Tháng 12 âm lịch, tức tháng Chạp, thường được gọi là tháng củ mật. Rất nhiều người dù đã khá nhiều tuổi, trải qua nhiều lần tháng Chạp rồi vẫn không biết tại sao lại có cách gọi này. Củ mật là củ gì, vì sao lại gắn với tháng cuối năm âm lịch, sao không gọi là tháng củ khoai, tháng củ cải, tháng củ sắn… là thắc mắc của không ít người.
Tháng củ mật nghĩa là gì?
Trên thực tế, “củ mật” không phải là loại củ nào cả. Đây là từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa xem xét, kiểm soát, như người xưa hay gọi là “củ soát”. Còn “mật” nghĩa là kín, khít, nghĩa là cẩn mật, không để lộ, để thất thoát.
“Củ mật”, hiểu đơn giản nghĩa là kiểm soát cẩn thận.
Vì sao tháng Chạp lại được gọi là tháng củ mật: Lý do chính là bởi cách gọi này là lời nhắc nhở lẫn nhau của người xưa rằng trong tháng cuối cùng của năm, cần hết sức thận trọng, cẩn tắc, tránh tối đa các sai sót.
Ngày xưa, đây là tháng rất dễ mất trộm, bởi mọi người bận rộn, mệt mỏi nên dễ lơ là. Tháng cuối năm cũng là tháng thu hoạch, ai buôn bán cũng thu tiền về, ai có tiền cho vay cũng đòi về, rồi mua bán sắm sửa mọi thứ đón Tết. Trong khi đó, bọn đạo tặc cũng tăng cường hoạt động để kiếm tiền tiêu ai không giữ gìn cẩn mật sẽ dễ trở thành nạn nhân của chúng.
Một yếu tố cần “củ mật” nữa chính là cẩn thận củi lửa. Tháng cuối năm tiệc tùng cỗ bàn nhiều, rồi say sưa lơ là, rất dễ sơ sểnh gây ra hỏa hoạn. Thời tiết hanh khô cũng góp phần khiến các đám cháy dễ bùng lên, nhà cửa của cải ra tro thế là mất tết.
Với người hiện đại, tháng Chạp càng có nhiều điều cần “củ mật”. Đây là tháng mà mọi người bận rộn điên cuồng, cực kỳ mệt mỏi nhưng vẫn tham gia vào rất nhiều bữa tiệc tất niên. Hệ quả của sự quá sức, kém tỉnh táo là tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm, là đột quỵ, chảy máu dạ dày… và nhiều tai họa khác.
Ngoài ý nghĩa nhắc nhở mọi người đề phòng trộm cắp, tháng củ mật còn có một số ý nghĩa khác như:
Đề phòng củi lửa: Tháng cuối năm thường có tiệc tất niên, cỗ bàn nhiều, chẳng may không cẩn thận sẽ gây hỏa hoạn. Do vậy, trong tháng này mọi người cần chú ý đề phòng củi lửa, tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Đề phòng đi lại, ngộ độc rượu bia, thực phẩm, chảy máu dạ dày, đột quỵ: Cuối năm tần suất tiệc tùng tất niên liên tục sẽ khiến chúng ta kém tỉnh táo và sức khỏe giảm sút dễ gây ra những điều đáng tiếc. Do vậy, trong tháng này mọi người cần chú ý đi lại cẩn thận, tránh xa rượu bia, thực phẩm bẩn,...
Không phải tự nhiên người xưa lại cảnh báo về "tháng củ mật" dễ mất mát tiền của, hay "tai bay vạ gió," hoặc hao người tốn của vì những lý do khác nhau để mọi người hết sức thận trọng, tránh mọi điều xui xẻo trước khi đón một cái Tết thật trọn vẹn, an vui. Chính vì thế, hãy thật cẩn trọng trong tháng 12 Âm lịch nhé!