“Nữ nhi kinh” là một trong những cuốn sách làm tư liệu giúp dạy con gái được viết vào thời nhà Minh, tác giả hiện vẫn chưa tra cứu được.
Khi đi sâu đọc kĩ tôi mới thấy kinh ngạc, mấy trăm năm trước vào thời Trung Quốc cổ xưa, việc giáo dục đối với nữ giới đã tỉ mỉ và hệ thống đến như thế.
Nếu như mỗi người con gái đều có thể dựa theo yêu cầu được viết trong tác phẩm kinh điển "Nữ nhi kinh" để trở thành người con gái tốt, người phụ nữ tốt, người mẹ tốt, kế thừa và tiếp tục truyền lại những phẩm chất đạo đức tốt đẹp theo văn hoá truyền thống Trung Hoa, thì những đức tính dịu dàng, hiền lành, tốt bụng, thiện lương được nuôi dưỡng, hun đúc trong văn hoá truyền thống Trung Hoa ấy sẽ tốt đẹp biết bao!.
Để dạy con gái trờ thành người thiện lương hiền thục, ôn nhu dịu dàng, người xưa có một bộ quy tắc riêng. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số nội dung cơ bản trong "Nữ nhi kinh" về nuôi dạy con gái:
Yêu cầu đối với bản thân
Trong “Nữ nhi kinh” viết: “Yêu cầu đầu tiên đối với nữ nhi chính là cần phải dậy sớm, ra khỏi phòng, đun nước pha trà mời cha mẹ, chào hỏi cha mẹ. Sau đó là rửa mặt chải đầu sạch sẽ, học may vá, không được lười biếng bê trễ”.
Về cách ứng xử, “Nữ nhi kinh” viết: “Cha mẹ trách mắng thì không nên cãi lại. Anh chị dạy bảo thì nghe, không nên thường xuyên tranh cãi trách móc. Việc lửa đèn phải cẩn thận. Mặc quần áo thì mặc đồ cũ mà cần trông như mới”. Những lời này mang ý tứ dạy bảo nữ nhi cần phải giản dị, tiết kiệm và ôn nhu, dịu dàng.
Đối với hành vi cử chỉ của bản thân, người con gái cần phải: “Coi việc tu dưỡng bản thân thận trọng dè dặt giống như đang đứng trên băng mỏng”. “Khi đứng hay ngồi đều phải đoan chính, ngay ngắn, cử chỉ nhẹ nhàng”.
Cho dù là đối với một cô gái khi còn ở nhà với cha mẹ hay một người phụ nữ đã xuất giá thì yêu cầu khi nằm, ngồi, đứng đều phải nhẹ nhàng, đoan chính, chậm rãi, ngay ngắn.
Đối với một cô gái có tính cách hướng ngoại, thích sự sôi nổi thì cần phải nhắc nhở bản thân “Mười lệch chín sai cũng chỉ vì kích động, bối rối”. Nhanh nhẹn không có nghĩa là phải động tay động chân một cách hấp tấp vội vàng, càng không phải là ăn to nói lớn, thô lỗ.
Trong cuộc sống hàng ngày, mọi lời nói và hành động của một người con gái cần phải phù hợp, bình tĩnh và cân nhắc nhất có thể.
Đối với chồng
Về cách đối đãi vợ chồng, “Nữ nhi kinh” viết rằng: “Kính nhau như khách, giúp đỡ nhau như bạn, chớ chòng ghẹo giỡn đùa, sẽ làm vợ chồng xấu mặt”.
Người vợ kính yêu người chồng, người chồng quý trọng người vợ, đôi bên cùng tôn kính lẫn nhau như đối với khách. Vợ chồng còn phải giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu lẫn nhau chân thành như những người bạn. Giữa vợ chồng dù là tình cảm mặn nồng cũng không nên thể hiện những hành động xuề xòa, suồng sã phóng túng, tránh thất lễ.
Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn bất đồng, tranh cãi vì những chuyện vụn vặt đời thường. Hơn nữa, năm tháng trôi qua, tình cảm nồng nàn thuở ban đầu cũng sẽ phai nhạt dần, giữa hai người dường như chỉ còn quan tâm đến những điều thực tế. Lúc này, vợ chồng càng cần phải biết thông cảm cho nhau, cần đặt chữ “Nhẫn” lên đầu. “Vợ chồng trăm năm chung sống, ngày ngày gặp nhau, giữ được chữ nhẫn thì sẽ không bị mất đi thể diện, tổn thương hòa khí”.
Trong “Nữ nhi kinh” còn dạy: “Vợ chồng đã là người một nhà thì phải một lòng một dạ. Nếu như không thành tâm với nhau, bên ngoài hợp mà trong lòng lại cách xa, trên bề mặt là hòa thuận nhưng sau lưng lại có tâm ý khác, tính toán khác thì sẽ gây hại cho gia đình, hủy hoại chính mình”.
Đối với con cái
Trước tiên cha mẹ phải chú trọng tu dưỡng bản thân, trở thành tấm gương tốt cho con cái học tập.
Mỗi lời nói, hành động của cha mẹ đều cần phải được chú ý vì chúng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ sau này. Đặc biệt là người mẹ thời xưa. Phụ nữ thời xưa chủ quản việc nội trợ gia đình, giúp chồng dạy con nên đức hạnh của họ càng được coi trọng hàng đầu.
Trong “Nữ nhi kinh” viết: “Khi con mình xảy ra xung đột với con người khác thì trước tiên cần phải dạy bảo con mình. Không quản ai sai ai đúng, đều cần phải khiêm tốn nhường nhịn đối đãi với người”.
Nữ nhân sau khi kết hôn, không thể lơ là, xem nhẹ tương lai, tiền đồ của con cái. “Nếu có con cái thì người làm mẹ cần phải dốc lòng, không thể lơ là việc dưỡng dục. Cho dù là cuộc sống khó khăn vất vả thế nào đi nữa, cũng phải để con được học hành, cố gắng dạy dỗ con thành người tốt, kế thừa sự nghiệp của tổ tông.”