LTS: Quy định mới về việc cho phép tịch thu xe nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong người đang gây ra nhiều tranh cãi. Khám phá xin giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Quảng, hiện sống tại Milton Keynes, Anh Quốc, để độc giả có cái nhìn đa chiều về việc áp dụng quy định tương tự tại một số nước phát triển.
Đợt Tết vừa rồi khi về Việt Nam, tôi lái một cái xe isuzu 2 cửa mượn của anh trai, đến chúc Tết người bạn. Anh ta kéo tôi ra một quán lợn Mán rất ngon ở sát đê Bát Tràng, đoạn gần Ecopark. Chúng tôi uống hết chai whitky scot. Thấy say say, tôi bỏ xe lại, đi taxi về. Tôi phải trả tiền taxi hết cỡ 5 bảng Anh, khá rẻ. Hôm sau tỉnh rượu, tôi lại đến đó lái xe về.
Ở Việt Nam không biết thế nào, nhưng bên Anh, nếu lái xe sau khi vừa uống rượu, bạn bị đi tù 6 tháng và phạt đến 5 nghìn bảng Anh.
Nếu chưa hề lái mà chỉ chui vào xe thôi và có thể có ý định lái đi thì mức án giảm đi 1 nửa: 3 tháng tù và nộp phạt 2,500 bảng.
Ví như bên Anh, tôi đang lái cái Citroen C4 cũ thời giá là 2 nghìn bảng, thì cú phạt đó mất đứt cái xe rồi, cảnh sát thu xe mà tha người thì mừng quá.
Nhưng cũng chẳng được cái hân hạnh đó.
Ở Mỹ, luật cũng tương tự Anh, thậm chí trong 43 bang của Mỹ, có luật bắt bạn nộp phạt ngay cả khi không hề uống hớp nào nhưng trong xe lại có một chai rượu dở.
Ở Anh, nếu bạn nói "tù thì tù, tôi không có tiền, không nộp", sẽ có nhân viên đến nhà bạn, thu từ cái chổi cùn, rế rách, đem bán cho đủ 5 nghìn bảng thì thôi.
Nếu cái ô tô là tài sản của bạn thì chia tay nó luôn là vừa, ô tô và ti vi, tủ lạnh hay bất kì thứ gì bán được sẽ bị phát mại.
Ở Việt Nam, uống rượu điều khiển xe là bình thường, ai cũng nói tôi chưa say, nhưng chỉ riêng trong ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2014, cả nước xảy ra 458 vụ tai nạn giao thông khiến 212 người chết, 481 người bị thương, phần nhiều do quá chén.
Dân Việt Nam lúc nào cũng nói đến cái “tình” khi phải nộp tiền, trong khi rất nhiều người chết oan do bợm nhậu phóng xe và quy định này đưa ra để bảo vệ chính họ.
Họ phản đối luật cho phép thu xe vì xe là tài sản lớn của gia đình, lập luận này tôi thấy không ổn. Nếu là tài sản lớn, bạn cần nâng niu hơn là lái nó lảo đảo giữa đường khi say rượu.
Họ cũng nói xe có thể đi mượn, vậy thì sau luật này, sẽ không ai cho ai mượn xe nữa, của ai người đó đi. Tôi đọc ở nhiều diễn đàn rất nhiều người phàn nàn khi bị mượn xe, nhân đây, người không muốn cho mượn xe có thêm một lý do rất hay để từ chối khi ai đó hỏi.
Họ nói luật này vi hiến, nhưng ở Việt Nam, bạn tìm được cách nào hay hơn không? Rất tốn kém nếu làm như phương Tây là lôi anh "bợm nhậu" ra tòa và kết tội, sau đó bắt nộp phạt và nhốt tù. Sẽ có một núi giấy tờ và tiền bạc và công sức tiêu vào "anh bợm", mà vào những dịp lễ hội hay Tết, có cả triệu anh như vậy, rất tốn kém cho ngân khố của một quốc gia vốn đang nghèo.
Vả lại nhà tù cũng đang quá thiếu, nếu nhốt tù anh "bợm nhậu" phóng xe, tôi nghĩ xây 100 cái nhà tù mới cũng chưa đủ.
Khi chưa giàu được như Tây, hãy làm theo kiểu Việt.
Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với việc thu xe của anh "bợm nhậu", đó là cách dễ làm và đỡ tốn kém nhất. Tuy nhiên, chiếc xe tịch thu đó phải bị tiêu hủy chứ không bán ra, để dân thấy đây là quy định công bằng cho mọi người chứ không phải vấn đề tiền bạc hay lợi nhuận.
Nếu bạn uống say, chả sao hết, hãy đi taxi, xe ôm hay đi bộ hoặc thậm chí bò về.
Nếu cố tình điều khiển xe? Hãy chọn một cái xe thật rẻ tiền để không quá tiếc nếu bị thu mất.
Xem xét tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc Mức xử phạt của hành vi đi xe máy vào đường cao tốc sẽ được tăng nặng, trong đó các cơ quan chức năng đưa ra phương án cao nhất; Tịch thu xe máy. |