Câu chuyện thứ nhất
Truyện kể rằng: Có người từng hỏi Picasso rằng: "Tranh của ông sao tôi nhìn chẳng hiểu gì thế?"
Picasso hỏi lại: "Thế ông nghe chim hót bao giờ chưa?"
"Rồi."
"Hay không?"
"Hay."
Và Picasso chỉ nhẹ nhàng hỏi lại: "Vậy ông có hiểu không?"
Người kia im lặng, không biết nói gì.
Lời tiên đoán về sự thành công của Picasso
Câu nói đầu tiên của Picasso cũng vô cùng đặc biệt. Nếu như những đứa trẻ khác câu nói đầu tiên thường là "mama" hay "papa" thì ông lại nói từ “piz” trong từ “lápiz” (mang nghĩa “bút chì” trong tiếng Tây Ban Nha). Vậy nên, chẳng có gì lạ khi gia đình cho ông theo học hội họa từ rất sớm.
Picasso không chỉ là 1 danh họa
Picasso không chỉ là họa sĩ, ông còn là nhà điêu khắc, nhà làm gốm, nhà thơ, biên kịch và nhà thiết kế. Trong vai trò một nhà thiết kế, Picasso đã hợp tác với công ty Ballets Russes có trụ sở tại Paris trong Thế chiến I. Tại đây ông đã thiết kế ra bộ trang phục của người Cuba nổi tiếng sau này và có cơ duyên gặp gỡ người vợ đầu tiên, bà Olga KhoKhlova, một vũ công của công ty...
Picasso là một học sinh… “vô kỷ luật”
Không nghi ngờ gì Picasso là một thiên tài trong lĩnh vực hội họa. Khi còn đi học ở trường, cậu bé Picasso cũng được đánh giá là già giặn hơn hẳn các bạn bè cùng lớp. Picasso ghét bị ra lệnh phải làm gì, vì vậy, cậu bé thường hay phạm lỗi vô kỷ luật trong lớp học, thường bị đuổi ra khỏi lớp và phải lên phòng “xưng tội” để chịu kỷ luật.
Khi ngồi trong phòng “xưng tội” - một căn phòng có bốn bức tường màu trắng với duy nhất một chiếc ghế dài để học sinh vô kỷ luật ngồi trên đó suy ngẫm về lỗi lầm của mình - Picasso cảm thấy rất yên bình và rất thích được ở trong phòng này vì ông có thể thực sự tập trung vẽ.
Mỗi khi bị đuổi ra khỏi lớp và phải lên phòng kỷ luật ngồi, ông đều mang theo giấy bút để vẽ: “Tôi rất thích căn phòng đó vì tôi có thể vẽ không ngừng nghỉ, lại chẳng bị ai làm phiền. Thời đó, tôi đã nghĩ rằng mình ở trong căn phòng này mãi cũng được”.