Bi kịch những phận đời đẻ thuê (Kỳ 4)

05:56, Thứ năm 12/01/2012

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - H than thở: “Làm công nhân ở đây cực quá. Cuối tháng trừ tiền trọ, tiền điện, tiền cơmhellip; không còn bao nhiêu. Mấy ngày trước em giấu chị gặp mấy người bạn hỏi sang Thái Lan đẻ thuê, em thấy cũng được..."

(Phunutoday) - Cuộc đột kích bất ngờ: Sáng 23/2/2011, khu biệt thự cao cấp ngõ 150, đường Ramkhamhaeng, ngoại ô Bangkok trở nên náo động. Hàng chục nhân viên của Cục điều tra đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan và nhân viên Cục nhập cư đi trên 4 chiếc ô tô đến căn nhà mà các cô gái kêu cứu.

[links()]

Tại Thái Lan, các cơ quan như Cục Trấn áp tội phạm (CSD) của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan và Cục điều tra đặc biệt (DSI) là những cơ quan phòng chống mọi loại tội phạm khá hiệu quả. Những cơ quan này có thể điều tra độc lập và hoạt động không có “vùng cấm”.

Sau khi Cục Điều tra đặc biệt kết luận chính phủ tiền nhiệm của cựu thủ tướng Abhisit chịu trách nhiệm về ít nhất 16 trong tổng số hơn 90 trường hợp bị giết trong các vụ trấn áp biểu tình năm 2010, họ đã yêu cầu cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajjiva và cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban trình diện để phục vụ điều tra về các cuộc trấn áp biểu tình gây đổ máu này.

ng Pol.Maj.Gen.M.L.Pansak Kasemsant – Cục phó cục nhập cảnh thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan
Ông Pol.Maj.Gen.M.L.Pansak Kasemsant – Cục phó Cục nhập cảnh thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan

Ông Pol.Maj.Gen.M.L. Pansak Kasemsant - Phó Cục trưởng Cục nhập cư Thái Lan thuộc Cảnh sát Hoàng Gia, người trực tiếp có mặt trong buổi giải cứu kể, khu dân biệt thự ngõ 150 rất rộng như “đánh đố” các nhân viên. Tuy nhiên tránh “bứt dây động rừng”, các nhân viên đã chia nhau phục kích các ngả đường. Từ số điện thoại kêu cứu, nhân viên của Cục điều tra xác định, địa chỉ căn nhà là số 79/246 (tại đường Ramkhamhaeng, ngõ 150, khu Thararom, huyện Saphansung, Bangkok).

Đây là một căn nhà nằm trong khuôn viên khá rộng có tường rào kiên cố bao bọc phía ngoài. Theo điều tra trước đó của những nhân viên mật vụ, trong khuôn viên căn nhà này còn gắn hệ thống ăng ten chảo thu phát sóng điện thoại với công nghệ tối tân. Cũng cần nói thêm, Bộ Tư pháp Thái Lan là một bộ khá mạnh của quốc gia này.

Trong thời gian qua, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan Pongthep Thepkanjana đã ký quyết định thuê 500 thám tử tại phía Nam nước này để giúp Đội điều tra đặc biệt (DSI) ngăn chặn các vụ bạo lực ở 3 tỉnh sở tại. Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tư pháp Thái Lan còn thông qua việc thuê người dân địa phương nâng cấp nhà tù trong khu vực, đưa các địa điểm lân cận nhà tù trở thành điểm du lịch.

Ông Pongthep cho hay, chính sách mới sẽ cho phép các nhà lãnh đạo địa phương chuyển trực tiếp những thông tin mới nhất về tình hình ở khu vực cho chính quyền trung ương.  Bộ trưởng Pongthep cũng tiết lộ, trong tương lai gần ông sẽ phê chuẩn việc thuê 5.000 sinh viên và người dân địa phương để trợ giúp cho Ban án treo, Ban bảo vệ quyền lợi và tự do. Những người này sẽ thu thập thông tin về tình hình thực thi pháp luật trong khu vực.

Một địa điểm giam giữ các nạn nhân tại Thái Lan
Một địa điểm giam giữ các nạn nhân tại Thái Lan

Rất nhiều điểm nóng về trật tự trị an đều nằm trong danh sách giám sát chặt chẽ của giới chức nước này nhằm đảm bảo về an ninh, kinh tế, chính trị nên băng nhóm tội phạm này có ma mãnh đến đâu cũng không thể nào thoát khỏi tầm ngắm của DSI.

