’Bi kịch hóa’ lấy cớ cứu thị trường bất động sản?

( PHUNUTODAY ) - “Ai có thể khẳng định rằng khi các doanh nghiệp bất động sản được hưởng các ưu đãi của Chính phủ, họ sẽ hạ giá bán nhà?”

“Ai có thể khẳng định rằng khi các doanh nghiệp bất động sản được hưởng các ưu đãi của Chính phủ, họ sẽ hạ giá bán nhà?”...
[links()]
“Nợ xấu từ thị trường bất động sản không phải là xấu nhất so với một số ngành khác và không phải là nếu không được Nhà nước cứu thì doanh nghiệp bất động sản sẽ đồng loạt chết, kéo theo nền kinh tế lao đao! Đừng “bi kịch hóa” thị trường này!”, TS. Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu quan điểm trên VnEconomy.

Thừa nhận một số hệ lụy từ thị trường bất động sản đóng băng, nhưng TS. Hùng khẳng định: “Nếu cho rằng một số không nhỏ doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội có lẽ là chúng ta đã quá bi kịch hóa thị trường này”.

khong-cuu-bat-dong-san-Phunutoday.vn
"Đừng “bi kịch hóa” thị trường bất động sản" - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: VnEconomy.

Trước quan điểm cho rằng cứu thị trường bất động sản sẽ tạo điều kiện tốt cho người thu nhập thấp có thể mua được nhà, TS. Hùng nói, ông nghĩ chưa chắc đã như vậy. Vì ai có thể khẳng định khi các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được hưởng các ưu đãi của Chính phủ họ sẽ hạ giá bán nhà?

Cùng với đó, cứ mở đường cho doanh nghiệp kiểu như vậy, doanh nghiệp lại tiếp tục kinh doanh theo lối cũ thì tình hình còn căng thẳng hơn!

Ngoài ra, lúc này Chính phủ càng thể hiện những động thái muốn can thiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, càng khiến cho thị trường này khó ấm lại. Chưa kể đến những trường hợp “đổ tiền cứu nhầm nhà giàu” luôn có thể xảy ra cũng khiến cả thị trường bất động sản lúc nào cũng lâm vào tình trạng chực chờ, doanh nghiệp thì chờ ưu đãi hơn nữa, người mua nhà thì chờ giá giảm hơn...

Vì vậy, theo TS. Hùng, Chính phủ phải xác định được giá nhà thực tế bao nhiêu là hợp lý và đến thời điểm nào mới có thể kéo được trở về giá trị thực.

“Thị trường bất động sản đang bị bóp méo, dù hai năm qua các giao dịch đều rất ảm đạm nhưng cung và cầu vẫn không gặp nhau, giá nhà vẫn luôn ở mức rất cao. Có chủ đầu tư nói với tôi dù có giảm như hiện nay họ vẫn có lãi ít nhất 20%”, TS. Hùng khẳng định lại.

Trước đó, trong Bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện đã đưa ra quan điểm: “Không cứu bất động sản”.

Theo đó, dù thị trường bất động sản đã bị đóng băng suốt một thời gian khá dài, song không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn cho rằng khó khăn của thị trường bất động sản - kể cả ở phân khúc nhà ở trung lẫn cao cấp, chỉ là tạm thời và giá cả đã chạm đáy nên sẽ chóng hồi phục. Không ít doanh nghiệp trong ngành vẫn găm giá chờ nhà nước “giải cứu”.

Vì vậy, Ủy ban này cho rằng: “Đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, nhà nước không đủ khả năng giải cứu, kể cả nếu muốn.

Hơn nữa, nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng vì “lãi bỏ túi, lỗ sẽ có nhà nước lo”, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai”.

Để giải quyết nợ xấu trong năm 2013, trong đó có nợ xấu bất động sản, cơ quan trên cho rằng, Chính phủ cần đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung và cao cấp mà để thị trường quyết định và đào thải…

Theo như dự kiến từ 15/4 tới, 30.000 tỉ đồng sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm ra để hỗ trợ cho người dân mua nhà lần đầu và các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất 6%/năm.
 
Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà từ khoản 30.000 tỷ đồng trên không có nhóm đối tượng là người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Khoản vay ưu đãi chỉ dành cho người thuê, mua nhà ở thương mại và doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

  • P.V (tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn