Không ít người có thói quen hâm nóng phần cơm nguội còn thừa để ăn vào các bữa tiếp theo trong ngày. Thế nhưng nếu không được làm nóng đúng cách, phần cơm nguội của bạn có thể mất đi hương vị và có thể xuất hiện những vấn đề không tốt cho sức khỏe. Đây chính là các cách hâm nóng cơm nguội đơn giản và tiện dụng mà ai cũng nên biết.
Hâm cơm nguội bằng lò vi sóng
Nếu chỉ cần một lượng nhỏ cơm và không có nhiều thời gian, bạn có thể sử dụng lò vi sóng để hâm nóng cơm nguội. Sau khi cho cơm vào bát hoặc các hộp đựng chuyên dụng, bạn có thể thêm vào một chút nước rồi dùng màng bọc thử phẩm bọc lại.
Cho bát cơm này vào lò vi sóng, ấn nút hoạt động của lò và chờ khoảng vài phút là có ngay một bát cơm nóng hổi. Nếu thấy cơm vẫn chưa đủ nóng, bạn có thể hâm tiếp khoảng 30 giây cho cơm chín mềm và giữ được độ ẩm.
Hâm cơm nguội bằng nồi hấp
Không phải ai cũng biết rằng một trong những cách giúp cơm nguội nóng đều và giữ trọn hương vị chính là sử dụng nồi hấp. Khi nước trong nồi hấp đã được đun sôi, bạn có thể cho cơm nguội vào khay, đậy nắp kín và hấp trong khoảng 10 phút là được. Để bát cơm ngon và hấp dẫn hơn, bạn có thể hấp cùng lá dứa hoặc rưới thêm một chút dầu mè.
Hâm cơm nguội bằng nồi cơm điện
Không chỉ là món đồ gia dụng dùng để nấu cơm, bạn có thể dễ dàng sử dụng nồi cơm điện để hâm cơm nguội. Đầu tiên, khi cho cơm nguội vào nồi, bạn nên trải đều để cơm nóng nhanh, đều hơn. Tiếp đó, rưới thêm nước lọc để tạo độ ẩm và giúp cơm mềm hơn. Tùy vào sở thích ăn cơm khô hay cơm nhão, bạn có thể điều chỉnh lượng nước vừa đủ.
Sau đó, bật nút “Cook" của nồi cơm điện và chờ khoảng 5 đến 10 phút là được. Bạn không nên để cơm ở chế độ “Warm" (giữ ấm) quá lâu để tránh làm cơm khô, kém ngon.
Hâm cơm nguội khi đang nấu cơm mới
Rất nhiều người có thói quen hấp cơm nguội khi đang nấu cơm nóng. Khi thấy cơm mới nấu vừa chín tới, bạn có thể dùng thìa xúc cơm sang một bên rồi thêm cơm nguội cần hấp vào góc nồi. Không nên đảo lẫn hai phần cơm này mà cần chờ đến khi cơm nguội nóng rồi mới xới cùng nhau.
Lưu ý khi hâm cơm nguội
- Trong trường hợp không ăn hết phần cơm nấu trong một bữa, bạn có thể xúc cơm nguội và chia nhỏ vào các hộp đựng thực phẩm. Chờ đến khi cơm nguội thì đậy nắp lại và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Bạn nên ăn hết cơm trong vòng 1 ngày sau khi nấu và không nên để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ đồng hồ.
- Chỉ nên hâm nóng cơm nguội một lần sau khi nấu vì việc hâm nóng cơm nhiều lần sẽ làm giảm hương vị, chất lượng của thực phẩm và đôi khi có thể tăng nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng.
- Trong quá trình hâm cơm nguội, bạn nên để nhiệt độ ít nhất 74 độ C để có thể tiêu diệt hết vi khuẩn có hại.
- Khi quay cơm nguội trong lò vi sóng, bạn nên đậy kín bằng khăn ẩm hoặc màng bọc thực phẩm để cơm mềm, ngon hơn.