Theo báo Tuổi trẻ, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/8, khi đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng chưa bao giờ có nhiều văn bản gây bức xúc như bây giờ, có tình trạng ngồi trên trời mà ban hành pháp luật.
Các quy định 'trên trời' chỉ là phép thử dân |
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phản biện lại ý kiến của đại biểu: “Tôi xin phản biện lại ý kiến của đại biểu Lê Nam rằng có lẽ chưa bao giờ ý thức chấp hành luật pháp của cán bộ, công chức, của người dân có ý thức cao như bây giờ. Tôi lấy ví dụ như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã trở thành nếp sống. Còn chuyện thông tư gây bức xúc thì vừa qua có một số việc, ví dụ như bà mẹ VN anh hùng được ưu tiên điểm thi đại học, đó là ý tốt của Bộ Giáo dục - đào tạo, chỉ có điều nó không phù hợp lắm với những lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa. Quy định này sau đó đã bị hủy bỏ”.
“Còn chính sách trên trời thì tôi cũng xin phản biện lại, có những cái không hợp lý, nhưng có những cái, ví dụ như xử phạt nghe điện thoại ở cây xăng thì vừa rồi cháy cây xăng đấy, rất nguy hiểm. Chúng ta đưa ra một quy định mới thì ban đầu có thể chưa xử phạt hết được, nhưng dần dần nó sẽ điều chỉnh hành vi. Ví dụ tôi nghiện thuốc lá, nhưng tôi sang Singapore người ta xử phạt 1.000 USD thì tôi không bao giờ dám hút” - bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Từ đầu năm tới nay, dư duận cả nước xôn xao với nhiều quy định lạ đời của các cơ quan chức năng. Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Công an đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình theo đó phạt hành chính từ 1 đên 1,5 triệu đồng nếu chì chiết vợ, chồng, cấm các thành viên ra khỏi nhà... phạt nói tục, chửi bậy nơi công cộng... Trước hàng loạt các quy định đó, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận nó thiếu thực tế, dù chưa xử phạt được nhưng thực chất nó cũng giúp người dân sợ.
Cho đến thời điểm này, chưa biết người dân liệu có thực sự sợ quy định kia không. Nhưng khi cơ quan chức năng "thử" bằng các quy định pháp luật cũng khiến người dân hoang mang. Nhiều người cho rằng gia đình nào chả có lúc va chạm. Bát đĩa còn có lúc xô, huống chi con người, ấy vậy mà Bộ Công an còn đòi phạt. Nếu phạt như thế thì nhà nào cũng lo vì có ai là "gối tay nhau đến sáng" được đâu.
Có lẽ, như lời Bộ trưởng Cường nói thì quy định này chỉ mang tính chất thử lòng người dân xem người dân có phản ứng gì không. Tất nhiên là không xử được ai nhưng chí ít là người dân phản ứng dữ dội lắm. Đây là cơ hội để cơ quan chức năng biết được dân ta đang giàu hay nghèo. Không phải cứ nói đến túi tiền là người dân sẵn sàng tình nguyện đem nộp phạt dù biết đóng phí là yêu nước.
Một người nông dân cả năm mới có thu nhập 4 triệu đồng. Ấy vậy mà, chỉ lỡ miệng chì chiết chồng, chì chiết vợ cái là bị phạt cả tiền triệu, bằng ba, bốn tháng nai lưng ra làm thì sao dân mình không nhảy dựng lên được chứ. Giá như, quy định này thực tế hơn rằng nên giữ gìn hạnh phúc gia đình bằng các biện pháp khác mang tính chất động viên thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Quy định thì có mục đích tốt, nhưng tiếc rằng nó lại được thực hiện ở Việt Nam nên bị phản kháng là điều khó tránh khỏi. Dân mình nghèo lắm, mỗi lần cãi nhau mất cả 3, 4 tạ thóc ai lại không xót, không "ném gạch" lại quy định để họ bị phạt chứ.
Nói lại quy định "cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng khi đi thi đại học". Ý tưởng thì tốt nhưng thực tế thì hơi thiếu. Bộ Giáo dục - Đào tạo muốn người dân mình luôn nhớ đến truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy nhiên, phép thử này lại quá lệch pha với thực tiễn khi những người mẹ Việt Nam anh hùng của chúng ta đã mắt mờ, chân chậm. Ai còn đi thi đại học được nữa để nhân dân ta có dịp đền ơn đáp nghĩa.
Ngay như quy định về phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm rởm. Chỉ sau thông tin bị phạt, ào ào các hãng mũ bảo hiểm xịn có cơ hội đổi hàng với giá được giới thiệu mềm mà chẳng mềm tý nào. Trong khi một đất nước đi lại chủ yếu bằng xe máy và việc mua đi bán lại xe là chuyện cơm bữa. Vậy mà, chúng ta lại ra quy định về xe chính chủ. Một quy định ép bao người dân nghèo lao đao đi tìm chủ xe cũ để xin cái giấy chuyển chủ. Mọi quy định văn bản dường như chỉ muốn thử người dân xem có biết sợ hay không.