Ảnh minh họa |
Thực hiện theo các yêu cầu từ Ủy Ban Châu Âu, gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ cho biết gian hàng Google Play sẽ không sử dụng từ “Miễn phí” với các ứng dụng có chức năng “bán hàng trong ứng dụng - in-app purchases”. Trong khi đó, Apple bị nhắc nhở vì chưa nghiêm túc trong việc ngăn chặn vấn nạn “lừa” người dùng.
Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng khen ngợi Google nhưng đặc biệt chỉ trích Apple vì không quyết liệt trong việc ngăn chặn vấn nạn “mua bán trong ứng dụng” khiến nhiều trẻ em vô tình làm tiêu tốn của bố mẹ rất nhiều tiền mà không hề hay biết.
Google đã tuân theo yêu cầu của EC bằng cách không sử dụng từ “Miễn phí - Free” đối với những ứng dụng, trò chơi có tính năng “mua hàng trong ứng dụng”. Gã khổng lồ Internet Mỹ cũng cho biết hãng sẽ thay đổi thiết lập mặc định để yêu cầu người dùng phải nhập lệnh cho phép mới được mua bán vật phẩm trong game.
Theo thông báo từ EC, Google sẽ bắt đầu điều chỉnh cài đặt trên từ tháng 9 tới.
EC tỏ ra bất bình với Apple. Thông báo của Liên minh châu Âu cho biết Apple hiện vẫn chưa có những biện pháp tức thời và cứng rắn nhất về vấn nạn này. Tuy nhiên, “Quả táo” khẳng định sẽ thực hiện một số phương pháp bảo vệ người dùng trong thời gian tới trong nền tảng iOS 8 sẽ được phát hành trong tháng 8 tới.
Theo đó, iOS 8 sẽ có thêm tính năng “Ask To Buy”, sẽ giúp các bậc phụ huynh kiểm soát chặt chẽ hơn về những vật dụng nào con trẻ có thể mua. Ngoài ra, Apple cũng đang cố gắng để “đánh dấu rõ ràng” để người dùng nhận diện những ứng dụng có tính năng mua bán sau khi được tải miễn phí. Ngoài ra, “Quả táo” đang tạo ra một khu vực dành cho trẻ trên gian hàng App Store.
Cũng nằm trong “tầm ngắm” của FTC, tuy nhiên hãng thương mại điện tử Amazon hồi đầu tháng 7 cho biết sẽ đối đầu với tổ chức trên về các cáo buộc và lệnh nộp phạt về hoạt động mua bán trong ứng dụng.
Vấn nạn mua hàng trong ứng dụng mà không được sự cho phép của chủ nhân đã khiến không ít người “khóc dở mếu dở” khi con cái của họ dùng thiết bị mà nhấn vào nút “mua” trong các trò chơi được tải về miễn phí. Hồi tháng 1, Apple đã phải dàn xếp một vụ kiện với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, và hứa sẽ trả 32,5 triệu USD cho những khách hàng bị “mất tiền oan”. Apple buộc phải thay đổi phương thức thanh toán để đảm bảo việc mua bán phải được chủ tài khoản đồng ý.