Bước khỏi án tù, cựu tỉ phú Mỹ làm nhân viên giao bánh pizza từ thiện

08:33, Chủ nhật 10/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Sau 3 năm rưỡi bóc lịch, Jack Abramoff nay chỉ đơn thuần là một anh nhân viên đi giao bánh pizza ở Baltimore.

(Phunutoday) -Sau một thời gian ngắn vào tù về tội lừa đảo, nhận hối lộ và trốn thuế, Jack Abramoff, tỉ phú người Mỹ, nhà vận động hành lang nổi tiếng của chính quyền G.W.Bush, từng làm chao đảo chính quyền Mỹ thông qua những vụ hối lộ đã quyết định hoàn lương bằng việc thường xuyên có những bài giảng đạo cho những người bạn tù.

Sau 3 năm rưỡi bóc lịch, Jack Abramoff nay chỉ đơn thuần là một anh nhân viên đi giao bánh pizza ở Baltimore. Đây vừa là việc ông hoàn thành tốt nhiệm vụ thử thách cuối cùng dành cho kẻ tội đồ do một Trung tâm phục hồi danh dự - nơi ông đang sống đề ra; vừa trích tiền làm quỹ nhân đạo - xem đây là cách để Abramoff chuộc lỗi với người dân Mỹ.

Một thời hoàng kim

Nói đến Jack Abramoff, hẳn người ta không thể không nhắc đến vụ bê bối đình đám trong chính trường Mỹ mấy năm về trước. Vụ bê bối mang tên “Jack Abramoff”, với số tiền gian lận, hối lộ và trốn thuế trị giá hàng trăm triệu USD, bắt đầu nổ ra vào năm 2004, khi Bộ Tư pháp, Ủy ban Thượng viện Mỹ bắt tay tiến hành điều tra hoạt động của nhà vận động hành lang quyền lực này.

Thông tin về sự nghiệp của Abramoff thu thập được từ những cuộc phỏng vấn nhiều vị quan chức trong chính phủ và cựu cộng sự của ông tại Công ty lobby Preston Gates & Ellis LLP và Greenberg Traurig LLP; từ hàng nghìn tài liệu nộp cho Toà án hay đăng ký với chính quyền, từ hàng trăm bức email do tờ Washington Post thu được cùng những thông tin do các nhà điều tra của Thượng viện cung cấp.
 

Nhận xét chung về “hồ sơ sự nghiệp” của Abramoff phần lớn đều khẳng định rằng, “Jack Abramoff” từng là người có những tham vọng khổng lồ. Bằng chứng theo thống kê: là nhà bảo trợ hào phóng trong cộng đồng Do Thái chính thống, ông khai trương một trường dòng cho nam giới tại Maryland; ông mở hai nhà hàng ngay cạnh đồi Capitol; mua một hạm đội thuyền du lịch để mở sòng bạc; cho thuê 4 đài quan sát tại các đấu trường, sân vận động phục vụ các VIP; thậm chí ông muốn trở thành một nhà đạo diễn tài năng với kế hoạch sản xuất 2 bộ phim tại Hollywood, muốn làm chủ sở hữu một đội thể thao nhà nghề…

Và hơn thế nữa, khi còn đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp,  Abramoff còn ôm ấp kế hoạch xây dựng một cơ quan lobby lớn nhất tại Washington D.C - trung tâm chính trị của nước Mỹ. Khi ấy cái tên Abramoff  khiến giới vận động hành lang tại Mỹ đều kiêng nể mỗi khi nghe nhắc tới.

Giây phút tỉnh ngộ

Sự thành công đến với Abramoff quá nhanh và ngày càng “bành trướng” khiến các cơ quan điều tra và nhiều người nghi ngại. Một Uỷ ban Thượng viện Mỹ đã phát hiện cùng với cộng sự của mình là Michael Scanlon, Abramoff đã thu hơn 80 triệu USD từ các bộ lạc da đỏ khi vận động giúp họ. Đây là một khoản tiền khổng lồ ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp lobby Mỹ vốn đem lại 4 tỉ USD lợi nhuận. Theo các công tố viên điều tra vụ việc, Abramoff đã thu khoảng 20 triệu USD lợi nhuận từ hợp đồng này.

Sau 2 năm điều tra, tháng 1/2006, Abramoff đã chính thức thừa nhận 3 tội danh: âm mưu hối lộ quan chức, gian lận và trốn thuế, khiến ông ta phải chịu án 5 năm 10 tháng tù giam và khoản tiền phạt 25 triệu USD. Jack Abramoff còn dính dáng đến nhiều màn bịp hàng triệu USD từ cộng đồng người da đỏ Mỹ. Giữa thập niên 90 thế kỷ trước, Abramoff bắt đầu làm luật sư đại diện cho người da đỏ ở các đơn xin cấp phép kinh doanh sòng bài, đầu tiên là Mississippi Band thuộc cộng đồng người da đỏ Choctaw, nơi trả cho Abramoff hơn 5 triệu USD vào cuối thập niên 90.

Trong phiên tòa xét xử tội danh của Abramoff, từ giới quan chức Mỹ, những người đang theo dõi, quan tâm vụ việc đến các phương tiện truyền thông không khỏi ngạc nhiên, bùi ngùi trước lời “hối lỗi” của cựu vận động hành lang - cựu tỷ phú nước Mỹ một thời này.

“Tôi chỉ muốn nói rằng, dù cho phải vận dụng tất cả mọi ngôn từ cũng không bao giờ có thể bày tỏ nổi sự ân hận và hối tiếc của tôi vì tất cả những lỗi lầm đã gây ra”, giọng nói nhanh và yếu ớt của Abramoff vang lên trong microphone, hai vai buông thõng xuống bàn bị báo. “Trong những ngày còn lại của cuộc đời, tôi sẽ từ từ gặm nhấm nỗi thất vọng khủng khiếp này và hối hận về những gì đã làm. Tôi chỉ hy vọng tôi có thể được hưởng sự khoan hồng của Thượng đế và sự tha thứ của những người tôi đã mắc lỗi hay những người phải chịu đựng những gì do tôi gây ra” .

Trong bộ dạng một người thất bại, Abramoff lê từng bước chậm chạp vào phòng xử án của Thẩm phán Ellen Segal Huvelle. Người ta có thể dễ dàng nhận ra thân hình ngoại cỡ của ông trong bộ quần áo đen, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh nhà vận động hành lang một thời từng là tay chơi thể thao cự phách. Sau khi nhận tội, Abramoff nhắm hai mắt như muốn khóc. Vị luật sư bào chữa đã phải vỗ vai an ủi khách hàng qua cơn xúc động.

Hai tay ông siết chặt, ánh mắt buồn thảm thi thoảng lại nhìn xuống phía dưới - nơi người thân, bạn bè, đồng nghiệp… đang lắng nghe. Chỉ duy hai chiếc khuy măng sét và chiếc cà vạt màu xanh đậm trên người ông cho thấy sự giàu có và quyền lực mà Abramoff từng tích luỹ được trong quãng thời gian đỉnh cao của danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền bạc và cả những đam mê…


Theo Baltimore Jewish Times thì Jack Abramoff đã bắt đầu muốn làm lại cuộc đời kể từ sau một thời gian ngắn mới vào tù. Chẳng hạn như nhà cựu vận động hành lang này đã thường xuyên có những bài giảng đạo cho những người bạn tù dưới sự cho phép của bộ phận quản lý trại giam. Câu chuyện về những bài giảng đạo của Jack Abramoff khi còn ở trong trại giam qua lời kể lại của các tù nhân khác cũng thật giống “cha đạo”.

 Abramoff chỉ là một tín đồ của thiên chúa giáo, chứ không phải là một vị linh mục nhưng qua những lần rao giảng, Abramoff đã thể hiện như là một “cha đạo” giữa chốn song sắt, tù giam. Ðã thuyết giảng rất đơn giản, từ ngôn từ đến phong cách và thái độ để lôi cuốn những tù nhân - vốn vẫn được xem là những người “có máu mặt”, “kẻ cứng đầu cứng cổ”.
 

Khi thuyết giảng, Abramoff còn dùng “sấm giảng” do ông viết bằng loại văn vần. Cách viết rất giản dị và dễ hiểu, thích hợp với tù nhân. Mục đích để khơi dậy bản chất nhân nghĩa, chân thành, lòng bao dung độ lượng, ý thức vươn lên trong cuộc sống… của mỗi con người. Đối với họ những phẩm chất ấy vì nguyên nhân nào đó mà tạm thời bị “ẩn lấp” thì nay cần “khơi thông”, mở lối.

Được ra tù tháng 6/2010, Jack Abramoff sống trong một Trung tâm phục hồi danh dự. Và trong lúc chờ đợi được hoàn trả toàn bộ quyền công dân, Abramoff được Trung tâm này tìm cho công việc đi đưa bánh pizza, đồng thời coi đây là một nhiệm vụ thử thách cuối cùng dành cho kẻ tội đồ của chính trường Mỹ thời nào. Abramoff không từ chối, thậm chí ông còn không giấu nổi xúc động và đã gửi lời cảm ơn trực tiếp tới người chủ mới tiếp nhận một nhân viên có “tiền án” như ông.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước quyết định tuyển Abramoff vào làm việc, ông Ron Rosenbluth - chủ của chuỗi cửa hàng có 26 năm tồn tại này cho biết, thứ nhất, ông vì lợi ích cá nhân: trong thời buổi khủng hoảng tài chính như hiện nay, ông đặt hy vọng Abramoff - một cựu vận động hàng lang giỏi sẽ phần nào giúp ông đứng vững trên thị trường. Thứ hai, ông muốn tạo cơ hội cho Abramoff để dần dần chuộc lỗi với người dân Mỹ.

 “Chúng tôi đều là người Do Thái. Tôi rất lấy làm vinh dự khi được giúp đỡ một ai đó. Cho người khác một cơ hội để đổi đời là điều nên làm. Tôi thấy vui khi Tov Pizza là nơi khởi đầu của sự hồi sinh cho Jack Abramoff. Chẳng phải ông ta đã trả nợ đời rồi đấy à? Jack không phải là một quái vật như người ta đã mô tả”.

Theo hợp đồng tuyển dụng, Abramoff sẽ làm việc 40 giờ/tuần tại Tov Pizza trong thời gian 6 tuần. Thời gian làm việc từ 10h30’ đến 17h30’. Nếu như thời huy hoàng, Jack Abramoff đòi được trả 750 USD từ phía khách hàng cho một giờ làm việc thì sau khi ra tù, cựu tỉ phú và là tay vận động hành lang nổi tiếng một thời này đành chấp nhận với mức thù lao từ 7 - 10 USD/giờ ở Tov Pizza, một cửa hàng làm bánh pizza ở bang Baltimore, Mỹ.

Chia sẻ với các phóng viên báo chí, ông Jack Abramoff đã cho biết, vài ba ngày làm đầu tiên thật là xấu hổ khi phải đi giao bánh pizza. Từ một khách “Vip” chuyên đi ăn tiệm trong những năm trước, nay lại hoán đổi thân phận thành nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, ông Jack Abramoff cũng nhận thức được rằng “có qua cửa ải này” thì may mắn mới có thể làm lại cuộc đời.

Trong công việc khá tất bật này, ông luôn nghĩ phải làm gì đấy để thay đổi cuộc đời chứ. Ông chú tâm vào công việc, trở thành một nhân viên giao bánh chăm chỉ. Vốn nhanh nhạy, lại có tài ăn nói nên người nhân viên mới này luôn hoàn thành xuất sắc công việc. Những ánh mắt thân thiện của khách hàng dành cho Jack Abramoff ngày càng tăng khiến ông vô cùng hạnh phúc. Và điều đáng quý hơn, hàng tháng Abramoff đều trích tiền lương từ công việc giao bánh pizza của mình vào các quỹ từ thiện, nhân đạo trong nước.

Hiền Nhung
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc