Bi kịch sau vụ vợ thiêu sống chồng là thầy giáo làng

( PHUNUTODAY ) - “Do vết thương nặng, nhiễm trùng bởi cát bẩn dính vào người nên thằng Tự không qua khỏi. Chết vì lý do gì thì chứ do bỏng tội lỗi lắm, đau đớn, quằn quại suốt cả ngày trên giường bệnh” – anh Tam chua xót nói.

Mới đây, Phan Thị Tuyết (SN 1979) đã bị Công an huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Giết người. Trước đó vào đúng ngày 20/10 Tuyết đã dùng xăng thiêu sống người chồng đầu ấp tay gối với mình ngay tại nhà riêng. Thay vì tỏ ra căm phẫn, người làng nơi vợ chồng Tuyết sinh sống lại thông cảm với nỗi đau của người vợ. Bởi bao năm qua Tuyết bị người chồng là thầy giáo làng bạo hành tàn nhẫn.
[links()]
Đêm kinh hoàng

Đêm 30/10 thầy giáo trường THCS Lộc Sơn, là Trần Văn Tự (SN 1974) đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trong nỗi đau khôn nguôi của gia đình. Thầy Tự được điều trị Bỏng tại Bệnh viện Trung Ương, nhưng do độ bỏng nặng (90%), vết thương quá sâu, bị nhiễm trùng (80%) nên không qua khỏi. Bác sĩ bệnh viện trả về cho gia đình lo hậu sự.

Đã 2 tuần trôi qua nhưng dư luận xóm Đại Đồng, xã Đồng Lộc vẫn còn râm ran về cái chết bất ngờ của thầy Tự. Họ cũng không thể ngờ rằng, một người vợ tần tảo, chân lấm tay bùn, tại sao lại ra tay sát hại chồng một cách tàn nhẫn đến vậy.

Tội nghiệp nhất là hai đứa con của vợ chồng thầy giáo, phải sống nương nhờ nhà ông bà nội. Đôi mắt chúng còn ánh lên vẻ sợ hãi cùng sự ám ảnh kinh hoàng về cái đêm ngọn lửa thổi bùng lên thiêu sống người cha, về cái ngày người mẹ bị công an bắt giam đưa đi.

Suốt mấy ngày này, anh Trần Văn Tam (anh trai ruột của nạn nhân xấu số), vẻ mặt mất hồn, câm lặng, nước mắt không còn để khóc thương nữa. Anh dường như kiệt sức sau 2 tuần chăm sóc em trai trong cơn vật vã, cảm giác quá bất ngờ vì sự việc không tưởng tượng nổi.

Theo lời anh Tam kể, thầy giáo Tự sinh ra trong gia đình đông anh em, sớm chịu nhiều lam lũ vì cuộc sống khổ cực. Ngày qua tháng lại chăm bẵm với mảnh ruộng ngoài đồng nhưng Tự vẫn học thông minh sáng dạ nhất nhà.

Đối tượng Phan Thị Tuyết
Đối tượng Phan Thị Tuyết

Học hành lúc nào cũng đứng nhất nhì trong lớp. Cuối năm cấp 3, thay vì học lên cao hơn thì thầy giáo Tự lại quyết định đi nghĩa vụ quân sự. “Thỉnh thoảng thằng Tự lại gửi tiền về cho bố mẹ ăn uống, nuôi mấy đứa em ăn học” – anh Tam kể. 

Trong thời gian đi nghĩa vụ quân sự, Tự có quen thân với một cô gái cùng xã là chị Phan Thị Tuyết. Dù ở xa nhau nhưng hai người vẫn thư từ qua lại, tình cảm càng ngày mặn nồng, thắm thiết.

Anh Tam nói: “Cuối năm Tự có dịp về thăm nhà là hai người lại gặp nhau, ra mắt bà con họ hàng. Khi Tự đi xa, Tuyết tự nguyện chăm sóc bố mẹ Tự như chính bố mẹ của mình”.

Năm 1998, Trần Văn Tự hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, dạm ngõ trầu cau, cưới hỏi chính thức Phan Thị Tuyết, có sự chứng kiến của bà con họ hàng hai bên. Niềm vui càng nhân lên khi Tự nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường Cao đẳng sự phạm Hà Tĩnh.

Anh Tam nói mà nước mắt chực rơi “Thằng Tự ước ao được làm thầy giáo từ hồi còn nhỏ. Thích được đứng bục giảng, gõ đầu bọn trẻ, dạy chúng làm toán viết văn. Ở thành phố, Tự làm thêm kiếm tiền ăn học, vợ nó hàng tháng dành dụm từng đồng, từng cắc gửi cho”. 

Câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi từng tiếng nức nở nghẹn ngào của anh Tam. Ly nước trà đắng chát, anh Tam cứ luôn miệng nói đi nói lại hai từ “không ngờ”, “không ngờ”. Quả thực, chữ “ngờ” trong cuộc đời chẳng mấy ai đoán được, hạnh phúc vô cùng nhưng nỗi đau cũng tột đỉnh.

Đêm 20/10, ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, thay vì tặng hoa và lời chúc cho người vợ trẻ, thầy giáo Tự lại say ngật ngưỡng như bao lần. Rượu vào, bản chất hiền lành bấy lâu biến đi mất, thầy Tự bị con “ma men” đưa đường chỉ lối.

Chẳng nói một câu, thầy Tự cứ vung tay múa chân, đấm trên đá dưới túi bụi vào người vợ tội nghiệp. Khổ nỗi người vợ câm nín nào dám hé răng “đấu khẩu” lại dù chỉ một lời. Im lặng bị đánh và chịu đòn. Hết đánh thầy lại chửi bằng cái giọng lè nhẹ của người say.

Chửi cho “điếc tai” lại nằm vật ra ngủ một lúc, tỉnh dậy chửi càng hay hơn. Trong cơn say quên cả trời đất, thầy giáo Tự cầm chai doạ đánh lần nữa rồi đuổi cả hai mẹ con chị Tuyết ra khỏi nhà.

Anh Tam nức nở: “Khoảng 3 giờ sáng đêm đó, Tuyết trở về nhà cùng với chai xăng trên tay. Chẳng biết đêm hôm khuya như thế nó mua xăng ở đâu ra, ai bán cho”. Khi người chồng đang ngáy ngủ trên giường, cũng là lúc Phan Thị Tuyết ra tay hành động tội ác.

Xăng tưới ướt đẫm cả người, thầy Tự vẫn ngủ say như chết. Một lúc sau ngọn lửa cay nghiệt đã bùng lên một cách dữ dội. Tuyết nhanh chóng bế con nhỏ, đóng chốt lại cửa nhà, bồng con đi trên xe đạp về nhà bố mẹ đẻ của mình. Tuyết xem như không hề có chuyện gì xảy ra.

Một số người hàng xóm cạnh nhà vợ chồng thầy giáo cho hay, khi ngọn lửa bùng phát, có tiếng kêu cứu phát ra từ nhà thầy Tự. Mọi người chạy qua xem sự việc thì đã thấy thầy Tự cháy đen như hòn than, áo quần cháy đen. Thầy nằm bất động trên đống cát, thở yếu ớt.

Khoảng 20 phút sau, anh Tam mới nhận được điện thoại báo hung tin. Mãi đến 5 giờ rạng sáng, xe mới đưa thầy Tự đi cấp cứu. “Do vết thương nặng, nhiễm trùng bởi cát bẩn dính vào người nên thằng Tự không qua khỏi. Chết vì lý do gì thì được chứ do bỏng tội lỗi lắm, đau đớn, quằn quại suốt cả ngày trên giường bệnh” – anh Tam chua xót nói.

Bi kịch của một thầy giáo làng

Một tuần sau đêm kinh hoàng, ngày 27/10 người vợ giết chồng phải đưa tay vào còng. Kẻ giết người tất nhiên phải đền tội bằng năm dài tháng trong lao tù. Nhưng thực không mấy ai thấy được đằng sau vụ án dã man ấy, số phận người vợ, bi kịch của người phụ nữ phải trả giá đắt đến mức độ nào.

Thay vì tỏ ra căm phẫn, nhiều người mà chúng tôi tìm gặp vẫn cảm thông với hành động của Tuyết. Căn nguyên nào khiến Tuyết phút chốc biến mình thành người vợ ác thú khi mua xăng đốt chồng?

Người ta cho rằng nghèo khó khiến cuộc sống vợ chồng đâm ra nhiều mâu thuẫn. Vợ chồng thầy giáo đều con nhà nghèo, vất vả, không làm thì không có gì bỏ vào miệng nuôi thân, nuôi con cái ăn học.

Lương thầy giáo làng ba cọc ba đồng, hai sào ruộng cạn mà chị Tuyết quanh quẩn cả năm cũng chẳng sinh lợi được bao nhiêu. Sinh đứa con đầu tiên, hai vợ chồng thầy giáo làng vui khôn xiết nhưng đến đứa thứ hai thì mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.

Những cuộc cãi vã quyết liệt cùng những cái tát nảy lửa mà ông giáo dành cho người vợ yếu thế. Không chịu đựng nổi, chị Tuyết đành cắn răng gửi đứa con đầu cho ông bà nội nuôi dưỡng. Cuối tuần chị lại đến rước con về “bồi dưỡng” cho con hộp sữa, cơm thịt.

Đến năm học mới chị Tuyết phải làm việc nhiều hơn ngày thường, chạy vạy mượn tiền nộp học phí và mua sách vở cho con. Trưởng xóm Nguyễn Văn Ái cho biết: “Tuyết lâu nay chịu thương chịu khó làm lụng chăm con cái, không hề xảy ra xích mích hay mang điều tiếng xấu gì với bà con xóm làng.

Nhiều lần gặp Tuyết tui thường động viên nó cố gắng chí thú làm ăn, cuộc sống của bà con xung quanh ai cũng khổ cực cả vậy thôi”.

Nhưng có lẽ điều đáng buồn nhất là thầy giáo làng đã không còn như xưa. Tình yêu lãng mạn thuở trước mất đi đã đành, thầy Tự còn bán rẻ nhân cách của mình trong những lần rượu say. 5 năm nay trở lại đây, thầy giáo Tự hiền lành, nhu mì, ai nói gì cũng cúi đầu bỗng đổi khác.

Bước chân ra khỏi cổng trường là say rượu. Về nhà, Tự thường chửi vợ mắng con, khi không kiềm chế được là sẵn sàng ra tay đánh đấm, vơ trúng thứ gì là dùng để đập. Chị Tuyết vừa đau khổ vô cùng, vừa tủi nhục với bà con hàng xóm.

Mang tiếng là vợ ông giáo làng nhưng mỗi lần đi chợ, chị thường lủi thủi đi với đôi mắt thâm đen, tấm thân gầy mòn. Ông Ái còn cho hay có đêm chị Tuyết tay bế bồng con nhỏ gõ cửa nhà ông cầu cứu. Thầy Tự rượu say vào là đánh đập như cơm bữa.

Tuy vậy sáng mai tỉnh rượu dậy, ông Ái gặp Tự hỏi chuyện thì Tự chối bay chối biến. Có lần Tự tâm sự với ông Ái, hai vợ chồng đã không còn hạnh phúc, cuộc sống thì quá chật vật.

Ông Ái chua chát nói: “Có lẽ thằng Tự dùng men rượu để quên cái khổ cực của vùng quê. Nhưng ngày nào cũng uống cũng say như thế, ai chịu được, phần tốt đẹp trong con người cũng tha hoá biến chất cả thôi”.

Những ngày này hai đứa con nhỏ của vợ chồng ông giáo làng liên tục khóc thương nhớ ba mẹ. Một người ra đã về bến nước với ông bà khi mới 38 tuổi, một người đang ở trại tạm giam, đường về nhà mịt mờ. Nỗi đau mãi còn đọng lại trong tâm hồn những đứa trẻ bất hạnh.

Đáng ra chúng phải sống hạnh phúc như bao mái nhà khác. Tiếc rằng cuộc đời không một ai đoán được chữ “ngờ” như anh Tam nhắc đi nhắc lại.

Hôm Phan Thị Tuyết bị dẫn giải theo chân Công an, gương mặt chị xanh xao thất thần, ai hỏi gì cũng dạ vâng, ốm nhếch trong bộ áo quần khá sạch sẽ. Thảm thương đến tội nghiệp. Ân hận cũng quá muộn màng, bây giờ trong thâm tâm người phụ nữ ấy, có lẽ tình thương nhớ hai đứa con nhỏ đang cào xé từng khúc ruột.

Chặng đường hoàn lương còn mênh mông! Tuyết cũng biết chuyện hôm công an đến bệnh viện lấy lời khai của thầy Tự, thầy không nói ra ai đã thiêu sống mình. Thầy tự nhận lỗi do mình gây ra và mong muốn gặp hai đứa con để trăng trối lời cuối cùng.

  • Như Phong
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn