Cận tết hành nghề tẩm quất, cafe "mờ", cắt tóc gội đầu...

07:28, Thứ sáu 30/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Con Thủy (chị mà Hằng nói là quen biết) làm đó gần 10 năm rồi, có chồng con gì đâu, toàn ngữ ca ve hết.

(Phunutoday)- Lương công nhân thấp nên hàng ngày Hằng lại tranh thủ đi bán thêm nước trà đá, cafe nhưng bán trà đá như Hằng nói ai cũng hiểu cô bán thêm cái gì.

[links()]

Bán trà đá + cafe + tẩm quất

Làm công nhân cho một nhà máy may trên quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng từ lâu công việc bấp bênh lương từ tháng 9, tháng 10 còn chưa có nên chẳng ai dám mơ có cái Tết đàng hoàng. Làm công nhân đã nghèo nhưng công nhân ngành dệt may như Hằng càng nghèo hơn.

Chỉ học hết cấp II, Hằng (Thanh Ba, Phú Thọ) đã theo đám bạn lên Hà Nội kiếm việc làm. Thời gian đầu Hằng làm công nhân cho một nhà máy gạch bên Gia Lâm, Hà Nội nhưng công việc quá vất vả mà lương chưa được 50 nghìn đồng một ngày nên Hằng chuyển qua làm công nhân may từ tháng 8 năm 2010.

Tết năm ngoái Hằng còn được nhận tiền lương về ăn Tết nhưng Tết năm nay còn "cõng" thêm lời hứa với gia đình Tết này về sẽ mua tủ lạnh và sắm cho bố mẹ cái Tết tươm tất. Hằng lên danh sách những thứ phải mua. Cô đau đầu nghĩ kiếm đâu ra số tiền 5 triệu đồng. Nếu lấy được lương thì còn có thể mua đồ nhưng cứ đà này lương 1 tháng cũng khó mà có được.

Những quán tẩm quất gần bến xe Giáp Bát là những điểm làm thêm của nhiều công nhân khu vực Hoàng Mai
Những quán tẩm quất gần bến xe Giáp Bát là những điểm làm thêm của nhiều công nhân khu vực Hoàng Mai

Người chị quen của Hằng bán nước tại một cửa hàng cafe, trà đá kiêm luôn cả tẩm quất gần bến xa Giáp Bát. Hằng nghe bà chị nói công việc chỉ bận từ hơn 7h  tối trở đi còn ban ngày vắng khách nên cũng không cần phải làm. Lương mỗi tối là 70 nghìn đồng. Công việc chính là pha cafe và gọi giúp đồ ăn từ các cửa hàng khác cho khách.

Địa điểm này khách chủ yếu là những lái xe tải, xe khách đường dài nên nhu cầu ăn uống, giải trí của họ cũng không quá cầu kỳ và rất phóng khoáng. Nếu thoải mái có khi khách còn cho tiền ăn tối, uống nước, còn muốn bồ bịch gì với khách thì tùy mỗi người có muốn kiếm thêm tiền hay không?

Vậy là, cứ 7h sáng Hằng đạp xe đạp đến xưởng may. Khi kết thúc công việc ở xưởng may thì Hằng lại đạp xe về thẳng quán của bà chị quen. "Em chẳng muốn làm những công việc này đâu nhưng bí tiền quá nên phải làm. Mỗi tối làm 4 tiếng đồng hồ cũng kiếm thêm được ít, ở nhà bố mẹ mình có làm cũng không nổi 10 nghìn đồng/ngày. Mình chỉ cố gắng làm từ nay đến Tết rồi ra Tết đi học nghề cắt tóc, gội đầu cho đỡ vất vả hơn" - Hằng chia sẻ.

Hầu như ai cũng biết công việc chính của Hằng phải làm ở cái quán cafe và trà đá cộng thêm tẩm quất để kiếm mỗi tối vài chục nghìn đồng. Cánh lái xe đường dài nhất là dân Đồng Nai, Bình Dương thoáng tính lắm, thi thoảng họ vẫn bo tiền cho Hằng vì phục vụ tốt. Hằng không dám khoe số tiền bo của Hằng mà chỉ khoe doanh thu của bà chị làm cùng mỗi tối khoảng 4 trăm nghìn đồng.

Những người làm gần khu vực quán của Hằng đều cảm thấy thương cho cô bé công nhân đạp xe đạp đi làm thêm buổi tối. Bác Quảng cũng bán trà đá gần quán của Hằng than trách: "Nó vẫn chạy ra đây lấy trà đá về cho khách trong quán, khổ thân, giáp Tết rồi cố lo cái Tết mà phải bán mặt vào cái xó đó, chẳng tử tế gì đâu. Con Thủy (chị mà Hằng nói là quen biết) làm đó gần 10 năm rồi, có chồng con gì đâu, toàn ngữ ca ve hết".

Tranh thủ làm đêm tại quán cắt tóc, gội đầu

Còn trường hợp của chị Phạm Thị Ngát (quê Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng không khá hơn của Hằng. Chị Ngát làm osin cho một gia đình tại Đội Cấn, Hà Nội nhưng buổi tối chị Ngát  vẫn tranh thủ ra quán bún ốc gần đó để khêu ốc thuê cho chủ quán với mức giá 5 nghìn đồng/kg ốc luộc. Mỗi tối chị Ngát ngồi đau cả lưng cũng chỉ khêu được khoảng 3 kg ốc. Nhiều khi muốn khêu ốc cũng không có ốc cho khêu vì người đi khêu thuê giống như chị rất đông.

Con ngõ sâu hun hút nơi dẫn vào quán cà phê tổng hợp mà Hằng làm thêm
Con ngõ sâu hun hút nơi dẫn vào quán cafe tổng hợp mà Hằng làm thêm

Chán cảnh khêu ốc, chị Ngát xin làm nửa thời gian ở nhà chủ còn lại đi tranh thủ đi làm ở quán cắt tóc, gội đầu. Tính ra, lương osin 1,5 triệu và cộng thêm khoản tiền làm từ quán cắt tóc, chị cũng chỉ có khoảng 2,5 tiền lương trong tháng cuối năm. Công việc ở quán cắt tóc của chị là gội đầu cho khách. Chị đã từng học nghề này nên cũng biết làm hài lòng khách. Nhưng chị phải chịu sự dè bửi của những người làm cùng vì chị hay tham làm nhiều. Nhiều người còn ác miệng giới thiệu chị cho một nhà nghỉ bên cạnh.

"Mang tiếng làm trên phố về mà không có nhiều tiền người ta cười cho, nên dù có vất vả cũng phải cố gắng kiếm tiền để ra dáng ở thành phố về quê ăn Tết" - chị Ngát nói.

Tâm lý muốn ra oai vì từ thành phố về quê ăn Tết đã khiến không ít công nhân, người có thu nhập thấp phải cố bán sức lao động, bán lòng tự trọng của mình để có cái Tết tươm tất "hơn người".

  • Ngọc Vy
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc