Giặc giã nổi lên khắp nơi, thái giám, hoạn quan, gian thần lộng hành triều chính. Vua có mắt như mù, nghe lời sàm tấu của bọn gian thần, giết hại những trung thần chính trực làm cho triều chính đảo điên, lòng người ly loạn.
Hoàng đế Sùng Trinh khi đó lại quá đam mê tửu sắc và hoan lạc suốt ngày đêm với Quý phi họ Điền nổi tiếng xinh đẹp, lẳng lơ như Trụ Vương mê hồ ly tinh Đát Kỷ mà quên mất trọng trách với đất nước, bỏ bê việc triều chính, không đếm xỉa gì đến Chu Hoàng hậu. Chu Hoàng hậu ghen tức đầy mình, suốt ngày buồn bực vì bị Hoàng đế bỏ rơi, tránh né không gặp mặt, chỉ sủng ái Điền Qúi phi trẻ đẹp, nên rắp tâm trả thù bằng mọi giá.