Bố mẹ chồng không giúp trông cháu thì khi già con dâu cũng không chăm: Lý hay tình?

12:40, Thứ sáu 25/07/2025

( PHUNUTODAY ) - Trên nhiều diễn đàn, nhiều người con dâu cảm thán về việc bố mẹ chồng không hỗ trợ trông cháu và họ xem đó là lý do để sau này cũng sẽ không chăm sóc khi bố mẹ chồng già ốm đau.

Trong xã hội hiện đại, quan hệ gia đình, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu ngày càng trở nên đa chiều và phức tạp. Một trong những chủ đề gây tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội những năm gần đây là: “Bố mẹ chồng không giúp trông cháu thì khi về già, con dâu cũng không có trách nhiệm chăm sóc lại.” Đây là câu nói gây chia rẽ lớn giữa hai thế hệ, đặt ra câu hỏi: nên dựa vào đạo lý hay công bằng thực tế?

Góc nhìn từ phía con dâu: Không giúp – không có nghĩa vụ đáp lại

Trong đời sống gia đình hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn cách nuôi dạy con độc lập, không muốn “dựa dẫm” hay làm phiền ông bà. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp con dâu cảm thấy thiệt thòi khi bố mẹ chồng từ chối hỗ trợ trông cháu. Trong khi đó, ông bà ngoại thường sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí hi sinh công việc, sức khỏe để chăm cháu.

Việc ông bà giúp trông cháu sẽ tạo cảm giác biết ơn từ con dâu nhiều hơn
Việc ông bà giúp trông cháu sẽ tạo cảm giác biết ơn từ con dâu nhiều hơn

Một số nàng dâu cho rằng: “Nếu khi trẻ, ông bà không quan tâm, hỗ trợ con cái thì khi già, cũng không nên mong đợi con dâu sẽ có trách nhiệm chăm sóc lại.” Quan điểm này xuất phát từ tâm lý “có qua có lại”, muốn được sự ghi nhận, chia sẻ từ phía gia đình chồng.

Thực tế thì nàng dâu và bố mẹ chồng không có tình cảm tự nhiên nên cần xây dựng. Việc bố mẹ giúp đỡ khi con dâu sinh nở có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi nhận biết ơn của con dâu với bố mẹ chồng.

Con dâu bắt đầu ghi ơn bố mẹ chồng kể từ khi họ về làm dâu, đặc biệt khi họ sinh và nuôi con nhỏ. Thế nên họ nghĩ nếu lúc đó họ cần nhất sự giúp đỡ của bố mẹ chồng mà không nhờ vả được gì thì họ không báo đáp khi họ già.

Hơn nữa, trong nhiều gia đình, mọi gánh nặng nuôi con đều dồn lên vai người mẹ, trong khi nhà chồng không hỗ trợ mà còn soi xét. Khi bị từ chối lời đề nghị giúp trông cháu, con dâu dễ cảm thấy tổn thương, xa cách. Dần dần, tình nghĩa nhạt phai, và việc “không chăm sóc khi ông bà về già” không phải vì hẹp hòi, mà vì không còn sự gắn bó, yêu thương thực sự, không có cảm giác biết ơn.

Góc nhìn từ phía bố mẹ chồng: Trông cháu là tình, không phải nghĩa vụ

Nhiều ông bà có quan điểm rất rõ ràng: “Cháu là của bố mẹ nó, không phải trách nhiệm của ông bà. Sinh con là phải nuôi con” Quan điểm này không sai, nhất là khi ông bà đã già yếu, sức khỏe kém hoặc đơn giản là muốn tận hưởng tuổi già thay vì tiếp tục vất vả.

Việc trông cháu không phải là nghĩa vụ bắt buộc, và nếu ông bà không muốn hay không thể giúp, con cái cũng nên tôn trọng. Một số ông bà còn cảm thấy áp lực khi bị gắn mác “ích kỷ” nếu từ chối chăm cháu. Sự giúp đỡ của ông bà, nếu có, nên xuất phát từ tình yêu thương và tự nguyện, không nên trở thành tiêu chuẩn đạo đức bắt buộc.

Hơn nữa, việc chăm sóc người già khi về hưu là trách nhiệm của con cái nói chung, đặc biệt với người con trai thì chăm cha mẹ già là nghĩa vụ. Kể cả cha mẹ không giúp gì trông cháu nhưng họ đã nuôi người con trai đó. Và cô con dâu có quan hệ bắc cầu nên cùng giúp chồng chăm bố mẹ chồng là nghĩa cử hiếu đạo cao đẹp.

Tất nhiên nói thế để thấy rõ các con đẻ cần có nghĩa vụ tinh thần cao hơn so với dâu rể. Đồng thời khi con dâu biết chăm bố mẹ chồng thì chàng rể cũng cần quan tâm chăm lo cho bố mẹ vợ.

Việc quy hết trách nhiệm chăm sóc cho con dâu là sẽ bất công. Hơn nữa nếu chỉ đòi con dâu chăm bố mẹ chồng mà con rể không đoái hoài bố mẹ vợ thì quá phi lý. 

Nên đặt nặng “tình” hơn là “lý”

Nếu xét theo lý, việc ai chăm ai, ai có nghĩa vụ với ai có thể quy về luật pháp hoặc quan điểm công bằng. Nhưng nếu xét theo “tình”, thì mỗi hành động đều có ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ gia đình lâu dài.

Ông bà không chăm cháu – điều đó không đáng trách, không thể ép cha mẹ đã nuôi con giờ lại nuôi cháu. Nhưng nếu đi kèm với thái độ thờ ơ, xa cách, không quan tâm thì rất dễ khiến con cái cảm thấy thiếu thốn tình cảm, và không gần gũi cha mẹ. Khi lớn lên trong môi trường thiếu gắn kết gia đình, con cái cũng không hình thành được trách nhiệm, lòng biết ơn hay sự gần gũi với ông bà nội.

Ngược lại, nếu gia đình chồng đối xử tốt, luôn yêu thương, dù không trực tiếp chăm cháu nhưng thường xuyên hỏi han, hỗ trợ về tinh thần, tài chính… thì con dâu vẫn sẵn sàng chăm sóc chu đáo khi ông bà về già. Tình cảm là thứ nuôi dưỡng trách nhiệm, không phải mệnh lệnh hay nghĩa vụ.

Thời nay khác, cuộc sống khác. Con dâu thời nay sống chung hoặc không sống chung với gia đình chồng, có phần tự quyết hơn. Thế nên tình cảm với gia đình chồng dựa trên sự xây dựng hiểu biết và sẻ chia hơn là ràng buộc trách nhiệm. Bởi thế từ cả 2 phía cần xây dựng gia đình trên tình yêu chứ không chỉ lý lẽ đúng sai và tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể.

Thời hiện đại, nhiều người nghĩ chăm sóc cha mẹ chồng thì nghĩa vụ đầu tiên là của chồng và các con ruột của bố mẹ chồng, con dâu chỉ phụ trợ. Tuy nhiên cũng cần linh hoạt ngoài tình cảm ra thì nếu người chồng bận rộn gồng gánh trách nhiệm, chăm lo kiếm tiền thì người vợ cũng cần giúp đỡ họ trong việc chăm sóc cha mẹ già nhiều hơn. Nếu ở góc độ này thì sẽ thấy bố mẹ chồng chăm chồng mình là tốt rồi, không có bắt buộc ông bà phải chăm cháu mới được chăm sóc lại khi già

Đừng biến gia đình thành cuộc trao đổi "có qua có lại"

Gia đình không phải là nơi để so đo thiệt hơn hay “đổi chác” công bằng. Việc trông cháu nên dựa trên sự thương yêu và sức khỏe thực tế của ông bà. Việc phụng dưỡng cha mẹ già nên xuất phát từ lòng hiếu thảo và sự thấu hiểu, giữ gìn phúc đức cho thế hệ sau. Lúc đó sẽ không chỉ Đúng hay Sai mà sẽ có thấu hiểu.

Nếu bố mẹ chồng không giúp trông cháu, nhưng vẫn dành sự quan tâm, chia sẻ khác cho con cái, thì con dâu vẫn có thể đáp lại bằng sự tôn trọng, chu đáo khi về già. Ngược lại, nếu giữa hai thế hệ chỉ có khoảng cách, phán xét và lạnh nhạt, thì mối quan hệ không thể tự nhiên mà “tốt đẹp”.

Gia đình chỉ có thể gắn kết nếu các thành viên biết trân trọng nhau vì tình, chứ không phải tính toán “có giúp thì mới đáp trả”. Đó mới là gốc rễ của hạnh phúc bền vững trong mọi thế hệ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dạ Ngân