Vừa đổ quân xong, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn lực lượng thi hành nhiệm vụ đã xác định chính xác vị trí căn nhà dù những kẻ cầm đầu đường dây đã cố tình tháo dỡ bản số nhà, hòng tránh bị phát hiện vì căn nhà nào cũng giống nhau. Bằng những biện pháp nghiệp vụ, cánh cửa ngôi nhà mở tung, 4 gái người Việt chạy ào ra mừng rơi nước mắt. Khám xét nhanh, các cơ quan chức năng thu được nhiều hợp đồng đẻ thuê và tang vật có liên quan.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã có mặt động viên các nạn nhân. Qua trao đổi nhanh với các cô gái, Đại sứ quán Việt Nam yêu cầu tiếp tục kiểm tra căn nhà số 79/256. Một lần nữa, 9 cô gái được giải thoát. Tổ thi hành nhiệm vụ được phân công lần ra manh mối Văn phòng Công ty Baby-101, đó là ngôi nhà biệt thự nằm góc đường số 79/86. Cục điều tra đặc biệt đã tạm giữ một số người Đài Loan, Myanmar…

Giấc mơ thoát nghèo chưa thành

Ông Phạm Minh Tuấn - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, cuộc giải cứu thành công, 13 cô gái Việt Nam nhanh chóng được lấy lời khai thông qua sự trợ giúp ngôn ngữ của nhân viên sứ quán. Cục Điều tra đặc biệt đã tạm giữ các đối tượng đường dây đẻ thuê. Đại sứ quán, Cục nhập tư tìm hiểu nạn nhân.

Ngày hôm sau, đoàn tiếp tục tìm đến bệnh viện sản phụ tư nhân huyện Min Buri phát hiện, cô Bùi Thị T vừa sinh bé trai. Trong phòng hộ sản, T chưa kịp nhìn mặt đứa con thì phải bàng hoàng trước sự xuất hiện lực lượng cảnh sát. Đoàn đang tiến hành làm việc, em Trần Thị H cùng quê với T đi cùng, cầm ly sữa bồi dường cho sản phụ. Hoa tím tái mặt biết đường dây đẻ thuê do một số người Đài Loan tổ chức đã bị lật tẩy.

Những ngày công tác tại Thái Lan, chúng tôi nhiều lần đến Trung tâm Bảo vệ và Phát triển nghề nghiệp Kredrakarn gặp các nạn nhân. Lần nào cũng vậy, hễ nghe tôi hỏi chuyện gia đình, các cô không giấu được nước mắt. Trong số 15 cô được giải thoát, Nguyễn Kim H (33 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) được xem là lớn tuổi nhất. H quê quán ở xã nghèo huyện Vị Thủy, Hậu Giang.

Gia đình H nghèo không cục đất chọi chim nhưng lại có 10 anh chị em. Lớn lên, như bao cô gái khác ở vùng nông thôn nghèo khó, H đi làm thuê, làm mướn. Năm 18 tuổi, H lập gia đình với thanh niên cũng đồng cảnh ngộ với hai bàn tay trắng. H tâm sự: “Sống với nhau được hai mặt con nhưng ảnh sanh tật đủ thứ. Gia đình không lo, con bữa đói bữa no. Em quyết định chia tay với ảnh. Xóm nghèo đâu có ai thuê, hai năm trước, em phải lên TP HCM làm công nhân cho khu công nghiệp, hai đứa con gởi cho bà ngoại. Em sống tằn tiện, mỗi tháng gởi về quê 800.000 đồng cho mẹ nuôi con”.

Khoảng tháng 2/2010, khu trọ tập thể của H trở nên xôn xao bởi tin sang Thái Lan đẻ thuê. Ban đầu, H nghe rồi bĩu môi: “Chuyện tầm phào, nghèo cũng đâu đến nỗi phải bụng mang dạ chửa 9 tháng 10 ngày rồi bỏ con để nhận tiền. Đứa trẻ sinh ra dù không máu mủ, ruột thịt nhưng cũng là núm ruột mà mình mang nặng đẻ đau”.

Lúc đó, H thú thật, ai thuê bao nhiêu tiền, em cũng không đồng ý. Ngày qua ngày đầu tắt mặt tối ở khu công nghiệp, trở về phòng trọ chật chội, nóng nực, H mơ ước có số tiền trở về quê tìm kế sinh nhai. Đang suy nghĩ mông lung, chị Nguyễn Ngọc Hân (30 tuổi, ngụ Cà Mau) chạy sang phòng H, gương mặt đăm chiêu: “Em suy nghĩ kỹ rồi chị à. Chắc mai em phải về quê để làm cái hộ chiếu ?”. H tò mò: “Định lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc sao mà làm hộ chiếu?”.

H than thở: “Làm công nhân ở đây cực quá. Cuối tháng trừ tiền trọ, tiền điện, tiền cơm… không có bao nhiêu. Mấy ngày trước em giấu chị gặp mấy người bạn hỏi sang Thái Lan đẻ thuê, em thấy cũng được. Mình đẻ thuê một lần rồi thôi, chứ không phải lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan trói chặt cả đời”.

Hân huyên thuyên kể, chuyện mấy cô bạn cùng quê từng sang Thái Lan đẻ thuê giúp gia đình xây được căn nhà; thời gian mang thai, cơm nước có người cung phụng như “bà hoàng”. Hân rủ rê: “Em điện thoại cho bà chủ ở Đài Loan rồi. Bả là người Việt, giọng dễ thương lắm. Hôm qua, bả nói, công ty đang cần nhiều người. Chị đi chung với em. Mấy đứa bạn ở Bạc Liêu cũng tranh thủ về quê làm hộ chiếu”. H lưỡng lự và nói sẽ suy nghĩ vài ngày cho thật kỹ rồi mới trả lời.

Vài ngày sau, Hân rủ H sang uống cà phê để thuyết phục. Tại đây, H gặp em Nguyễn Hồng T (21 tuổi, quê quán tỉnh An Giang). T cho biết, gia cảnh nghèo túng, gia đình thiếu nợ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, T thăm dò ý định chị ruột tên Nguyễn Hồng C đang làm công nhân cho Xí nghiệp tại Bình Dương. Nào ngờ, C nhiệt liệt đồng ý. Nghe qua tâm sự của các em, H quyết định đi đẻ thuê. Cả nhóm thống nhất thu xếp về quê làm hộ chiếu.

Không như H và Hân cùng 7 người bạn tình nguyện vượt biên giới đẻ thuê, Mai Thị Hạnh (26 tuổi, quê quán Bạc Liêu) nhớ lại: “Em đang giúp việc nhà thì gặp chị hàng xóm tên rủ sang Thái Lan tìm việc có tiền nhiều. Em tưởng thật nên về quê lén gia đình lấy hộ khẩu làm hộ chiếu”. Trước khi sang Thái Lan, tôi đã tìm đến căn nhà của Hạnh. Nói nhà cho oai chứ thật ra là cái chòi rách nát, nằm trong con hẻm nhỏ. Cha Hạnh bị bệnh tâm thần, mẹ giặt đồ mướn. 6 chị em Hạnh không được đến trường cùng trang lứa.

Cám cảnh nghèo khó khó ở quê, năm 2008, Hạnh lên TP HCM giúp việc nhà. Đến tháng 8/2010, Hạnh được một số cô bạn mách sang Thái Lan giúp việc nhà, lương cao nên em rủ cô bạn Thạch Mỹ Thanh (20 tuổi) cùng quê đi cùng. Trò chuyện với chúng tôi, Thanh thú thật, 3 năm em làm thuê ở TP HCM gửi tiền giúp gia đình.

Gần đây, gia đình Thanh khó khăn. Các em phải nghỉ học mò cua, bắt ốc đổi lấy miếng cơm. Mẹ mới bị bệnh đi vay nóng vài trăm ngàn đồng chữa trị. Một chữ bẻ đôi không bể nên Thanh được tin sang Thái Lan làm thuê, chi phí chủ lo, em cùng hai người bạn không chút đắn đo về quê làm hộ chiếu.

Nghe tôi hỏi gia đình biết chuyện sang Thái Lan làm thuê không, Hạnh giàn giụa nước mắt. Khi về đến nhà, Hạnh đưa cho mẹ một triệu đồng mà bà chủ đưa trước làm chi phí. Sáng hôm sau, Hạnh chờ cho cha mẹ đi ra biển mò sò, em mới lén lấy hộ khẩu đến Công an tỉnh Bạc Liêu làm hộ chiếu. 15 ngày sau, em lại thu gom mớ đồ cũ nói dối với gia đình lên TP HCM tìm việc.

Hôm Hạnh mang cặp ra cửa, linh tính báo trước chẳng lành, em ôm mẹ khóc: “Chuyến này con đi lâu mới về thăm mẹ”. Bà mẹ một đời chưa đi khỏi nhà 10 cây số cũng khóc với con. Bà đưa cho Hạnh vài cái áo mới mà bà trích ra từ số tiền Hạnh đưa mua gạo. Trên chuyến xe lên TP HCM chờ ngày đến sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục sang Thái Lan, Hạnh nghĩ ra viễn cảnh ngày đoàn tụ với gia đình kèm số tiền dành dụm.

Sau khi có hộ chiếu, 4 cô gái gồm Hạnh, Thanh và Phan Ngọc Thúy (20 tuổi) và Thạch Pêl, ngụ Sóc Trăng thuê phòng trọ nghèo ở quận Bình Tân, TP HCM chờ ngày xuất cảnh. Mỗi lần nhắm mắt, Hạnh ước mơ ngày đoàn tụ với gia đình kèm theo số tiền lớn mà em làm thuê ở Thái Lan. Em đâu biết rằng, bao cạm bẫy đang đón các em phía trước…

 

  • Bảo Bảo
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc