WHO khuyến cáo 5 điều để giải tỏa căng thẳng ngừa Covid-19
Nói chuyện và giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè: Nếu bạn cảm thấy buồn, căng thẳng, bối rối, sợ hãi hay dễ nóng giận, hãy hiểu rằng đó là điều bình thường. Hãy nói chuyện với người khác, tâm sự thật lòng về những điều làm bạn căng thẳng. Hãy giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè bằng điện thoại hay e-mail.
Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn: Bạn hãy thử thay đổi một lối sống lành mạnh, bao gồm một chế độ ăn phù hợp, ngủ đúng giờ và đủ giấc, tập thể dục, dành thời gian cho người yêu thương bên cạnh và chăm sóc các mối quan hệ xã hội qua mạng.
Không nên dùng thuốc lá, rượu hay những chất kích thích có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Nếu bạn cảm thấy tinh thần không ổn, nên nói chuyện với bác sĩ, gặp chuyên gia về tâm thần nếu thấy mất kiểm soát.
Tìm kiếm thông tin: Hãy đọc thông tin từ các nguồn tin cậy để xác định rõ mức nguy cơ của bạn và có các biện pháp phòng bệnh hợp lý. Nguồn thông tin chính thống đó có thể là website của WHO, hay của các cơ quan y tế chuyên trách của đất nước bạn, địa phương bạn đang sống.
Xem ti vi cùng gia đình: Những nỗi lo lắng, kích động có thể được giảm bớt bằng những giờ phút bạn và gia đình xem ti vi hay nghe đài, nơi bạn có thể thư giãn và cũng có thể nhận được thông tin chính thống.
Hãy nhìn lại quá khứ: Những kỹ năng từng giúp bạn vượt qua nghịch cảnh trong quá khứ là gì? Hãy nhớ lại và tận dụng chúng để giúp cân bằng cảm xúc trong quãng thời gian mà bạn cảm thấy nhiều thử thách.
Virus Corona ‘cực kỳ nhạy cảm’ với nhiệt độ cao
Tờ South China Morning Post ngày 8.3 dẫn nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Trung Sơn tại Quảng Đông (Trung Quốc) cho thấy virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 có thể lây lan nhanh nhất ở 8,720C.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên cho rằng virus này có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các mùa trong năm giống những virus khác như virus gây cảm cúm.
Nghiên cứu nhằm tìm hiểu cơ chế virus Corona bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ và thời tiết nhận thấy nhiệt độ ảnh hưởng đáng kể đến sự lây nhiễm và có thể có một ngưỡng nhiệt độ lý tưởng đối với chúng.
Theo đó, SARS-CoV-2 cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ cao nên có thể ít lây lan hơn tại các nước có thời tiết ấm áp. Do vậy, các nước có nhiệt độ thấp nên áp dụng những biện pháp phòng chống nghiêm ngặt hơn.
Nhiều người hy vọng virus Corona có thể yếu dần khi thời tiết nóng hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác do chuyên gia Marc Lipsitch tại Trường Y tế công T.H. Chan thuộc Đại học Harvard dẫn đầu cho thấy kết quả đáng lo ngại.
Nghiên cứu này cho rằng virus Corona có thể lây nhiễm nhanh chóng trong các điều kiện độ ẩm khác nhau, từ các tỉnh có thời tiết khô và lạnh ở Trung Quốc cho đến những vùng khí hậu nhiệt đới ở phía nam nước này và ở Singapore.