Ảnh minh họa |
Miếng dán màn hình - những điều cần biết
Về cơ bản, miếng dán màn hình là một tấm nhựa trong suốt (ít nhiều chịu được độ xước) và được cắt theo tỉ lệ để phù hợp với màn hình và các lỗ phím bấm, loa,… Hiện hầu hết các tấm dán này đều được cắt sẵn theo từng dòng máy nhằm thuận lợi cho việc dán nhanh chóng.
Việc dán màn hình khá đơn giản. Ở một số cơ sở dán màn hình hay thậm chí là vỉa hè, cách thức của nó đều là làm sạch màn hình điện thoại bằng tấm vải nhỏ, có thể thêm xà phòng để tăng độ sạch. Tiếp đó, người dán đặt miếng dán vào đúng tỉ lệ và dùng một vật xốp cứng “quét ngang” nhằm giảm thiểu “bong bóng” dưới mặt bảo vệ. Còn với những màn hình không có miếng dán chuyên dụng cắt sẵn, người ta cũng dán miếng tương tự nhưng sẽ dùng dao lam để cắt các lỗ như loa, các khe nối, cổng jack cắm,….
Cuối cùng, điện thoại của chúng ta sẽ được “bảo vệ”, ít nhất là ở mặt suy nghĩ và khi có vật cứng chạm vào, tấm dán màn hình sẽ “chịu” điều này.
Nhược điểm của miếng dán màn hình
Làm giảm độ nhạy cảm ứng, đó là nhược điểm đầu tiên mà miếng dán màn hình gây ra. Với việc cộng thêm một lớp tiếp xúc, chắc chắn khả năng chạm, lướt cũng sẽ giảm đi đáng kể, đặc biệt là các loại miếng dán chất lượng kém hoặc dán đã khá lâu.
Bên cạnh đó, miếng dán nhiều khi còn giảm sự tương phản màn hình, từ đó màu sắc hay ánh sáng đi qua không được đẹp như khi không dán. Ngoài ra, những vết bong, tróc,… khi sử dụng một thời gian cũng là điều khá phiền hà.
Vậy ta cần miếng dán màn hình khi nào?
Kẻ thù của kính Gorilla Glass là gì? Đó chính là cát. Nếu bạn thường xuyên đi tắm biển hoặc du lịch biển thì lời khuyên được đưa ra là: không nên mang smartphone theo nếu muốn màn hình điện thoại có những vết chợt vẹt.
Cùng với cát, đá dăm cũng là thủ phạm gây “thương tích” cho kính Gorilla Glass. Những vật liệu như thủy tinh, kim loại quý, kim cương,… cũng có thể làm xước rất lớn, do đó người dùng cần cẩn thận với nó và lúc này, miếng dán màn hình sẽ là “cứu cánh”.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, tuy tiền xu, chìa khóa không gây trầy xước ngay nhưng nếu tiếp xúc nhiều, theo thời gian cũng sẽ có các vết xước nhỏ. Và tốt nhất, bạn nên “phòng” bằng miếng dán màn hình nếu muốn nhưng không muốn thì cũng không sao, trừ khi bạn bỏ smartphone vào túi chung với…kim cương hay với cát.
Ngoài những miếng dán màn hình bằng nhựa thông thường, hiện nay trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều tấm dán màn hình bằng kính. Cũng giống như bao công nghệ khác, chúng đều có ưu và nhược điểm riêng.
Kính dán cường lực thương hiệu GGS dành cho iPhone tại một shop online. |
Tấm dán màn hình smartphone bằng nhựa hay kính tốt hơn?
Sự khác nhau giữa miếng dán màn hình bằng nhựa và kính
Phân biệt: Sự khác biệt lớn nhất giữa miếng dán nhựa và kính nằm ở độ dày. Trong khi miếng dán nhựa chỉ có độ dày khoảng 0,1 mm thì kính dán màn hình có độ dày lên tới 0,2 đến 0,5 mm tùy loại. Đây là điểm khác biệt đáng chú ý, nhất là trên những thiết bị như iPhone 5, iPhone 5s hay HTC One. Hãy tưởng tượng miếng dán bằng kính sẽ làm tăng độ dày màn hình lên một khoảng nhất định. Và trên iPhone, điều đó đồng nghĩa với việc nút Home sẽ sâu hơn đáng kể. Dù khoảng cách 0,5 mm là rất nhỏ, nhưng ta vẫn cảm thấy sự khác biệt.
Giá cả: Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, giá cả mặt hàng miếng dán nhựa hay miếng dá kính khá đa dạng. Tuy nhiên, nhìn chung miếng dán màn hình bằng nhựa thường có giá rẻ hơn so với tấm dán bằng kính. Tùy thuộc vào chất lượng và xuất xứ mà miếng dán màn hình bằng nhựa có giá trong khoảng 20.000 đồng đến 120.000 đồng. Trong khi đó, giá của miếng dán bằng kính lại vào khoảng 90.000 đồng đến 500.000 đồng. Sự khác nhau về giá này phản ảnh chất lượng của miếng dán nhựa hoặc kính cùng với các công nghệ đi kèm (ví dụ như lớp phủ chống vân tay,… ).
Độ cứng: Hầu hết miếng dán bằng kính đều có độ cứng tốt hơn miếng dán nhựa. Miếng dán nhựa, đặc biệt là các mẫu giá rẻ, rất dễ bị trầy xước. Ngược lại, miếng dán bằng kính có khả năng bảo vệ tốt hơn khá nhiều.
Cảm giác: Rất nhiều mẫu smartphone hiện nay được nhà sản xuất trang bị sẵn một lớp kính cường lực Gorilla Glass hoặc kính chống xước nói chung. Nếu bạn sử dụng miếng dán nhựa, nó cho cảm giác rất khác so với màn hình điện thoại, đặc biệt là độ mượt khi các ngón tay chạm tới màn hình. Với miếng dán bằng kính, cảm giác chạm sẽ giống với màn hình điện thoại hơn.
Cách dán: Việc dán miếng nhựa hay kính cường lực đều tương đối giống nhau. Dịch vụ dán màn hình ở Việt Nam đang rất phổ biến, người mua chỉ việc bỏ tiền và trong đó hầu hết đã bao gồm cả công dán. Đối với những người muốn tự chăm chút cho chiếc dế yêu của mình, công việc dán màn hình cũng không quá khó khăn. Điểm nên chú ý là hãy vệ sinh sạch sẽ màn hình trước khi thao tác.
Chọn mua miếng dán bằng kính
Với một thị trường "thượng vàng hạ cám" như ở Việt Nam, việc chọn tấm dán bằng kính gây ra nhiều băn khoăn. Hầu hết người dùng đều "phó mặc" cho các cửa hàng hoặc nghe theo các quảng cáo từ họ. Tuy nhiên, khi chọn mua tấm dán bằng kính, bạn nên chú ý hai điểm sau. Đầu tiên, lớp phủ và chất lượng kính có tốt hay không? Hãy loại ngay những miếng dán không đủ độ "trong" vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm của bạn.
Ngoài ra, một miếng dán để lại quá nhiều dấu vân tay cũng không phải một miếng dán tốt. Thứ hai là các vấn đề về cảm ứng đa điểm. Miếng dán chất lượng kém sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu khi chơi game hoặc các công việc sử dụng nhiều hơn hai ngón tay trên màn hình.
Ngoài ra, tại Việt Nam cũng có một số thương hiệu cung cấp miếng dán bằng kính được bày bán nhiều trong các cửa hàng như: GGS, Nillkin,… Những mẫu này thường có mức giá trong khoảng 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Đặc biệt, một số thương hiệu cao cấp như Zagg InvisibleShield, Spigen Glas.t, Armorz Stealth Extreme R được xách tay từ nước ngoài và có giá bán khá cao, thường trên 500.000 đồng. Những thương hiệu này cho chúng ta cảm giác yên tâm và chất lượng tuyệt vời nhưng đổi lại việc tìm mua khá khó khăn và giá cả không hề rẻ.
Tóm lại, hầu hết mọi người đều sẽ "hài lòng" dù đó là miếng dán nhựa hay kính. Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng. Hãy chú ý mua đúng loại dành cho thiết bị của mình, nó sẽ vừa vặn và đẹp hơn rất nhiều. Thêm nữa, việc không chú ý đến chất lượng có thể là một sai lầm, vì đôi khi nó ra gây những khó khăn mà bạn không hề hay biết.