Biển Đông căng thẳng, va chạm hàng hải ngày càng tăng

06:59, Thứ sáu 10/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Tình hình biển Đông gần đây càng phức tạp do Trung Quốc tăng cường hoạt động khiêu khích trên biển, các vụ va chạm hàng hải giữa tàu cá Việt Nam với tàu không rõ tên, biển số ngày càng tăng...

"Tình hình biển Đông gần đây càng phức tạp do Trung Quốc tăng cường hoạt động khiêu khích trên biển, các vụ va chạm hàng hải giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với tàu không rõ tên, biển số tiếp diễn với tần suất ngày càng tăng làm cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của Vietnam MRCC trở nên cấp bách và nặng nề hơn", ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (Vietnam MRCC) cho biết.

[links()]

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (Vietnam MRCC)
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (Vietnam MRCC)

PV: - Với những diễn biến gần đây trên biển Đông, ông có thể dự báo những vụ va chạm hàng hải sẽ xảy ra với tần suất như thế nào? So với những năm trước đây ra sao? Nhiệm vụ, năng lực của Vietnam MRCC liệu có đáp ứng được không?

Ông Nguyễn Anh Vũ: - Biển Đông là môi trường hoạt động của rất nhiều loại hình phương tiện trong đó nhiều nhất phải kể đến là phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân Việt Nam. Với mật độ hoạt động khá dày đặc của các loại phương tiện trên một số ngư trường quan trọng (Hoàng Sa, Trường Sa) do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan các vụ việc va chạm hàng hải giữa tàu vận tải biển và tàu cá đôi khi vẫn xảy ra trên biển gây những thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó thiệt hại chủ yếu thuộc về bà con ngư dân.

Tình hình biển Đông gần đây càng phức tạp do Trung Quốc tăng cường hoạt động khiêu khích trên biển, các vụ va chạm hàng hải giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với tàu không rõ tên, biển số tiếp diễn với tần suất ngày càng tăng làm cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của Vietnam MRCC trở nên cấp bách và nặng nề hơn.

So với cùng kỳ những năm trước đây, hoạt động phối hợp tìm kiếm, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của chúng tôi đã tăng khoảng 30%.

Với hệ thống tổ chức và nguồn lực hiện nay được trang bị, Vietnam MRCC đã và đang triển khai tối đa khả năng để thực hiện các hoạt động TKCN người và phương tiện bị nạn trên vùng biển trách nhiệm TKCN của Việt Nam.

Tuy nhiên do vùng biển trách nhiệm TKCN rất rộng lớn của Việt Nam (hơn 1 triệu km2) số lượng phương tiện hoạt động trên biển nhiều, tai nạn, sự cố xảy ra thường trong những điều kiện bất lợi về thời tiết.

Phương tiện chuyên dụng của chúng tôi còn hạn chế về số lượng, khả năng chịu sóng gió, tầm hoạt động, vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ của Vietnam MRCC còn nhiều bất cập nên trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

Một tàu cá của Đà Nẵng bị nạn trên biển đang được tàu cứu nạn SAR274 lai dắt về bờ
Một tàu cá của Đà Nẵng bị nạn trên biển đang được tàu cứu nạn SAR274 lai dắt về bờ

PV: - Vietnam MRCC đã xây dựng những kịch bản nào để cứu nạn tàu cá, tàu hàng gặp nạn khi xảy ra va chạm hàng hải trong bối cảnh biển Đông căng thẳng như hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Vũ: - Chúng tôi xác định cần thiết phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện bị nạn, cụ thể:

-  Phát thông báo hàng hải trên Hệ thống Đài thông tin Duyên hải khu vực để các tàu thuyền vận tải, trên Đài Tiếng nói Việt Nam để các phương tiện thủy sản nắm bắt vụ việc, đồng thời tự giác tham gia hoạt động ứng cứu người, phương tiện bị nạn.

- Phối hợp với chủ tàu, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng nơi tàu đăng ký để nắm bắt tàu thuyền cùng tổ đội sản xuất, cùng địa phương, hoạt động cùng ngư trường… để huy động tham gia hoạt động TKCN

- Nắm bắt tình hình hoạt động của các tàu biển thông qua hệ thống Cảng vụ hàng hải, qua hệ thống theo dõi tàu thuyền bằng thiết bị AIS… để huy động tàu thuyền hoạt động tại khu vực tham gia hoạt động TKCN.

Thứ hai, huy động phương tiện, lực lượng chuyên trách để tổ chức hoạt động TKCN, cụ thể:

- Điều động phương tiện chuyên dụng TKCN (Tàu SAR) tiến hành hoạt động TKCN.

- Báo cáo Ủy ban quốc gia TKCN huy động phương tiện của Bộ, ngành, địa phương khác như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên Phòng, các tàu biển khác… tham gia hoạt động TKCN.

- Yêu cầu và phối hợp với lực lượng, phương tiện quốc tế của các quốc gia trong khu vực tham gia hoạt động TKCN.

Thứ ba, ngoài việc tăng cường tuyên truyền cho bà con ta hoạt động trên biển biết nguy cơ, hiểm họa từ các lý do thông thường chúng ta sẽ cảnh báo, đề nghị bà con cảnh giác trước hiểm họa từ các tàu lạ gây ra để họ chủ động phòng tránh.

Vietnam MRCC đã lắp đặt máy 12 băng tần cho tất cả các tàu TKCN để tăng khả năng thông tin với ngư dân. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ trang bị camera hồng ngoại, súng bắn dây, loa công suất lớn… cho các tàu chuyên dụng để hoạt động tìm kiếm cứu nạn có thể triển khai tốt nhất trong điều kiện đêm tối, sương mù.

PV: - Trong tháng 8 này, chỉ trong vòng 3 ngày, 2 tàu cá Việt Nam đã liên tiếp bị đâm chìm khi đang đánh bắt trên biển Đông làm 8 ngư dân mất tích. Vietnam MRCC có nhận được tin báo đề nghị cứu nạn ? Phía Trung tâm đã phản ứng thế nào?

Ông Nguyễn Anh Vũ: -Cả hai vụ tai nạn trên biển nói trên chúng tôi đều tiếp nhận thông tin vụ việc qua hệ thống Đài thông tin Duyên hải cung cấp và đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phối hợp cùng các lực lượng khác tiến hành hoạt động TKCN.

Theo đó, đối với vụ việc tìm thuyền viên mất tích sau tai nạn của tàu cá QNa 02351 tại khu vực biển Hà Tĩnh chúng tôi đã tiến hành phát thông báo hàng hải, huy động các phương tiện hoạt đông gần khu vực tàu cá bị nạn để tham gia hoạt động tìm kiếm, lập vùng tìm kiếm người mất tích trên biển để thông báo và hướng dẫn cho các phương tiện hoạt động TKCN tại hiện trường. Đến 7h00 ngày 8/8 lực lượng TKCN đã phát hiện và vớt được xác nạn nhân, tàu cá bị nạn đã được lai kéo về Cửa Sót - Hà Tĩnh.

Đối với vụ việc TKCN 7 thuyền viên của tàu cá BV 95134TS bị tai nạn chìm, Vietnam MRCC đã phát thông báo hàng hải vụ việc, trực tiếp thông báo vụ việc tới một số đơn vị TKCN thuộc Indonesia yêu cầu triển khai ngay các biện pháp TKCN 7 thuyền viên tàu cá bị nạn.

Phía bạn đã triển khai máy bay thực hiện hoạt đông tìm kiếm song do điều kiện thời tiết không cho phép nên không thực hiện được. Tàu KOTARA quốc tịch Singapore nhận thông tin đã tiến hành hoạt động tìm kiếm từ 12h00 đến 13h00 ngày 6/8.

Vietnam MRCC đã phối hợp với tàu BTh 99843 TS tổ chức cứu nạn 07 thuyền viên bị nạn. Lúc 19h30 ngày 6/8, 07 thuyền viên bị nạn đã được tàu cá BTh 99843 TS vớt và đưa về Vũng Tàu lúc 12h00 ngày 08/8.

PV: - Trực tiếp cứu hộ, cứu nạn rất nhiều tàu cá và ngư dân, vụ việc thương tâm nào khiến các nhân viên của Vietnam MRCC ám ảnh nhất?

Ông Nguyễn Anh Vũ: - Bất kỳ tai nạn, sự cố trên biển nào gây thiệt hại về người và tài sản cho xã hội nói chung và cho bà con ngư dân Việt Nam nói riêng đều gây nên những tình cảm xót thương đối với cán bộ nhân viên và thuyền viên đang công tác tại Vietnam MRCC chúng tôi.

Chúng tôi coi những thiệt hại, mất mát của họ như của chính chúng tôi để từ đó cần cố gắng hết sức mình, triển khai các biện pháp cần thiết, hiệu quả nhất để cứu giúp người, phương tiện bị nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Ám ảnh nhất đối với chúng tôi là những vụ việc người, phương tiện gặp phát tín hiệu báo nạn, yêu cầu đựoc trợ giúp nhưng vượt quá khả năng của chúng tôi… Điều đó đòi hỏi chúng tôi cần phải được Nhà nước trang bị phương tiện; tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ phù hợp hơn thì mới có thể đáp ứng được những tình huống cứu nạn như vậy được.

Vụ việc chìm tàu Phú Tân tháng 12/2010 tại Vịnh Bắc bộ, vụ tàu VINALINES QUEEN chìm tháng 12/2011 tại Philipines, 22 thuyền viên mất tích là những vụ tai nạn hết sức thương tâm và ám ảnh chúng tôi.

Tàu SAR 412 làm nhiệm vụ cứu nạn ngư dân trên biển
Tàu SAR 412 làm nhiệm vụ cứu nạn ngư dân trên biển

PV: - Theo ông, khi ngư dân ra khơi cần trang bị những gì để đảm bảo an toàn? Khi gặp tai nạn hàng hải khác họ cần xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Anh Vũ: -Trước khi ra khơi ngư dân cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tàu thuyền của họ phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật, có đủ thiết bị Thông tin liên lạc (TTLL), trang thiết bị cứu nạn theo quy định của pháp luật;

- Được tổ chức thành tổ, nhóm, đội…. sản xuất có phương án sử lý các tình huống khẩn cấp trên biển rõ ràng, đầy đủ;

Thứ hai, khi ra khơi, hoạt động trên biển cần:

- Thông báo với cơ quan chức năng (chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng…) về ngư trường hoạt động, tần số , phương thức thông tin liên lạc bình thường, lúc sự cố…

- Thường xuyên tổ chức trực canh, cảnh giới, đề phòng tai nạn, đâm va trên biển với các phương tiện khác;

- Thường xuyên liên lạc thông báo tình hình trong tổ, nhóm, đội…. với nhau và với chính quyền theo phương án đã thống nhất

- Kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường để có biện pháp phòng tránh kịp thời, phù hợp.

Thứ ba, khi có tình huống tai nạn, sự cố xảy ra trên biển cần hết sức bình tĩnh và tiến hành các biện pháp:

- Có biện pháp yêu cầu phương tiện gây tai nạn đâm va hỗ trợ cứu nạn và tự tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn theo phương án, kế hoạch đã có sẵn;

- Thông báo ngay cho tàu thuyền thuộc tổ, nhóm, đội hoặc tàu thuyền xung quanh để nhận sự trợ giúp cần thiết

- Thông báo kịp thời cho chính quyền để yêu cầu cứu nạn, cứu trợ bằng cách phát tín hiệu báo nạn, thông báo tình hình tai nạn, sự cố qua thiết bị TTLL tới Đồn, Trạm Biên phòng, Đài thông tin duyên hải, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải….để thông báo. Trường hợp khẩn cấp có thể phát tín hiệu báo nạn với bất kỳ phương thức nào có thể ( đốt lửa, vẫy cờ, khăn, vải….) để phương tiện khác phát hiện và thực hiện trợ giúp hoặc báo cho cơ quan chức năng biết.

- Trong thời gian chờ đội lực lượng từ nơi khác đén hỗ trợ, ứng cứu cần tiếp tục tổ chức hoạt động tự cứu, giữ vững thông tin liên lạc thông suốt và thực hiện các yêu cầu của lực lượng TKCN.

  • Minh Minh (Thực hiện)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc