Bộ GTVT ra tối hậu thư yêu cầu Vinashin trả dự án

17:10, Thứ hai 13/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Do chây ỳ di dời Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng trả mặt bằng cho nhà đầu tư khác, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Đà Nẵng vừa gửi tối hậu thư cho Vinashin.

Do chây ỳ di dời Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng (tại vịnh Mân Quang) trả mặt bằng cho nhà đầu tư khác, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Đà Nẵng vừa gửi tối hậu thư cho Vinashin.
[links()]
Tờ Tiền phong dẫn nguồn tin từ Bộ Giao thông cho hay, theo công văn do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký ngày 9/5, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải và nghị quyết của chính Tập đoàn này trả lại mặt bằng cho Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước. Báo cáo kết quả thực hiện việc di dời trước ngày 20/5.

Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cũng có đề nghị Vinashin chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trả lại mặt bằng cho nhà đầu tư, hoàn thành trước ngày 30/5.

Trong trường hợp Vinashin tiếp tục chây ỳ, Đà Nẵng sẽ có biện pháp bắt buộc.

chu-no-quoc-te-cho-vinashin-hoan-no-Phunutoday.vn
Bộ GTVT yêu cầu Vinashin trả dự án đóng tàu lại cho nhà đầu tư khác.

Trước đó nhiều năm, Công ty Vịnh Thuận Phước đã thanh toán đầy đủ giá trị di dời giải tỏa, đền bù Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng với số tiền 272 tỷ đồng, nhưng phía Vinashin không chịu thực hiện.

Hồi tháng 2/2010, Đà Nẵng từng có quyết định về việc thu hồi đất tại vịnh Mân Quang, giao cho Công ty Quản lý và Khai thác đất thành phố quản lý, lập thủ tục chuyển quyền sử dụng cho Công ty Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước. Trong lô đất này có 32ha do Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng thuê nhưng đến nay vẫn chưa di dời.

Hiện Vinashin vẫn đang tiêp tục gặp khó khăn, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn này được tờ VnEconomy dẫn lại, hầu hết các tổng công ty, công ty trong tập đoàn đều trong điều kiện thiếu việc làm, thu nhập thấp, nợ lương, nợ bảo hiểm. Tình hình sản xuất kinh doanh của Vinashin tiếp tục sụt giảm, không hoàn thành kế hoạch năm. Tập đoàn chưa ký kết được thêm các hợp đồng mới với các chủ tàu nước ngoài.

Về số lượng lao động, vào thời kỳ cao điểm năm 2007, tổng số lao động của Vinashin lên tới 70.000 người. Đến đầu năm 2010 chỉ còn 54.000 người và vào 8/2012, chỉ còn 30.000 người. Như vậy, mỗi năm tập đoàn này phải cắt giảm tới gần 6.000 người.

Vinashin đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu, cụ thể, tập đoàn đã hoàn thành tái cơ cấu 35/259 doanh nghiệp, chủ yếu là đơn vị có thủ tục không quá phức tạp, chưa phát sinh các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu thời gian tới dự báo nhiều phức tạp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thanh tra, điều tra các sai phạm đang được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý làm rõ.

Hiện tại, đang còn hàng trăm dự án dở dang, sai phạm nhiều về quy trình thủ tục, vướng mắc.

Cùng với tái cơ cấu là vấn đề bán, chuyển nhượng, giải thể doanh nghiệp, tinh giản bộ máy lao động phát sinh. Lãnh đạo Vinashin thừa nhận, càng đi sâu vào quá trình tái cơ cấu, tập đoàn càng đứng trước khó khăn lớn.

  • P.V (tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc