Bố chồng Hà Tăng tin đầu tư vào Tràng Tiền có lãi

17:10, Thứ sáu 05/04/2013

( PHUNUTODAY ) - Johnathan Hạnh Nguyễn từng chạnh lòng khi tới Bách hóa Tổng hợp. Ông quyết định đầu tư và không coi đây là canh bạc như nhiều lời gièm pha.

Johnathan Hạnh Nguyễn từng chạnh lòng khi tới Bách hóa Tổng hợp. Ông quyết định đầu tư và không coi đây là canh bạc như nhiều lời gièm pha.

Bố chồng Hà Tăng chi 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza

Giữa lúc sức mua trong nước suy giảm, kinh tế khó khăn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương), bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà, vẫn đầu tư vào dự án cải tạo Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.

Ông giải thích, mình về Việt Nam từ năm 1984, Hà Nội khi ấy chưa phát triển như bây giờ. Tràng Tiền thời đó với vị trí trái tim, bộ mặt đẹp nhất của thành phố chỉ dừng lại là Trung tâm Bách hóa tổng hợp nhuốm màu xưa cũ, không có điểm nhấn. Điều đó đã khiến người con xa xứ như ông chạnh lòng.

Từ dạo ấy, ông đã ấp ủ ước mơ phải làm được điều gì đó cho thủ đô, cần tìm cách giúp cho viên ngọc quý của Hà thành tỏa sáng với bạn bè thế giới. Ươm mầm 29 năm, giấc mơ ấy chỉ bắt đầu biến thành sự thật từ cách đây 2 năm, khi ông có cơ hội tham gia đấu thầu dự án cải tạo TTTM Tràng Tiền.

 Bố chồng Hà Tăng chi 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza
Bố chồng Hà Tăng chi 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza


Trong cuộc chạy đua đó, hành trang của Johnathan Hạnh Nguyễn là năng lực tài chính và kinh nghiệm hàng chục năm quản lý, kinh doanh hàng hiệu cùng với mối quan hệ lâu năm với các thương hiệu hàng đầu thế giới. Ông trúng thầu vì có khả năng giúp tính khả thi của dự án đạt cao hơn các đối thủ khác.

Hiện nay Việt Nam chưa có trung tâm thương mại nào chuyên về hàng hiệu theo đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, theo tìm hiểu của ông, khách du lịch có nhu cầu mua sắm rất lớn. Du khách mua sắm 2 thứ: một là hàng lưu niệm (giá trị thấp), hai là hàng hiệu (giá trị cao). Ông chia sẻ, cái gì nước mình còn thiếu ông muốn làm cho bằng được. Vì vậy, ông quyết tâm biến Tràng Tiền thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế.

Chia sẻ về những dự định đầu tư ở Sài Gòn, ông cho biết, giấc mơ của mình chỉ mới thực hiện được một nửa. Các gian hàng tại Rex, Vincom chỉ rộng chừng 200 m2, lại rải rác chứ không tập trung về một mối. Vì thế không thể trưng bày hết tất cả chủng loại hàng hóa. Tràng Tiền sẽ bù đắp được những khiếm khuyết ấy, trở thành viên ngọc quý, là nơi duy nhất có đầy đủ các tinh hoa hàng hiệu để khách du lịch quốc tế đến đây mua sắm.

Tham vọng của Johnathan Hạnh Nguyễn là không chỉ hút ngoại tệ của du khách nước ngoài mà còn hướng đến thu hút đôla của khách nội địa. Mục đích là giúp Việt Nam giữ lại ngoại tệ. Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ rằng ông tin rồi đây người Việt sẽ tới Tràng Tiền Plaza mua hàng hiệu thay vì chạy ra nước ngoài shopping.

Với kinh nghiệm kinh doanh hàng hiệu sẵn có, Johnathan Hạnh Nguyễn tham gia "phẫu thuật" Tràng Tiền với mong muốn mang lại diện mạo mới cho Hà Nội.

Cách thu hút các thương hiệu quốc tế cao cấp về Tràng Tiền là đầu tư đúng đẳng cấp. Những con số về sự lột xác của Tràng Tiền Plaza có thể khiến cho mọi người kinh ngạc. Chẳng hạn như kinh phí đầu tư một gian hàng đạt chuẩn hạng sang tại đây vào khoảng 4-12 triệu USD (phần này các thương hiệu vào đây chi).

Trong đó chi phí cho thiết kế đã là một triệu USD. Mặt bằng phải từ 400 m2 trở lên các thương hiệu lớn mới chịu đầu tư vào. Điều này doanh nghiệp Việt Nam khó lòng làm nổi. Chỉ có các thương hiệu lớn với sức sống hàng trăm năm, giá trị tính bằng hàng tỷ USD mới dám bỏ tiền ra mài dũa từng chi tiết.

Không kể 400 tỷ đồng cải tạo Tràng Tiền bên ngoài, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và hàng hóa lên đến 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng.

Không ngờ nghệch mang tiền đi đánh bạc

Ông cũng cho biết không đồng tình trước các ý kiến cho rằng ông đang chơi canh bạc với Tràng Tiền Plaza. Các thương hiệu lớn vào Tràng Tiền có tổng giá trị thương hiệu hàng trăm tỷ USD, họ không ngờ nghệch mang tiền đi đánh bạc.

"Tình hình khó khăn như hiện nay, đại gia còn phải thắt chặt chi tiêu, nhưng chúng tôi có rất nhiều thông số để giải bài toán kinh doanh chứ không phó thác cho may rủi. Chúng tôi có khảo sát nghiên cứu và có cơ sở dữ liệu để giải bài toán về sức mua. Tôi lấy ý kiến và được hơn 40 thương hiệu quốc tế hàng đầu sẵn sàng đồng hành. Hiện nay Tràng Tiền chỉ còn 5% diện tích trống, chủ yếu là mặt bằng nhỏ, có thể bố trí các dịch vụ thanh toán để lấp đầy 100%. Khi các thương hiệu lớn đều có mặt, uy tín và sức hút của Tràng Tiền sẽ tăng lên. Sự đồng thuận, hậu thuẫn lẫn nhau là tiền đề cho thành công", ông chia sẻ.

Ông không đầu tư cho lúc này hay 1-2 năm tới. Johnathan Hạnh Nguyễn ký những hợp đồng dài hạn kèm theo sự cam kết vững chắc. "Mới đi vào vận hành, những năm đầu tất nhiên không thể có lợi nhuận ngay tức khắc, nhưng thành công sẽ đến nếu đi đúng hướng. Các thương hiệu lớn xuất hiện cũng nâng đẳng cấp du lịch của Việt Nam lên một tầm mới", ông nhận định.

Theo nghiên cứu của ông, thói quen mua sắm hàng hiệu của giới có thu nhập cao tại Hà Nội và Sài Gòn không có sự khác biệt quá lớn về thói quen tiêu dùng. Bởi lẽ, mỗi thương hiệu đều có một gu riêng và những người chuộng hàng hiệu cũng có phong cách, cá tính riêng. Nếu có sự khác biệt thì đó là hàng hiệu định vị khách hàng theo nhiều tiêu chuẩn đặc thù: giới tính, lứa tuổi, thời tiết, khí hậu, thể hình và văn hóa.

Chia sẻ về việc kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam, Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định hàng hiệu ở nước ta bị gọi là hàng xa xỉ vì Nhà nước áp thuế quá cao. Đây là một khó khăn đáng kể vì Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước có mặt bằng thuế thấp hơn. Singapore, Hong Kong thuế hàng hiệu bằng 0%, Thái Lan và Philipines 5% trong khi Việt Nam vẫn áp 25-30%.

Tuy nhiên các thương hiệu lớn đồng hành cùng với ông tại Việt Nam đã đồng thuận cắt lãi. Ông cũng chấp nhận giảm lời để kéo giá hàng hiệu tại Việt Nam xuống bằng với các nước khác.

Sự hy sinh này nhằm phục vụ số đông người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo nộp đủ thuế cho Nhà nước. Khó khăn thứ hai là đầu tư quá lớn thời gian hoàn vốn chậm. Thứ ba là sức mua đang giảm do kinh tế chưa ổn định. Tuy nhiên bài toán này có thể bù đắp bằng sức mua của du khách quốc tế. Chờ đến khi kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sức mua nội địa sẽ trở lại, ông tin tưởng sẽ có lãi.

  • Kim Hảo (Theo Ngôi sao)


.[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc