Bộ Y tế có học Bộ Giáo dục chứng nhận bằng?

10:43, Thứ năm 12/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Do sử dụng bằng cấp 3 giả, một chuyên viên thanh tra thuộc Phòng Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã bị đình chỉ công tác để chờ xử lý kỷ luật.

Thanh tra Sở Y tế… xài bằng giả

Ngày 10/9, theo một nguồn tin cho biết Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã đình chỉ công tác để chờ xử lý kỷ luật đối với bà Ngô Minh Chiến (36 tuổi), thanh tra viên thuộc Phòng Thanh tra Sở Y tế vì đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả.

Sở Y tế tỉnh Bình Phước, nơi bà Chiến làm thanh tra viên

Trước đó, Công an tỉnh Bình Phước nhận được đơn nặc danh tố cáo bà Chiến dùng bằng giả để làm việc. Qua xác minh, công an kết luận bằng tốt nghiệp cấp 3 của bà Chiến là giả nên chuyển hồ sơ cho Sở Y tế giải quyết.

Theo thông tin của phóng viên, năm 2004 bà Chiến vào làm việc tại phòng Nghiệp vụ Dược của sở. Đến năm 2008, bà Chiến được chuyển sang phòng thanh tra của sở với bằng cấp chuyên môn là dược sĩ trung học, rồi được cử đi học lớp ngắn hạn thanh tra viên. Sau đó, bà Chiến tiếp tục được cho đi học lớp tại chức Hành chính công khóa 4 tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, hiện chưa tốt nghiệp.

Đây không phải là vụ lùm xùm đầu tiên liên quan đến việc làm bằng giả của ngành y tế. Trước đó, nhiều thông tin về việc một Thứ trưởng trong Bộ Y tế sử dụng bằng dởm đã gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, sự thật về học vị tiến sĩ của Thứ trưởng Cao Minh Quang đã được cơ quan chức năng làm rõ. Ngày 9/9/2011, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo và đào tạo), có văn bản 664/KTKĐCLGD-VB xác nhận: Căn cứ vào thông tin trao đổi với trường đại học Uppsala, phía trường này đã khẳng định ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6/6/1953, đạt chứng chỉ “Licentiatexamen” về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26/10/1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn  bằng.

Căn cứ vào chứng chỉ này, ông Cao Minh Quang đã tự phong luôn học vị tiến sĩ dược. Học vị này luôn được ông để trong danh thiếp và chữ “TS Cao Minh Quang – Thứ trưởng” hay “Cục Trưởng quản lý dược” ông từng đương nhiệm trước đó trong các văn bản mà ông ký.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp bác sĩ dùng bằng dởm gây bức xúc dư luận. Điển hình, ngày 7/7/2009, BGĐ BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng đã có quyết định buộc thôi việc với ông Đỗ Hữu Tâm – người đã sử dụng bằng cấp giả để làm BS tại Khoa Gây mê hồi sức, BV Chợ Rẫy suốt từ năm 2006...

Học Bộ Giáo dục, Bộ Y tế nên thành lập bộ phận chứng nhận bằng

Những vụ lùm xùm bằng giả trong ngành y tế bị phanh phui khiến dư luận bức xúc bởi hàng ngày không biết có biết bao nhiêu sinh mạng được đem ra đánh cược. Người dân dường như tỏ ra bất lực, họ hoang mang khi không biết đặt niềm tin vào ai?

Trước tình hình đó, thiết nghĩ Bộ Y tế nên chăng thành lập một bộ phận chứng nhận bằng cấp như Bộ Giáo dục từng làm.

Bởi lẽ ở góc độ chuyên môn, các ngành khác làm sao có trình độ về y học bằng đội ngũ cán bộ y tế. Về nguyên tắc, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và lý giải những sự cố xảy ra cũng như xác minh tính hợp pháp của những tấm bằng thể hiện trình độ chuyên môn của chủ sở hữu không ai có thể làm thay, làm tốt hơn họ.

Ngoài ra, việc công nhận những tấm bằng trước khi giao sinh mạng của một người vào tay bác sĩ chẳng qua cũng là một cơ chế để Bộ y tế tự bảo vệ uy tín ngành bấy lâu đã tạo dựng được.

Thực tế cho thấy, gần đây những sự cố đáng tiếc của ngành y tế xảy ra đã khiến không ít người tỏ ra hụt hẫng và thất vọng về một cơ quan quản lý một lực lượng hùng hậu gồm cả nhân tài và vật lực. Đó là những vụ việc liên quan đến việc tiêm vắc xin làm 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị; rồi vụ bé gái bị sốt virus và được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư lại được bác sĩ kết luận là “phù nề bao quy đầu” kèm theo 5 loại thuốc quá liều.

Đặc biệt, vụ "đau thận trái, cắt luôn thận phải"  của bệnh nhân Hứa Thị Cẩm Tú (38 tuổi) ngụ tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ càng làm dư luận mất dần niềm tin vào ngành y tế.

Theo đó, chị Tú đã từng bị những cơn đau thận hành hạ lâu năm. Vào cuối năm 2011, chị nhập viện BVĐK Cần Thơ để phẫu thuật điều trị bệnh sỏi thận. Qua những xét nghiệm ban đầu của các bác sĩ kết luận cuối cùng là phải phẫu thuật cắt bỏ quả thận bên trái của chị vì quả thận này đã không còn chức năng hoạt động nữa.

Thế nhưng ngay sau khi phẫu thuật, chồng chị hốt hoảng đưa vợ đi siêu âm và bàng hoàng phát hiện vợ mình không còn quả thận nào. Vụ việc sau đó đã được ban lãnh đạo BVĐK Cần Thơ giải thích và thừa nhận việc cắt nhầm hai quả thận của chị Tú là do… sơ suất của bệnh viện.

Như vậy, sau tất cả những lùm xùm xảy ra vừa qua đối với ngành y tế thì có lẽ bất cứ sự biện hộ nào cũng đều khó chấp nhận. Do đó, trước khi để mọi chuyện đi quá xa đến mức không thể kiểm soát được thì việc thành lập bộ phận công nhận bằng y tế là hết sức cần thiết.

Mặt khác, nếu ngành Y tế thành lập bộ phận này còn sẽ củng cố đội ngũ chuyên môn chuyên sâu hùng hiệu, phát hiện những người có tài ứng cử vào những vị trí chủ chốt để phát huy một cách hiệu quả nhất những nỗ lực của ngành trong việc đẩy lùi tiêu cực. Ngoài ra, thiết nghĩ ngành y tế cần phối hợp tích cực với các ngành và đơn vị hữu quan để nhanh chóng khắc phục hậu quả những vụ việc xảy ra vừa qua, đó có lẽ là cách tốt nhất để trấn án dư luận, đồng thời củng cố uy tín của ngành trong thời điểm hiện nay.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc