Bước đường lầm lạc của ông chủ thành kẻ trắng tay

10:17, Thứ sáu 07/12/2012

( PHUNUTODAY ) - “Không giống một cuộc đi chơi, hai năm ở tù làm tôi mất nhiều lắm...”, đó là tâm sự của một kẻ đang “hái ra tiền”, nhưng vì ăn chơi sa đà, dính vào ma túy, lâm cảnh tù tội và đã đánh mất tất cả.

“Không giống một cuộc đi chơi, hai năm ở tù làm tôi mất nhiều lắm...”, đó là tâm sự của một kẻ đang “hái ra tiền”, nhưng vì ăn chơi sa đà, dính vào ma túy, lâm cảnh tù tội và đã đánh mất tất cả.

[links()]

Không hư mà chỉ tò mò

Vừa bước vào cửa, Phạm Đại Dũng, sinh năm 1975 trú tại phường Đông Thành, Ninh Bình đã thốt lên như thể anh ta đã quá “ngấm đòn”, cái giá phải trả cho việc làm bạn với ma túy của mình.

Hai năm đi tù không phải là nhiều, với những kẻ thừa tiền hay vô công rồi nghề thì nó như một cuộc chơi, còn với Dũng, chẳng cần đến hai năm mà ngay lúc tra tay vào còng số 8, anh đã biết mình mất nhiều thứ.

Dũng sinh ra trong một gia đình có bố làm cán bộ ngân hàng, mẹ làm trong một cơ quan Nhà nước. Bốn anh chị em trong đó Dũng là con trai trưởng, trên còn một chị gái, đều được ăn học đàng hoàng và tất cả đều rất thành đạt.

Trong 4 chị em, chỉ có Dũng làm kinh doanh bên ngoài, chị gái và hai em đều là cán bộ Nhà nước, có địa vị trong xã hội và được mọi người nể trọng. Dũng cũng ăn học thành tài, có bằng cấp nhưng tính thích tự do bay nhảy, không muốn gò bó nên anh không xin vào làm việc tại một cơ quan nào mà mở công ty tư nhân.

Tự hoạch toán thu, chi với ngành nghề chính là xây dựng giữa thời buổi kinh tế thị trường, để tạo lập được một chỗ đứng không phải dễ.

Thế nhưng từ chỗ khởi điểm chỉ có hai thợ phụ, đến trước lúc bị bắt, trong tay Dũng đã có khoảng 50 công nhân, toàn là những thợ lành nghề về hàn, sắt, xây dựng. Đúng lúc làm ăn phát đạt nhất thì mọi việc bỗng dưng trở thành dang dở.

Phạm nhân Phạm Đại Dũng
Phạm nhân Phạm Đại Dũng

“Chị thử nghĩ mà xem, thời điểm đó, mỗi ngày em ném qua cửa sổ 500 ngàn đồng tiền ma túy, chưa kể có lúc số tiền chi cho khoản này lên tới vài triệu để đãi bạn bè, mối quan hệ, vậy mà hàng tháng vẫn có vài chục triệu mang về cho vợ con, chính vì thế mà em nghiện hơn 9 tháng trời, cả nhà không ai hay biết. Mãi tới lúc em bị bắt, mọi người mới ngã ngửa, nhưng cũng vì thế mà em ân hận”, Dũng kể.

Theo lời kể của Dũng, không phải ngày đầu ra thương trường anh ta đã thành công ngay mà phải mất một thời gian tìm hiểu rồi mới chọn nghề làm sắt. Ban đầu Dũng đi học lái xe, làm thuê cho một công ty rồi mới xin cha mẹ mua cho một chiếc xe tải để chở đất thuê cho những công trình xây dựng.

Quá trình chở đất đá thuê theo hợp đồng, các khu công nghiệp chủ yếu làm nhà xưởng bằng sắt, thép, mái tôn, Dũng quyết định chọn ngành này để lập nghiệp.

Thành lập công ty tư nhân, tuyển những thợ có tay nghề cao về hàn xì, về làm sắt, khung tôn, nhôm về làm việc, Dũng mạnh dạn tới các công trình nhận việc và sự nhanh nhạy hợp thời giúp cho Dũng kiếm bộn tiền.

Dũng bảo, nếu một nhà xưởng mình nhận làm, thi công hết khoảng 1,3 tỷ đồng tiền nguyên vật liệu thì Dũng đã có lời khoảng 300 triệu đồng, trong khi công việc chỉ làm gói gọn trong một tháng, trừ tiền lương thợ cũng bỏ túi được một nửa.

Dũng bảo đấy là anh làm rất cẩn thận, không ăn bớt vật liệu, chỉ lấy công làm lãi, chứ nếu làm ẩu thì còn kiếm được hơn nữa nhưng sẽ mất khách. Chính vì biết giữ uy tín, làm việc chưa bao giờ chậm tiến độ nên Dũng có rất nhiều đơn hàng, nhiều khi chỉ dám nhận những công trình lớn.

Chẳng biết có phải vì tiền kiếm được nhiều và dễ quá hay vì tính chất công việc mà cuối cùng Dũng dính vào ma túy. “Thực lòng em chẳng ăn chơi, đú đởn gì đâu. Nhiều lúc đi gặp đối tác, họ đòi ăn uống, em út, mình cũng phải chiều để nhanh lấy được hợp đồng. Em bập vào ma túy cũng vì chuyện đó”, Dũng nói.

Nhiều khách hàng ở các tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương tìm đến Dũng, ký hợp đồng làm nhà xưởng cho mình. Nhiều đại gia ở Hà Nội biết Dũng có đám thợ giỏi, tay nghề cao, thiết kế được nhiều kiểu dáng độc, lạ đã mời anh về thiết kế cho những biệt thự của mình.

Những chiếc cánh cổng sắt lạ mắt, những khung tôn, nhôm, mạ kẽm tưởng chẳng ăn nhập gì với những ngôi biệt thự nhưng khi Dũng và đám thợ làm xong, ai nhìn vào cũng thấy hợp lý, tôn giá trị ngôi nhà lên rất nhiều.

Trong số khách hàng đại gia mà Dũng làm thuê cũng có nhiều người là tay chơi, là những kẻ buôn bán đất cát mới nổi và cũng có cả những kẻ làm ăn phi pháp. Họ rủ Dũng đến những nơi vui chơi, cho anh tận hưởng đủ mùi vị khoái lạc có trên đời.

Bước chân vào tù, đánh mất tất cả

Lần đầu dùng ma túy, Dũng thấy mệt kinh khủng, chân tay rã rời. Anh bạn động viên dùng lại ma túy sẽ khỏe ra, Dũng nghe theo nhưng cảm giác choáng váng cứ lay lắt trong đầu. Dùng lần nữa rồi lần tiếp nữa, Dũng thấy khỏe ra, làm việc không biết mệt, nhưng đó cũng là lúc anh bước vào giai đoạn không có ma túy là thèm, là khóc vì chả hiểu sao “nước mắt cứ chảy ròng ròng”.

Cả nhà không ai biết vì thấy Dũng vẫn béo khỏe, mỗi khi kết thúc một công trình nào vẫn mang tiền về nhà cho vợ. Một ngày cuối năm 2010, Dũng về Ninh Bình thăm vợ rồi phóng xe đi mua ma túy, đến lúc quay về nhà thì bị bắt. Với 0,19 g heroin trong người, Dũng bị kết án 24 tháng tù, cải tạo ở trại giam Công an tỉnh Ninh Bình.

Bố mẹ Dũng rất sốc khi thấy con trai bị còng tay dẫn về để lực lượng chức năng khám nhà. Họ đều là Đảng viên, đã mấy chục năm tuổi Đảng, cứ tưởng giờ chỉ còn an nhàn hưởng thụ tuổi già bên con cháu thành đạt, ai ngờ Dũng làm hỏng tất cả.

Bố mẹ chết lặng, chị và các em khóc còn người vợ lúc đó bế đứa con mới được 19 ngày tuổi trên tay cứ chạy ra chạy vô, chẳng biết làm gì.

“Cái đau nhất của em là mất hết bạn hàng, tiền làm ăn rồi công nợ có nguy cơ khó đòi. Mình đi trại thế này, những 2 năm thì chắc chắn tiền hàng chưa thanh toán, đối tác cũng bùng mất. Bao nhiêu năm làm ăn, gây dựng mãi, đến lúc tưởng như sắp làm nên cơm nên cháo thì hỏng hết cả”, Dũng than thở, đôi mắt chợt đỏ ngầu. Dường như anh ta tiếc mồ hôi công sức bỗng chốc trở thành mây khói.

