Là ca sĩ được xếp vào hàng ngôi sao tại Sài Gòn trước năm 1975, đột nhiên Kim Loan sang Tây Đức định cư rồi lấy chồng ở đó. Điều gì đã khiến một cô ca sĩ đang trên đỉnh vinh quang bỗng từ bỏ tất cả để đến sống ở đất khách quê người?
Tuy Kim Loan vẫn luôn luôn phủ nhận, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng Kim Loan sang Tây Đức với cái bào thai của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nỗi sợ hãi về sự ghen tuông của bà Mai Anh – vợ Tổng thống Thiệu, người đàn bà nổi tiếng với máu “Hoạn Thư” nhất nhì Sài Gòn thời đó.
Những lò đào tạo ca sĩ trước năm 1975
Cũng giống như bây giờ, nhiều cô gái không có năng khiếu hoặc có chút ít năng khiếu ca hát bẩm sinh mà muốn trở thanh ca sĩ thì phải đầu quân vào một lò chuyên đào tạo, rèn luyện ca sĩ. Chỉ khác một điều, những lò đào tạo ca sĩ trước năm 1975 rất có trách nhiệm.
Nếu các cô gái trẻ thích đi theo nghề ca hát được một “ông bầu” hay “chủ trung tâm” nhận lời thì chắc chắn sẽ có cơ hội tiến thân và chắc chắn sẽ trở thành ca sĩ.
Họ chịu trách nhiệm từ A đến Z, tức là đào tạo, rèn luyện theo cách của mình, có phương pháp, bí quyết riêng… đến khi “coi giò coi cẳng” thấy “gà” có thể ra đấu trường họ sẽ tìm mọi cách lăng xê, giới thiệu trên báo, đài, các chương trình đại nhạc hội, phòng trà, thu băng, thu đĩa, trình diễn trên màn ảnh nhỏ.
Tên tuổi của ca sĩ sẽ gắn kết với uy tín của “lò đào tạo” để hai bên cùng có lợi.
Trước năm 1975, xuất phát từ nhu cầu vui chơi, giải trí của xã hội, mà đặc trưng là của thành phố Sài Gòn vốn được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, hệ thống phòng trà, quán bar, vũ trường mọc lên khắp nơi, và hút vào đó là các gái nhảy và cả ca sĩ và nghề đào tạo ca sĩ của các “lò” cũng là một nghề ăn nên làm ra.
Kim Loan là ca sĩ được xếp vào hàng ngôi sao tại Sài Gòn trước năm 1975. |
Một số “lò” đào tạo ca sĩ nổi tiếng, có uy tín thời bấy giờ như Nguyễn Đức, Tùng Lâm, Duy Khánh, Lan Đài, Hoàng Thi Thơ… đã liên tiếp cho trình làng những thế hệ ca sĩ nổi tiếng, trong đó thành công nhất là lò Nguyễn Đức với ông bầu là nhạc sĩ “Nguyễn Đức”.
Ông này nổi tiếng không phải về sáng tác nhạc mà là… đào tạo ca sĩ tay ngang thành danh cho sân khấu ca nhạc Sài Gòn.
Ca sĩ Kim Loan của lò Nguyễn Đức
Ca sĩ Kim Loan là thế hệ ca sĩ được ông bầu Nguyễn Đức đặt nghệ danh hàng chữ “Kim” cùng thời với những: Kim Cương, Kim Hương, Kim Anh… Kim Loan được bầu Nguyễn Đức nhận làm đệ tử từ lúc còn nhỏ, ở lứa tuổi thiếu nhi, lúc đó, Kim Loan mới vừa được 8-9 tuổi.
Và qua những năm tháng được thầy Nguyễn Đức vốn được mệnh danh là “phù thủy” có thể biến một giọng hát “tay ngang” thành một ca sĩ nổi tiếng, cô bé Kim Loan ngày nào bỗng chốc đã trở thành một giọng ca đầy triển vọng.
Và quả thật như thế, năm 17 tuổi, nói chính xác là 17 tuổi rưỡi, Kim Loan đã ra mắt khán thính giả bài hát “tủ” được thầy Nguyễn Đức chọn là bài “Căn nhà ngoại ô” và lập tức trở nên nổi tiếng. Ngày đáng nhớ của một giọng ca mới “ra lò” này chính là ngày 8/8/1966.
Kim Loan còn rất trẻ, nhưng nổi trội về nhan sắc. Cô có nét đẹp rất “Tây”, từ gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to sâu thẳm, tóc dài, nụ cười duyên dáng tới dáng người thon thả, quyến rũ trong tà áo dài kiểu nữ sinh.
Sở hữu một chất giọng mũi khàn, đục phù hợp với những điệu boléro, rumba, slow… Kim Loan nhanh chóng trở thành giọng ca ăn khách của các vũ trường, phòng trà, đại nhạc hội, đài phát thanh, màn ảnh truyền hình, thu băng, thu đĩa…
Nhờ nhan sắc và giọng ca đặc biệt không lẫn lộn, Kim Loan đã trở thành một ngôi sao trong làng ca nhạc thời bấy giờ. Nhất là khi bước lên sân khấu phòng trà, hay vũ trường dưới ánh đèn rực rỡ, cô càng trở nên rực rỡ, quyến rũ hơn.
Kim Loan trước sau như một khẳng định với các phóng viên rằng trong giới chính khách, tướng lĩnh Sài Gòn cũ cô chỉ gặp ông Nguyễn Cao Kỳ một vài lần, còn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì chưa hề. |
Bởi thế Kim Loan mới chen chân được với thế hệ ca sĩ hàng chữ “Phương” lúc bấy giờ đã nổi danh như: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế… hay cả thế hệ ca sĩ đàn chị như: Phương Dung, Hoàng Oanh, Hà Thanh…
Giữa lúc con đường ca hát của Kim Loan đang lên như diều gặp gió và là niềm kỳ vọng của bầu Nguyễn Đức thì định mệnh nghiệt ngã đã đến với cô ca sĩ trẻ đẹp này chỉ trong một đêm, năm đó cô vừa 20 tuổi.
Gặp gỡ tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
Đó là đêm Kim Loan nhận lời hát phục vụ cho quân lính binh chủng Biệt Động Quân tại trại Đào Bá Phước có Tổng Thống chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu dự. Cô ca sĩ trẻ đẹp, hát không hay nhưng có chất giọng ấn tượng, phong thái như “ Tây” đã lọt vào mắt xanh của vị Tổng Thống đa tình.
Lập tức, Nguyễn Văn Thiệu đã “trải lòng thầm kín” của mình cho Đặng Văn Quang, một viên tướng tình báo dưới quyền, đồng thời là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu và Trung tá Ngân, sĩ quan tin cẩn đứng ra thu xếp để Nguyễn Văn Thiệu sớm gặp được “người đẹp” đã có sức mạnh giáng cho ngài Tổng Thống một cú sét ái tình làm ông ta bị “choáng”.
Tất nhiên Tổng Thống muốn là “vua” muốn, bằng nhiều cách, nhiều kênh bí mật, Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân đã đưa được ca sĩ Kim Loan vào Dinh Độc Lập mà báo chí bấy giờ gọi là “Phủ Đầu rồng” với lớp vỏ bọc ngụy trang là” “hát cho Tổng Thống nghe”.
Nhưng hát rồi Tổng Thống giữ luôn cô ca sĩ ở lại “Phủ Đầu rồng” không cho về nhà. Và sau một năm, Kim Loan “hát” thường xuyên cho Tổng Thống “nghe” như vậy thì cô mang thai.
Lúc này chuyện cũng đã lùm xùm, cánh báo chí lúc đó cũng đã biết và nghe đâu chính bà Mai Anh vợ của Nguyễn Văn Thiệu cũng đã biết. Nhưng vì giữ thể diện cho chồng và chiếc ghế Tổng Thống, người đàn bà có máu ghen Hoạn Thư này đã nuốt giận, khôn khéo lên kế hoạch để “làm thịt” bí mật cô tình địch ca sĩ.
Tất nhiên, Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân cũng nắm được tình hình nên báo cáo cho Nguyễn Văn Thiệu mối hiểm họa đang tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Lập tức, Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho tâm phúc chiêu “xóa sạch tang chứng”, thế là Đặng Văn Quang và Trung tá Ngân thực hiện kế hoạch “hỏa tốc”, họ đã “đẩy” cái bào thai trong bụng cô ca sĩ cho một Đại úy dưới quyền và đưa cả hai “vợ chồng” này qua Tây Đức sinh sống, vĩnh viễn không trở về Việt Nam khi nào Nguyễn Văn Thiệu còn làm Tổng Thống.
Năm đó là năm 1969, chính xác là vào ngày 6/11/1969, cũng là ngày chấm dứt cuộc đời ca hát của ca sĩ Kim Loan ở trong nước. Câu chuyện ly kỳ này thì chưa rõ trắng đen, chính xác đến bao nhiêu phần trăm, nhưng có lẽ chuyện sau đây là sự thật:
Số là cùng thời điểm đó, có hai ca sĩ trùng tên Kim Loan và đều trẻ đẹp. Một là Kim Loan nhân vật trong bài này, hai là Kim Loan vừa hát tân nhạc vừa hát cải lương mà nổi tiếng với làng cải lương nhiều hơn.
Do trùng tên với ca sĩ Kim Loan, người tình của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nên không biết có một thế lực ngầm nào yêu cầu cô Kim Loan cải lương phải đổi tên khác, không thể để trùng tên với cô Kim Loan tân nhạc được.
Và chắc chắn “thế lực ngầm” này rất mạnh nên sau khi Kim Loan cải lương lãnh giải Thanh Tâm năm 1963, người ta thấy cô Kim Loan cải lương đổi tên thành Mộng Tuyền. Và rồi Mộng Tuyền từ cải lương bước sang điện ảnh, nổi tiếng ngay với phim “Gánh hàng hoa” của hãng phim Thái Dương.
Những ngày lưu lạc
Kim Loan sang Tây Đức thì định cư ở thành phố Cologne. Và không hiểu cặp vợ chồng “gán ghép” này sống thế nào nhưng nghe nói chỉ sau 1 năm, Kim Loan đã kết hôn với một Việt kiều tại Tây Đức.
Kim Loan không chỉ tìm được hạnh phúc mới mà còn chứng tỏ cô là một người có ý chí vì đã theo học khoa Xã hội Sư phạm, sau đó được Bộ Xã hội Tây Đức nhận vào làm việc.
Hiện ca sĩ Kim Loan là chủ một thẩm mỹ viện, vừa kinh doanh, vừa đi hát trở lại trong những chương trình văn nghệ phục vụ kiều bào hải ngoại.
Trước đó vào năm 1978, Kim Loan được mời đóng vai Điêu Thuyền trong vở “Phụng Nghi Đình” do đoàn Kim Chung dàn dựng phục vụ kiều bào ở Pháp do Hội Việt kiều yêu nước ở Paris tổ chức. Trước đó nữa, năm 1977, ca sĩ Kim Loan cũng đã tham gia một chương trình văn nghệ ở khu Maubert Mutualité tại Paris.
Nhưng có thể nói, ngày 17/8/2006 là một dấu mốc trong sự nghiệp ca hát của ca sĩ Kim Loan kể từ khi cô rời Việt Nam sang định cư ở Tây Đức.
Đó là ngày Kim Loan đi hát trở lại nhưng không phải tại nơi cô định cư mà nơi cô trình diễn là Trung tâm Asia ở miền Nam California Mỹ trong chương trình văn nghệ chủ đề “Huyền thoại Lê Minh Bằng” đề cập đến 3 nhạc sĩ ký một tên chung là Lê Minh Bằng, nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975.
Đó là Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Trong chương trình này, Kim Loan đã hát lại bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ “3 trong 1” Lê Minh Bằng trước năm 1975, đó là bài “Đôi bóng”.
Ngày Kim Loan đi hát trở lại ở hải ngoại cũng lại là một sự tình cờ thú vị, vì ngày này cũng là kỷ niệm 40 năm lần đâu tiên đi hát của ca sĩ Kim Loan ở Sài Gòn, đánh dấu bằng bài hát “Căn nhà ngoại ô”.
Tuy nhiên khi trở lại với sân khấu, dù chỉ thỉnh thoảng mới có show, ca sĩ Kim Loan sau ngần ấy thời gian “im hơi lặng tiếng” để sống với vai trò người vợ, người mẹ, chăm lo hạnh phúc gia đình và kinh doanh thẩm mỹ viện, hầu như lãng quên mọi chuyện xảy ra trước đây ở Việt Nam thì lại đối mặt với “nghi án” chuyện tình với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như đã nói ở trên.
Một số phóng viên đã phỏng vấn Kim Loan về “nghi án” này bằng những câu hỏi thẳng thắn, không rào đón, có lẽ họ muốn làm rõ trắng đen về câu chuyện một thời đã gây xôn xao dư luận ở Sài Gòn và nó dính tới Tổng Thổng Nguyễn Văn Thiệu-một nhân vật chop bu của chế độ cũ.
Bí ẩn chưa được giải đáp
Tuy nhiên, Kim Loan đã phủ nhận tin đồn này. Cô trả lời rằng, cô sang Tây Đức vào năm 1969, không phải với bào thai nằm trong bụng hay chạy trốn sự đe dọa trả thù của bà Mai Anh - vợ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà cô sang Tây Đức để du học.
Kim Loan đã theo học khoa Xã hội Sư phạm và trong lúc chưa tốt nghiệp đã được Bộ Xã hội của chính phủ Đức mời làm việc. Kim Loan trở thành nhân viên của Bộ này và nhiều cơ quan chính quyền Đức trong nhiều năm.
