(Bảo vệ người tiêu dùng) - Tuần qua, tranh cãi giữa quyền công bố thực phẩm bẩn của hai sở ở TP.HCM vẫn gây chú ý dư luận. Ngoài ra, gạo được tẩy trắng bằng hóa chất diệt côn trùng cũng là tin đáng chú ý trong tuần qua.
Tranh cãi quyền công bố kiểm nghiệm bún
Trước kết quả kiểm nghiệm bún chứa chất huỳnh quang của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Sở Công thương, Sở Y tế TP.HCM nhanh chóng lên tiếng phản đối kết quả trên vì nghi ngờ việc lấy mẫu cũng như trong quá trính xét nghiệm. Các cơ quan quản lý thực phẩm cho rằng nên phân định rõ quyền công bố kết quả kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, không phải ai cũng có quyền công bố kết quả kiển tra. Kết luận này của các cơ quan liên ngành TP.HCM khiến người dân búc xúc vì trung tâm trên cũng nằm trong HH bảo vệ người tiêu dùng VN là cơ quan tiếng nói của người tiêu dùng.
Ngay sau đó, các chuyên gia thực phẩm cho rằng việc bác bỏ kết quả kiểm tra của trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng là không đúng. Trả lời trên báo Gia đình xã hội PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết đơn vị nào có đủ tư cách pháp nhân đều được thực hiện kiểm nghiệm thực phẩm độc lập.
Kết quả kiểm nghiệm bún được dư luận quan tâm đặc biệt |
Ông cũng cho biết Tinopal là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… vì có màu óng ánh, đẹp. Chất này tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Lâu nay để tăng độ dai cho bún, người sản xuất thường dùng hàn the và chất tẩy bột trắng sunfit.
Chất Tinopal - huỳnh quang cho vào chỉ cải thiện độ bóng bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún hấp dẫn về mặt hình thức song chất này rất nguy hại, có khả năng gây ung thư. Đáng lo ngại, bún lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân, nhất là trong mùa hè. Còn Sodium benzoat theo quy định của Bộ Y tế là chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng vào một số nhóm thực phẩm như sản xuất mì và các sản phẩm tương tự để chống vi sinh vật, chống thiu và chua.
Sau nhiều lần tranh cãi, dự kiến 10/8 sẽ có kết quả cuối cùng về kiểm nghiệm bún.
Tẩy trắng gạo mốc bằng hóa chất diệt côn trùng
Chưa qua cơn sốc vì bún chứa chất huỳnh quang, tuần qua người tiêu dùng lại chứng kiến cảnh tẩy trắng gạo của các tiểu thương. Báo Tiền phong đã có bài viết về vấn đề này.
Thông thường, nhà máy xay xát mua lúa về phải tích trữ một thời gian. Do vậy, khi xay xát sẽ không còn được mùi thơm như ban đầu. Vì thế, cần phải tạo lại mùi hương cho gạo. Mùi ở đây là loại hóa chất tạo mùi thơm được mua từ Trung Quốc. Mấy loại này thị trường không bán nhiều, chỉ có thể mua từ những công ty cung cấp hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM).
Ví dụ, muốn gạo Tám Thơm, gạo Hương Lài… khi nấu thành cơm có mùi thơm nồng đặc trưng thì cần pha 1 muỗng bột tạo mùi với 5 lít nước cho 100kg gạo. Sau đó, tưới đều lên gạo ủ trong vòng 15 phút rồi cho vào máy đánh bóng gạo, từ đó sẽ được mùi hương như cũ.
Theo người bán hàng, các loại gạo màu như Bắc Thái, gạo Thái Đỏ… bán trên thị trường Việt Nam, thực ra chỉ là loại gạo dài 5% tấm. Sau khi xay xát sẽ cho vào máy đánh bóng rồi tách màu, trộn màu bằng máy. Màu ở đây là các loại chất tạo màu xuất xứ từ Trung Quốc.
Gạo tẩy trắng bằng hóa chất diệt côn trùng |
Ví dụ, màu tím đậm của gạo Bắc Thái thì cũng hòa với nước thêm bột tạo mùi hương rồi cho gạo vào ngâm và đưa vào máy trộn. Sấy 10 phút, từ gạo trắng bình thường thành gạo màu với mùi hương như thật. Tất cả những chất này đều không có tên, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu và chỉ cần nói màu gì là họ mang tới, chứ ngay như tôi cũng không hề biết là loại gì.
Còn công đoạn gạo tẩy trắng các tiểu thương sẽ cho 1 kg bột này được mua từ chợ vào 100 kg gạo, sau 5 phút hạt gạo trắng tinh, còn muốn trắng đục thì chỉ cần 500g.
Ngoài việc tẩy trắng, chất này còn có thể làm nở cơm hết cỡ khi nấu. Ví dụ, 10kg gạo làm trắng bằng bột này thì khi nấu sẽ nở bằng 20kg gạo không dùng chất tẩy trắng. Các loại gạo bị nấm mốc sau khi được các cửa hàng trả lại nhà xưởng sẽ đem đi tẩy lại trở thành gạo ngon.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Cty Hóa chất Minh Thanh (chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), những loại hóa chất đó là loại bột bezoyl peroxide và calcium peroxide chuyên để tẩy trắng gạo và mì mà Trung Quốc đã cấm lưu hành trong chế biến thực phẩm vì dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa, gây tử vong. Loại chất chống mốc là chất deltamethrin chuyên sử dụng diệt côn trùng và khử trùng.
Lòng lợn thối, cá trắm đông lạnh dạt vào thủ đô
Vào khoảng 8h ngày 28/7, tại đường Giải Phóng (đối điện bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tổ công tác đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng CSGT Công an Hà Nội), đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông xung quanh bến xe Giáp Bát thì phát hiện xe tải mang BKS: 99C – 001.28 đi vào đường cấm nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính.
Sau khi kiểm tra giấy tờ xe và bằng lái của tài xế, tổ công tác tiếp tục kiểm tra trên thùng xe thấy có 7 chiếc thùng xốp lớn, khi được yêu cầu mở ra, tổ công tác phát hiện bên trong chứa nội tạng lợn. Ngay lập tức, tổ công tác đã yêu cầu tài xế lái chiếc xe tải này về trụ sở Đội cảnh sát giao thông số 14 để làm rõ. Toàn bộ số nội tạng này đã bốc mùi đang được chuyển tới các nhà hàng, quán nhậu để tiêu thụ.
Cũng trong ngày 28/7, tổ công tác Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tuần tra, kiểm soát tại khu vực bến xe Lương Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) thì phát hiện ô tô tải BKS 29C - 111.03 đang dừng đỗ để bốc dỡ hàng có dấu hiệu nghi vấn.
Cơ quan chức năng phát hiện 12 thùng xốp đựng cá trắm đông lạnh. Tổng trọng lượng lô hàng khoảng 700 kg, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Điều đặc biệt là trên bao bì các thùng đựng cá đều ghi chữ Trung Quốc.
Thực phẩm chức năng rởm đội lốt Made in USA
Khoảng 9h30 sáng 2/8, Đội 6 Phòng Cảnh sát môi trường CA TP Hà Nội phối hợp cùng Đội 1 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đội chống hàng giả Phòng Cảnh sát kinh tế và Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra số nhà 166B cụm 3, phường Trung Liệt, Thái Hà, Hà Nội đã phát hiện hơn 100 thùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang chờ đóng gói rồi chuyển đi tiêu thụ.
Các sản phẩm chủ yếu là sữa ong chúa, collagen, sụn vi cá mập, tảo nhật, tỏi đen… Tại hiện trường các lực lượng chức năng bắt được đối tượng đang đóng gói bao bì sản phẩm các lọ thực phẩm chức năng rởm để chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Trên sàn nhà có rất nhiều vỏ hộp chưa dán tem nhãn để đựng thuốc, hàng trăm bao bì, tem nhãn vỏ hộp, băng dính hai mặt và cả tem chống hàng giả… Toàn bộ số hàng đều không có một chứng từ nào, các giấy nhãn mác đều được đóng gói thủ công nhưng rất tinh vi và đẹp mắt. Trên nhãn mác đều được ghi xuất xứ Australia và hạn sử dụng đến năm 2015-2016. Các viên nang thu được đều được đóng gói trong bao nilon lớn.
Vụ bắt hơn 100 thùng thực phẩm giả này thật sự rất đáng báo động bởi hiện nay lợi dụng sự cả tin vào những lời quảng cáo về công dụng của thực phẩm chức năng mà nhiều phụ nữ, người lớn tuổi, một số người bệnh cao huyết áp, bệnh tim đều đang sử dụng những loại thực phẩm chức năng này. Với những lời quảng cáo có cánh như: làm đẹp da, tóc, chống lão hóa, giảm cân, chống ung thư, giảm colesteron, tăng sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, tốt cho xương khớp, chữa các bệnh về khớp... khiến nhiều người tiêu dùng không tiếc bỏ ra một số tiền không nhỏ để sử dụng những loại thực phẩm chức năng mà nguồn gốc không hề biết rõ. Với lượng hàng “rởm” như thế này thì hiệu quả chữa bệnh tốt đến đâu chưa biết nhưng chắc chắn những khách hàng cả tin sẽ chịu hậu quả tiền mất - tật mang.
- Trúc Linh (Tổng hợp)