Thang máy đang được xem là phương tiện không thể thiếu trong các ngôi nhà cao tầng. Dù đảm bảo an toàn nhưng lỗi kỹ thuật cũng có thể ra bất cứ lúc nào…
Lỗi kỹ thuật do cắt xen mạch an toàn
Vừa qua, một nhân viên bảo vệ ở Cầu Giấy - Hà Nội đã bị tử vong vì sự cố thang máy. Thang máy bị hỏng mà nhân viên này vẫn bước vào nên đột ngột bị rơi xuống. Sự cố bất thường khiến nhân viên bảo vệ tử vong ngay tại chỗ… Tại một công trường xây dựng ở Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội, thang máy chở 2 công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hai công nhân bị thương nặng do thang rơi thẳng xuống đất.
Thang máy đang được xem là phương tiện không thể thiếu trong các ngôi nhà cao tầng. |
Theo KS Trịnh Mạnh Hân, khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, thang máy được giám sát bởi một hệ thống mạch xử lý sẵn nên được xem là có độ an toàn cao. Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó, trong quá trình lắp đặt tổ công nhân có thể cắt xén một số mạch giám sát an toàn của hệ thống thang máy hoặc hệ thống bị lỗi dẫn đến các sự cố đáng tiếc.
Lỗi cơ bản nhất có thể gặp chủ yếu do bớt xén mạch giám sát an toàn ở cửa và cabin (thùng thang máy) khiến cửa chưa đóng kín lại nhưng thang đã chạy. Điều này khiến cho người sử dụng có thể gặp nguy hiểm như kẹt giữa cửa và bị đẩy đi.
Trường hợp thứ hai hay gặp nhất là cửa không mở và két lại giữa các bậc tầng. Thông thường, cầu thang máy sẽ nối với hệ thống điện, khi mất điện thang máy cũng bị ảnh hưởng. Trừ các thang máy hiện đại có hệ thống cấp điện dự trữ thì các cầu thang máy khác sẽ ngừng, vì thế cần được cấp điện dự phòng. Nguyên nhân thứ hai trong sự cố này là lỗi do hệ thống điều khiển. Vì thế, khi gặp trường hợp này cần có nhân viên kỹ thuật điều chỉnh lại.
Cũng theo chuyên gia này, trong các sự cố thì sự cố đứt dây cáp khó xảy ra nhất. Bởi để treo một cabin cần có từ 4 – 8 dây cáp. Ngoài ra, cầu thang máy còn có hệ thống phanh khẩn cấp, nếu cabin rơi xuống với tốc độ cao sẽ bị phanh lại. Ngoại trừ, cầu thang này bị “cắt xén” kỹ thuật quá nhiều và kém chất lượng.
Cách xử lý thang máy gặp sự cố
1. Giữ bình tĩnh
Hãy dừng lại một phút để giữ bình tĩnh. Hãy nhớ rằng có rất ít trường hợp có người chết khi bị nhốt trong thang máy và gần như chúng ta có thể thoát khỏi một cái thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước tí nào. Nếu như bạn quá sợ hãi, hãy cố gắng loại khỏi đầu những sự suy diễn và lo lắng không đáng có.
Giữ bình tĩnh để có thể sống sót. Trường hợp thường gặp nhất là chúng ta phải đợi cho tới khi thang máy bắt đầu hoạt động trở lại.
2. Thử ngay nút mở cửa
Khi thanh máy dừng lại, hãy thử bấm nút mở cửa. |
Khi thanh máy dừng lại, không cần thiết phải bấm loạn xạ các nút đến các tầng khác để xem nó có di chuyển tiếp hay không. Thay vào đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Nếu thang máy vẫn không có phản ứng thì hãy kêu cứu ngay lúc đó.
3. Sử dụng điện thoại khẩn cấp bên trong thang máy
Điện thoại có thể giúp bạn liên lạc với những kỹ thuật viên bảo trì thang máy và họ sẽ đến để giúp bạn. Nếu điện thoại khẩn cấp của thang máy không hoạt động vì một lý do gì đó, hãy sử dụng điện thoại di động của bạn hay của một ai đó để gọi đến các số điện thoại khẩn cấp. Nếu không có tác dụng, hãy gây sự chú ý cho những người bên ngoài bằng cách đập vào cửa thang máy và la to rằng bạn đang bị nhốt bên trong.
4. Thư giãn để quên đi nỗi sợ hãi
Nếu đã thử tất cả các cách trên để kêu cứu với những người ở bên ngoài kể cả những kỹ thuật viên và các số điện thoại khẩn cấp mà không có hiệu quả, bạn có thể sẽ bị nhốt trong thang máy một lúc để được cứu. Hầu như ai cũng sẽ lo lắng, đặc biệt là khi ở trong thang máy một mình.
Bạn có thể vượt qua khoảng thời gian tồi tệ đó bằng cách viết, đọc cái gì đó, hát, chơi game trên điện thoại di động hoặc làm bất cứ thứ gì để giữ bình tĩnh chờ đợi cứu viện đến.