Hà Nội: Cứ 10 ngày thì có 9 ngày ô nhiễm không khí
Đó là điểm đáng chú ý trong báo cáo chất lượng không khí quý I/2018 do Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) công bố mới đây.
Theo đó, người dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam được nhận định bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khu vực có mức ô nhiễm không khí cao nhất là phía Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á. Theo hướng dẫn của WHO, Hà Nội có đến 91% số ngày có nồng độ bụi PM2.5 vượt chuẩn.
Điều có nghĩa là cứ 10 ngày, Hà Nội có 9 ngày ô nhiễm không khí. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chất lượng không khí có xu hướng xấu trở lại trong năm 2018 khi số giờ ở mức không tốt cho sức khỏe ngày càng chiếm tỉ lệ cao.
Nhiều giải pháp mang tính chất trên…giấy tờ
Trước đó, tại hội thảo “Chất lượng không khí năm 2017: Hiện trạng và giải pháp” diễn ra vào tháng 1/2018 cũng do GreenID tổ chức, ông Hoàng Dương Tùng – Nguyên Phó Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường kể câu chuyện bà mẹ bế đứa con 2 tháng tuổi vào bệnh viện, thấy rất nhiều trẻ em được đưa đến khám chủ yếu về bệnh hô hấp.
“Việt Nam có hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề chất lượng không khí, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, Luật thanh tra 2010, Luật thuế bảo vệ môi trường…Tuy nhiên chúng ta vẫn còn thiếu các quy định đặc thù hay hệ thống quy chuẩn chưa đáp ứng, chưa triển khai kiểm kê nguồn thải…”
Ông cho rằng, các nguồn ô nhiễm không khí chính đến từ khí thải của các phương tiện tham gia giao thông, các làng nghề tái chế (như làng tái chế nhôm), hoạt động đốt rác, đốt lò chưa được hiệu quả…
Cuối bài phát biểu, ông trăn trở với những câu hỏi chưa có lời giải như: Tại sao môi trường – một trong những trụ cột của phát triển bền vững lại ít được quan tâm hơn ở Việt Nam, tại sao ô nhiễm không khí ở Việt Nam lại ít được quan tâm hơn so với ô nhiễm nước và vấn đề rác thải dù chúng tương đối “bình đẳng” trong việc con người hít thở không khí.
Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thu và hô hấp.