Đang là ông chủ, dẫu có phải cầm tay chỉ việc cho công nhân thì Dũng cũng không phải trực tiếp cưa, hàn sắt, nhưng vào trại giam, anh ta phải đi cuốc đất, thậm chí cấy, gặt lúa như những người nông dân thực thụ.

Dũng bảo chẳng oán giận ai vì tự mình gây ra, nhưng thời gian lao động cũng là thời gian anh hay bị rủ rê, chèo kéo. Một số bạn tù, trước cũng là con nghiện, thấy Dũng có “triển vọng” nên tìm cách làm thân, rủ anh sau này ra tù liên kết làm ăn.

Dũng biết họ ám chỉ chuyện gì nhưng kinh nghiệm thương trường dạy anh rằng không nên có câu trả lời dứt khoát. Vậy là Dũng chỉ cười, không từ chối cũng chẳng ra nhận lời.

Anh bảo với những kẻ chẳng còn gì để mất này, tốt nhất là nên giữ khoảng cách, càng để họ biết ít về mình thì càng an toàn, không chỉ cho bản thân mà cả gia đình nữa. Chính vì thế mà các bạn tù chỉ biết Dũng ở thành phố Ninh Bình còn địa chỉ nhà cụ thể ở đâu, làm nghề gì chẳng ai biết.

Hỏi Dũng còn vài tháng nữa thôi là mãn hạn, đã có kế hoạch gì cho ngày về, Dũng cười buồn bảo chưa biết tính thế nào bởi “mọi chuyện phải làm lại từ đầu nhưng con số không lần này không giống con số không của ngày đầu khởi điểm”.

Tiền vốn không còn, lý lịch lại có tì vết, bạn hàng bỏ đi, không tin tưởng… chắc chắn Dũng sẽ rất khó khăn để quay lại với nghề hàn sắt xưa kia.

“Cũng may là em còn gia đình, vợ con. Mọi người sẽ chẳng tiếc em đâu nếu như em quyết tâm làm lại, nhưng mà nói thế cũng không có nghĩa là sẽ nhận được sự hỗ trợ vô tư như trước”, Dũng bộc bạch.

Theo lời Dũng, việc anh ta âm thầm sử dụng ma túy để một ngày bất ngờ bị bắt đã khiến mọi người trong nhà mất lòng tin. Chính vì thế mà điều trước tiên Dũng muốn khẳng định mình là phải lấy lại được lòng tin đã đánh mất.

Nghe thì có vẻ dễ nhưng thử hỏi có mấy con nghiện đi tù về đoạn tuyệt với ma túy. Cũng có thể ban đầu họ mong muốn hoàn lương nhưng rồi không có cơ hội vì người thân ngờ vực, tiền bạc không có… nên tuyệt vọng, buông xuôi. Dũng bảo đã lường trước những tình cảnh đó, sẽ cố gắng chứng tỏ mình để làm lại.

“Em dự định ra tù vẫn làm nghề cũ vì cái nghề sắt vẫn còn thịnh lắm, chưa hết thời được”, Dũng bảo. Vợ ở nhà thuê cửa hàng bán hàng thời trang, nuôi con, dù bận bịu nhưng hàng tháng chị vẫn thu xếp thời gian vào thăm Dũng.

Dũng bảo, vợ anh chưa một lần nặng nhẹ với chồng, cũng không bao giờ hỏi anh xem dự định sẽ làm gì, mà lần nào vào thăm cũng bảo anh cố gắng, chuyện gì cứ từ từ rồi tính, cốt là phải có sức khỏe.

Biết vợ tránh không nhắc tới chuyện cũ, Dũng càng thấy day dứt bởi “thà rằng cô ấy trách em một lời có khi còn đỡ suy nghĩ, đằng này lần nào vào cũng đem đồ thăm nuôi, hỏi han, nhắc nhở để ý chuyện ăn uống, vệ sinh… càng khiến em khó nghĩ”.

“Nhưng mà chắc em bỏ được ma túy thôi. Bố mẹ thế, vợ con thế, đâu phải ai cũng có hậu phương vững chắc như em”, Dũng hồ hởi. Lần đầu tiên mới thấy Dũng cười, một nụ cười tự tin.

  • Minh Châu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc