Chiều ngày 5/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo để thông tin về kết quả cuộc họp giữa Bộ và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vừa được tổ chức sáng nay, tại Hà Nội. Cuộc họp nhằm tìm giải pháp giải cứu các trường đang lâm vào cảnh khó khăn trong tuyển sinh.
[links()]
Trước đề nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một Bộ Giáo dục khẳng định, hiện tại không thể ghép hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một bởi tính chất thi khác nhau. Nếu bỏ một trong hai thì đề thi, công tác chấm thanh tra sẽ phải thay đổi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết một số trường đại học sẽ được sáp nhập để đảm bảo chất lượng và có thể tuyển sinh. Ảnh: VNE |
Hơn nữa, điều này cũng cần có bước chuẩn bị, nghiên cứu thận trọng. Ít nhất, đến năm 2015 vẫn sẽ thi ba chung và sự thay đổi chỉ ở khâu kỹ thuật để các trường thuận lợi, thí sinh có nhiều điều kiện học tập hơn.
Thứ trưởng Bộ GD Bùi Văn Ga cho biết, có thể sau năm 2015, khi chất lượng phổ thông và thi tốt nghiệp cải thiện, sách giáo khoa cũng đã đổi mới, một số trường mới có thể xét tuyển. Khi đó, thi đầu vào chỉ áp dụng các trường tốp trên và có thể thi nhiều môn.
Bộ Giáo dục đồng ý kiến nghị để các trường tự lên phương án tuyển sinh riêng rồi trình lên Bộ. Tuy nhiên, Bộ cũng nhắc nhở phương án cần thuyết phục, đảm bảo công bằng, không xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm, không phát sinh căng thẳng mới cho xã hội và phải để xã hội giám sát về chất lượng bởi điều quan trọng cuối cùng là chất lượng đầu ra.
Về việc dùng kết quả phổ thông để xét tuyển, Bộ lưu ý hiện nay đã cho các trường khối nghệ thuật thi 2 môn năng khiếu và cho phép xét tuyển 3 năm phổ thông môn Văn. “Mới chỉ thế thôi và làm trong phạm vi hẹp mà xã hội có nhiều ý kiến không thi mà xét dẫn tới chất lượng không tốt, chưa thực sự đồng tình.
Nếu xét tuyển nhiều môn, các trường ngoài công lập cần lường trước dư luận đánh giá chất lượng của thí sinh vào theo diện này. Bộ GDĐT khuyên Hiệp hội cân nhắc kỹ. "Hiện nay thi “3 chung” xã hội yên tâm chất lượng. Vấn đề cuối cùng là chất lượng đầu ra. Nếu xã hội không chấp nhận ảnh hướng uy tín các trường” - ông Ga phân tích.
Ông Ga cũng cảnh báo các trường ngoài công lập về nguy cơ mất uy tín nếu áp dụng các biện pháp tuyển sinh dễ dãi. “Bộ không phân biệt trường công, tư để đảm bảo quyền lợi người học. Nếu cho cơ chế tuyển sinh riêng sẽ có sự phân biệt của xã hội. Nếu dễ dãi các trường ngoài công lập chỉ giải quyết được khó khăn trong 1 vài năm. Nhưng nếu về sau xã hội không thừa nhận thì khó khăn còn trầm trọng hơn và có thể bế tắc” - ông Ga nói.
Trước mắt, Bộ GDĐT đề nghị hai khả năng hỗ trợ các trường ngoài công lập tuyển sinh trong năm nay. Thứ nhất là các trường ngoài công lập phải gấp rút xây dựng phương án tuyển sinh riêng để Bộ xem xét, nếu đề án tốt Bộ sẽ phê duyệt ngay trong năm nay. Về phía Bộ, sẽ xây dựng điểm sàn làm sao các trường đủ nguồn tuyển.
Lê Nguyên (Tổng hợp)