Trải qua những quá trình thay đổi về thể chất và tinh thần, những đứa trẻ từ 2 -4 tuổi bước vào thời kỳ tiếp nhận những thông tin xung quanh để hình thành tính cách. Vì vậy, trong thời gian này bố mẹ cần có sự quan sát để có những điều chỉnh trong phương pháp giáo dục để giúp bé hình thành những đức tính tốt.
Một trong những vấn đề thường xuất hiện ở những trẻ ở độ tuổi này là thói ăn vạ. Bé thường gào khóc và đòi hỏi những thứ bé muốn. Đây là những biểu hiện mà bố mẹ nên chú ý để có cách trị thói ăn vạ ở trẻ. Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia giúp bố mẹ giải quyết vấn đề này.
Đừng thể hiện sự quan tâm khi bé ăn vạ
Khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ thường cố gắng dỗ dành, giải thích, răn đe ngay lập tức. Mọi phản ứng lúc đó đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục.
Hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động của bé. Tốt nhất bạn nên để mặc con khóc, không dỗ dành, không quát mắng. Con trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó cha mẹ hãy bày ra trò chơi để đánh lạc hướng và “quên” mất là mình đang ăn vạ
Không nhượng bộ khi con ăn vạ
Nhiều bậc cha mẹ áp dụng các cách để dạy con, nhưng lại dễ dàng bị mủi lòng khi cơn ăn vạ của con lên đến đỉnh điểm như trẻ nằm lăn ra, khóc khản cả cổ. Khuất phục trước con khiến việc dạy của bạn trở nên khó khăn cho sau này. Hãy cứng rắn trước con để trẻ thấy rằng việc làm của trẻ chẳng có tác dụng gì cả.
Hãy giải thích về vấn đề khi bé bình tĩnh
Làm ngơ lúc bé mè nheo, ăn vạ không có nghĩa là bố mẹ bỏ qua thói xấu này của trẻ. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, cha mẹ hãy ngồi nói chuyện để giải thích với bé rằng như vậy là không tốt, không được mọi người yêu. Đồng thời gợi ý cho bé những cách đòi hỏi lịch sự như đưa ra yêu cầu một cách rõ ràng, thuyết phục mọi người nghe theo và không được ăn vạ khi không được đáp ứng