Vừa đi làm vừa đi học và nhờ học mấy năm Khoa Cosmotology nên Kim Loan đi làm việc ở các cơ sở thẩm mỹ viện của Đức, sau này mở riêng thẩm viện của mình và làm chủ cho đến khi vừa kinh doanh vừa đi hát trở lại tính ra đã 30 năm.
Kim Loan khẳng định, cô qua Đức ngày 6/11/1969, một năm sau, ngày 6/11/1970 Kim Loan đúng 21 tuổi và lập gia đình với anh Minh, chồng cô bây giờ. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc.
Vào năm 1972- 1973, con trai của Kim Loan bị bệnh phải điều trị trong bệnh viện, Kim Loan ra vào thường xuyên có nghe tin đồn này, đồng thời ở Sài Gòn người thân trong gia đình cô cũng có viết thư sang báo rằng có tin đồn không hay như thế.
Chính gia đình cũng như bản thân Kim Loan cũng rất ngạc nhiên tại sao lại có tin đồn ác ý trong khi Kim Loan chưa từng gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, chưa từng vào Dinh Độc Lập để hát cho ông ta nghe và ở lại suốt đêm như một số dư luận đồn đại.
Giải thích chuyện này, Kim Loan cho rằng có lẽ lúc ấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đang tái ứng cử trong vai trò “độc diễn” nên các thế lực chính trị tung tin đồn ác ý nhằm hạ uy tín ông ta vì mục đích chính trị.
Còn tại sao dư luận không đồn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lăng nhăng tình ái với các ca sĩ khác mà với Kim Loan? Thì cô ca sĩ này cũng hồn nhiên giải thích rằng vì nếu đồn cho ca sĩ còn ở Sài Gòn thì không ai dám vì chắc chắn có người đối chứng, làm dữ, chỉ đồn cho ca sĩ ờ nước ngoài thì không cãi lại được.
Kim Loan còn khẳng định rằng, nếu cô còn ở Sài Gòn lúc ấy, chắc chắn cô sẽ làm toáng lên rồi. Sẵn dịp được phỏng vấn, Kim Loan cũng có cơ hội để bày tỏ ý định của mình từ lâu, cô muốn nói rõ trắng đen chuyện này và chê luôn bà Mai Anh, vợ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rằng bà này đã ứng xử quá kém, quá vô tình trước những tin đồn đầy ác ý cho chồng bà mà không công khai đính chính hay tỏ thái độ phản bác vì hơn ai hết, chính bà Mai Anh biết rõ chồng bà là nạn nhân của những tin đồn quái ác này.
Ca sĩ Kim Loan chỉ thừa nhận trong khi còn ở Sài Gòn và đi hát, một vài lần cô phục vụ ở Hội quán Huỳnh Hữu Bạc của binh chủng Không Quân chế độ cũ, và một lần nọ khi hát xong, Kim Loan định ra về thì bị binh lính ngăn chặn buộc cô phải ở lại vì có một nhân vật quan trọng sắp tới dự.
Cô hỏi nhân vật đó là ai thì được trả lời là Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Kim Loan đã phản ứng rằng ông Kỳ đến thì có liên quan gì tới cô và Kim Loan vẫn kiên quyết ra về. Nhưng không kịp nữa rồi, ông Kỳ đã đến và lần đó, Kim Loan có nói chuyện một lúc với ông ta.
Ông Kỳ hỏi nhà Kim Loan ở đâu? Cô trả lời và ông Kỳ đã bảo rằng ông ta hay ăn phở ở tiệm phở nổi tiếng số 1, …đường Trương Tấn Bửu gần đấy.
Và Kim Loan trước sau như một khẳng định với các phóng viên rằng trong giới chính khách, tướng lĩnh Sài Gòn cũ cô chỉ gặp ông Nguyễn Cao Kỳ một vài lần, còn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thì chưa hề.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì đã chết, nỗi “oan tình” của ca sĩ Kim Loan không còn người đối chứng. Thời gian sẽ qua rất nhanh, năm tháng sẽ phủ lên tất cả bằng lớp lớp tro bụi và sự lãng quên, trong đó có những điều không đáng để nhớ.
Hy vọng những khẳng định về một “nghi án” chuyện tình giữa một vị Tổng thống bại trận bỏ chạy khỏi đất nước và một cô ca sĩ nổi tiếng do chính cô ca sĩ ấy công khai lên tiếg “giải oan” sẽ được khép lại, đủ thuyết phục dư luận và chìm dần vào lãng quên.
Kỳ II: Những bóng hồng qua tay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
- Từ Kế Tường
[links()]