Các mẹ ơi, biết gì chưa...?

10:54, Thứ ba 19/08/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Các mẹ ơi, biết gì chưa,"các mẹ ơi" đang trở thành "thần chú" của việc lan truyền thông tin trên mạng xã hội nước ta, các mẹ nên chuẩn bị tâm lý.

Không biết các mẹ đã bao giờ ngồi xem khỉ bắt chấy cho nhau hay chưa. Khỉ bắt chấy cho nhau rất tỉ mỉ – đến khi không còn con chấy nào trên lông đồng loại, chúng vẫn ngồi hàng tiếng đồng hồ để bới. Chúng không đề cao vệ sinh cá nhân đến mức đấy đâu các mẹ ạ, đấy là một tập quán để gây dựng nền tảng cộng đồng: các loài linh trưởng bắt chấy cho nhau như một hình thức giao lưu. Để gắn kết gia đình, kết thân đồng minh, xin lỗi sau một vụ gây gổ, các mẹ khỉ đều ngồi bắt chấy cho nhau.

Nhưng bắt chấy thì mất quá nhiều thời gian. Nhiều nhà khoa học tin rằng để nâng cấp hình thức “bắt chấy giao lưu” này, con người đã tạo ra một thứ mới: đấy là ngôn ngữ. Các mẹ thời ăn lông ở lỗ sẽ gắn kết cộng đồng bằng việc buôn chuyện, tán gẫu vớ vẩn trong lúc tay chân vẫn lao động – một lúc giao lưu được với nhiều người, rất tiện lợi. Nói cách khác, buôn chuyện chính là lý do để ngôn ngữ ra đời. Có cả một quyển sách mang tên “Bắt chấy, buôn chuyện và cuộc tiến hóa của ngôn ngữ” dựa trên một công trình của Đại học Havard.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các mẹ hẳn đã nghe đến một lý thuyết nói rằng con người ta chỉ duy trì tốt nhất 150 mối quan hệ. Trong SIM card đời đầu của các mẹ, danh bạ cũng chỉ có 150 số. Con số 150 này, được đề xuất trong thập kỷ 90, tính toán dựa trên khả năng não bộ của các mẹ phục vụ tốt nhất cho một nhu cầu: buôn chuyện. Có 150 người ngồi lê hớt lẻo với nhau là tối ưu nhất.

Tóm lại, buôn chuyện là nền tảng của xã hội. Tung tin đồn, bình phẩm, dèm pha, là bản chất của loài người. Nếu các mẹ có thói quen này, đừng mặc cảm.

Nhưng các mẹ hẳn đã được “buôn” về chuyện hôm trước có một mẹ lên facebook hô hoán lên rằng “virus Ebola đã về Hà Nội” rồi bị công an triệu tập. Buôn chuyện là thói quen của loài người đã đành, nhưng để nó tạo thành một cơn hoang mang của xã hội, khiến cho nhiều hơn 150 người hoảng sợ trong phút chốc, thì còn nhiều lý do khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tiên là Internet cho các mẹ một cơ chế để lây lan tin đồn rất nhanh, chuyện này hẳn các mẹ đã biết.

Nhưng còn một lý do quan trọng nữa, là các mẹ bây giờ không còn tin vào các kênh truyền thông chính thức – có trách nhiệm về thông tin nữa. Ví dụ như đợt dịch sởi, với sự giải thích chậm chạp của ngành Y tế, các mẹ đã ôm con hoảng sợ trong suốt bao lâu, bây giờ nếu có ai tung tin về một dịch bệnh trước cơ quan chức năng, thì các mẹ dễ dàng tin ngay, và chia sẻ.

Các mẹ cũng thiếu đi những kênh kiến thức chuyên môn về chăm sóc con cái, nội trợ. Không có lớp dạy nuôi con, sách báo thì hời hợt, các mẹ phải tìm đến nhau. Chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng đã đành, các mẹ thậm chí post cả ảnh triệu chứng lâm sàng của con lên các group trên facebook để nhờ các mẹ khác “chẩn bệnh” rồi “kê đơn”. Nghĩ cũng sợ độ liều của các mẹ thật cơ.

Các mẹ tất nhiên thiếu đi kiến thức tình dục và đời sống vợ chồng bởi nó nhiều khi là thứ “nhạy cảm” trên các phương tiện truyền thông. Các mẹ chia sẻ và tin nhau là chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các mẹ ơi, biết gì chưa – bây giờ là một câu thần chú để tạo ra sự tín nhiệm trên mạng xã hội. Mẹ gì - đấy mới tung tin về Ebola, cũng viết như thế. Nhưng các mẹ ơi, dù thiếu thông tin hay không tin được bác sỹ và các cơ quan chức năng, dù buôn chuyện là bản chất của các mẹ, thì cũng rất cần sự tỉnh táo khi “buôn”.

Nghĩ cũng tội cho các mẹ. Thời buổi khủng hoảng thông tin, nó khiến các mẹ phải bấu víu vào nhau đến cái mức... khôi hài như thế!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link