Cảnh khốn cùng của vợ con ’hiệp sĩ’ hi sinh bắt cướp

06:12, Thứ ba 16/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Chị chia sẻ: "...Tôi ôm chặt anh gào khóc trong vô vọng khi anh không tỉnh lại, máu từ trán anh chảy xuống thấm đỏ hai tay áo tôi. Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến chồng mình chết mà không được nhìn thấy vợ con lần cuối”

Ngày rằm tháng bảy, khi các gia đình quây quần bên mâm cơm cúng gia tiên thì chị lặng lẽ hóa cho anh vài bộ quần áo giấy trong nỗi xót xa xé lòng. Những tâm sự của chị về cuộc sống gần 1 năm kể từ khi anh bỏ mẹ con chị mà đi thẫm đẫm nước mắt tủi buồn của sự cay cực, éo le cảnh đời thiếu phụ trẻ. Chị là Trần Thị Huệ (24 tuổi) – vợ anh Phạm Văn Chính, người thanh niên bị sát hại trong khi dũng cảm truy bắt cướp tại phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

[links()]

Mất người chồng xả thân vì nghĩa

Gần 1 năm trước, anh Phạm Văn Chính (sinh năm 1985 ở đội 4, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã mãi mãi nằm xuống trong khi dũng cảm truy đuổi hai tên cướp và bị chúng ra tay sát hại.

Đó là ngày định mệnh: mùng 2/10/2011, khoảng 20h15 phút, nhà chị Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1980, trú tại khối Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) bị trộm xe máy đột nhập, trong khi bọn trộm đang loay hoay trộm xe thì bị chị Huệ phát hiện và truy hô hàng xóm.

Bị phát hiện, ngay lập tức tên trộm vụt ra xe đồng bọn chờ sẵn rồ ga bỏ chạy. Khi đó đang ngồi ở cửa hàng thịt chó nhà mình, nghe tiếng truy hô bắt cướp, anh Chính đã đuổi theo xông vào bắt 2 tên cướp thì bất ngờ tên ngồi sau rút súng bắn thẳng vào đầu khiến anh gục ngã, dù được cấp cứu kịp thời nhưng vết thương quá nặng khiến anh tử vong vào ngày hôm sau.

Cái chết đến đột ngột với anh Chính ở tuổi 27, để lại người vợ trẻ với đứa con thơ 3 tuổi sống trong cảnh phận éo le, đong đầy nước mắt tang thương.

Dẫn phóng viên sang căn nhà cấp 4 mái ngói cũ kỹ, chị Huệ cố kìm nén cảm xúc nhưng những giọt nước mắt cứ rướm chảy trong đôi mắt người thiếu phụ trẻ khi đặt chân vào căn nhà vợ chồng anh chị từng sinh sống.

Từ ngày chồng mất, mẹ con chị Huệ phải chật vật với cuộc sống
Từ ngày chồng mất, mẹ con chị Huệ phải chật vật với cuộc sống

Nhìn gương mặt có nụ cười hiền hậu của anh trong di ảnh trên ban thờ, và chỉ về những bằng khen của TP Hà Nội và các cấp chính quyền, đoàn thể đã khen thưởng, tuyên dương hành động dũng cảm xả thân vì nghĩa của anh mà chị bật khóc nức nở.

Chị tâm sự, cưới nhau năm 2007, vợ chồng anh chị sống trong 3 gian nhà ngói cạnh bố mẹ anh, cuộc sống của anh chị tuy nghèo nàn mà đầm ấm, hạnh phúc. Năm 2008, chị sinh cho anh đứa con trai kháu khỉnh, anh là người chồng tình cảm, nguời cha rất mực yêu con.

Hồi mới cưới, hàng ngày anh đi chở gas thuê kiếm tiền nuôi vợ con, con trẻ ra đời, cuộc sống ngày càng khó khăn dù hai vợ chồng trẻ vật lộn mưu sinh. Đầu năm 2011, vợ chồng anh chị bàn nhau thuê nhà trên phường Vạn Phúc, Hà Đông mở hàng bán thịt chó.

Với bản tính hiền lành, chất phác vợ chồng anh được người dân trong khu dân phố rất quí mến, khách ăn một lần thấy chủ mến khách lại thường xuyên lui tới. Giữa lúc công việc buôn bán ngày càng thuận lợi, chị không ngờ bi kịch tang thương xảy đến “cướp” anh đi.

“Không bao giờ tôi có thể quên được khoảnh khắc chồng mình bị bắn chết ngay trước mắt. Khi tiếng súng chát chúa vang lên, anh ấy ngã gục xuống bất tỉnh, tôi ôm chặt anh gào khóc trong vô vọng khi anh không tỉnh lại, máu từ trán anh chảy xuống thấm đỏ hai tay áo tôi.

Còn gì đau đớn hơn khi chứng kiến chồng mình chết mà không được nhìn thấy vợ con lần cuối” – không ngăn nổi nước mắt ướt nhòe trên hai khóe mắt, chị Huệ đau đớn nhớ lại khoảnh khắc mất đi người chồng yêu thương chết tức tưởi.

Xót lòng phận đời góa phụ trẻ nuôi con thơ

Di ảnh anh Phạm Văn Chính
Di ảnh anh Phạm Văn Chính

Trở lại đội 4, xã Đồng Phú trước ngày giỗ đầu anh Chính khoảng nửa tháng, lắng nghe những tâm sự thấm đẫm nước mắt tủi buồn về sự cay cực, cảnh phận éo le trong cuộc sống của vợ con anh, khiến lòng chúng tôi se thắt cảm xúc nghẹn đắng.

Mới ngoài đôi mươi đã trở thành góa phụ. Từ ngày chồng mất, chị Huệ vẫn cố bám trụ bán hàng trên Hà Đông nhặt nhạnh từng đồng để nuôi con nhỏ. Chị bảo, nhiều lần bố mẹ chồng khuyên chị trả nhà về quê để ông bà có điều kiện chăm lo cho mẹ con chị, vì ở trên này trời nóng hai mẹ con như sống trong lò hỏa thiêu.

Những đêm hè, nhìn đứa con nhỏ vật vã không ngủ được vì nóng, lòng chị ruột gan chị như có ai xát muối, xót xa. Nhưng về quê chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng thì lấy gì để sống. Thế là, chị lại nén lòng chịu cực khổ bám trụ bon chen khó nhọc trên đất Hà thành.

Hàng ngày, chị mua bán rau kèm một vài cân thịt, tằn tiện mỗi ngày chỉ để ra được vài chục nghìn đồng. Cuộc sống khó khăn, mỗi tháng tiền nhà và tiền học của con nhỏ đã ngốn của chị hết gần 3 triệu đồng. Phải khó khăn, tằn tiện lắm chị mới dành dụm được chút ít phòng khi đau ốm.

Thương cảm hoàn cảnh của chị, hàng xóm thường xuyên mua hàng giúp đỡ mẹ con chị. Chỉ là mua giúp mớ rau, củ hành chẳng đáng là bao nhưng chị biết ơn những con người tốt bụng vì dang tay giúp đỡ mẹ con chị lúc khó khăn.

Thế nhưng, thời buổi người khôn của khó, việc buôn bán cũng ế ấm, chị muốn dẹp hàng về quê cho con chị được gần ông bà. Nhưng về rồi, không có nghề phụ, cuộc sống trông vào sào ruộng cũng no đói thất thường.

Vả lại, con chị đang học quen trường lớp, chị sợ chuyển đi sẽ làm xáo trộn việc học hành của con chị. Ôm đứa con bé bỏng vào lòng, chị nói tên cháu là Phạm Quốc Huy, ngày bố cháu mất thằng bé mới hơn 3 tuổi, cháu không nhận thức được cái chết của cha cháu là sự mất mát to lớn đến thế nào.

Nhiều lúc con nhỏ cứ hồn nhiên hỏi cha đi đâu mãi không về, cháu nói nhớ cha lắm, thằng bé nhớ từng cái ngõ bố nó cõng nó đi mua siêu nhân. Dường như trong ký ức của con trẻ, bố nó mới chỉ đi đâu đó và cũng sắp sửa trở về, những lúc nhìn con khóc rằn rặt đòi cha, lòng chị Huệ đau đớn quặn thắt từng khúc ruột.

Ngồi bên con dâu, đưa tay lau nước mắt đang lăn dài trên má, bà Nguyễn Thị Hoa, 47 tuổi – mẹ anh Chính nghẹn ngào kể về con mình: “Nhà tôi có 3 người con, Chính nó là cả, thương con vất vả từ nhỏ. Khi sinh nó ra, chồng tôi đi bộ đội, một mình nuôi con, cơm nấu một bữa ăn hai.

Lớn lên một chút, nhà khó khăn nó chỉ học hết cấp 2, rồi ở nhà theo vợ chồng tôi vất vả kiếm sống lo cho hai đứa em. Mấy chục năm nuôi nấng, chăm lo cho con, cũng chỉ mong con mình có cuộc sống hạnh phúc, vậy mà số phận nó hẩm hiu quá.

Nó không may xấu số, thiệt phận, không có lời nào có thể tả hết nỗi đau xót của nhà tôi. Nó mất đi, vợ chồng tôi thương vợ con nó lắm. Vợ chồng nó đang hạnh phúc, mà phải chia lìa nhau, vợ trẻ mất chồng lỡ dở tuổi xuân, con nhỏ mất cha thì thiệt thòi trăm bề.

Quá xúc động trong nỗi nhớ con, bà Hoa không kìm được cảm xúc, nước mắt hai hàng bà mếu máo nghẹn ngào:

“Mấy hôm nọ trời rong bão, mưa ngập vào nhà trọ của mẹ con nó, gọi điện cho mẹ con nó, thằng bé nói, bà ơi nhà con mưa dột ướt hết rồi, lại mất điện nữa, ông bà lên sửa nhà con đi…vợ chồng tôi nghe mà rớm nước mắt”.

Tương lai còn đó những âu lo

Với người dân ở tổ dân phố Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, Hà Đông, thì vợ chồng anh Chính được bà con ở đây rất quý mến bởi tính cách hiền lành, cởi mở với mọi người.

Ngày anh Chính lâm nạn, cả làng Vạn Phúc đã vô cùng đau xót, tiếc thương tổ chức xe đưa đón hàng trăm người làng về viếng đưa, quyên góp gọi là một chút tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ vợ con người thanh niên dũng cảm, dám xả thân vì nghĩa chống lại cái xấu, an ủi “vong linh” anh về nơi an nghỉ ngàn sâu.

Cũng trong cảnh bi thương, tang gia bối rối đó. Những tấm lòng thơm thảo đã tìm đến thăm hỏi, sẻ chia động viên mẹ con góa phụ trẻ vượt qua cú sốc tinh thần lớn lao.

Chị Huệ kể lại, ngày đó mẹ con chị nhận được nhiều lời thăm hỏi đồng cảm, chia sẻ. Các cấp chính quyền đã khen tặng, tuyên dương hành động cao cả của chồng chị và hứa sẽ nhanh chóng tìm ra thủ phạm, trừng trị nghiêm theo pháp luật, điều đó cũng là niềm an ủi phần nào với mẹ con chị.

Có lẽ thương cảnh góa phụ trẻ, con thơ mà nhiều người có quyền thế tha thiết hứa sẽ giúp đỡ tạo cho chị một công ăn việc làm ổn định và quan tâm, chăm lo cho việc học hành của cháu Huy sau này, để cháu nên người cũng là tri ân những nghĩa cử cao đẹp của chồng chị đã đóng góp cho xã hội.

Thế nhưng, chị thật buồn, vì có lẽ những lời hứa ấy chỉ đến là để xoa dịu nhất thời nỗi đau trong lòng chị cho sự việc lắng xuống, nguôi ngoai. Và sau đó, người ta vội vàng lãng quên như “gió thoảng qua tai”.

Hỏi nguyên cớ, chị bảo, sau khi lo việc tang gia cho chồng chu đáo, chị nhớ tới những lời hứa giúp đỡ của những người đã cảm thông với gia đình chị. Thế nhưng gọi điện đến những số chị được cho, thì tất cả đều khước từ với nhiều lý do, mà lý do nào cũng rất chính đáng.

Chắc hẳn bận bịu với nhiều công việc, phải giải quyết những công to, việc lớn mà nhiều người trước kia nhất nhất hứa giúp đỡ mẹ góa, con côi nay lãng quên lời đã hứa trước “vong linh” người đã khuất.

Hoặc có thể, thực tâm họ cũng muốn giúp nhưng khả năng thì có hạn, vì thế mẹ con chị vẫn sống cuộc sống cơ cực, bấp bênh mà hung thủ sát hại chồng chị vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Ngày rằm tháng bảy, khi các gia đình quây quần bên mâm cơm cúng gia tiên, thì chị lặng lẽ hóa cho anh mấy bộ quần áo giấy trong nỗi xót xa xé lòng. Tâm sự về tương lai phía trước, chị nước mắt ngắn dài buồn bã với những nỗi lo.

Thân gái một mình nuôi con giữa chốn đô thành bon chen, cuộc sống của mẹ con chị bộn bề âu lo. Cái nghề chạy chợ bạc mặt phơi sương, mà thu nhập bấp bênh.

Lắm lúc chị muốn chuyển sang bán quán nước để có thời gian đưa đón con nhỏ đi học, nhưng chị lại lo, mở quán nước, thanh niên tứ chiếng qua lại, cảnh đời góa phụ có chút nhan sắc, chị sợ những điều ong, tiếng ve làm chị có lỗi với người chồng đã khuất.

Hiện tại, điều làm chị băn khoăn đau xót nhất vẫn là gần 1 năm trời sau khi gây tội ác kinh hoàng, những kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhiều lúc lòng chị xót xa, có lẽ suốt đời con chị chị được biết đến bố nó qua những tấm bằng khen vô tri, vô giác… nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời không biết sẽ còn bao nhiêu người phải chịu cái chết tức tưởi như chồng chị.

Còn tương lai với chị, chị chỉ mong có được một công việc ổn định để nuôi con nên người, thằng bé vốn đã chịu nhiều thua thiệt, dù sao bố nó cũng đã xả thân vì xã hội, có lẽ nào vòng tay nhân ái không giang tay giúp đỡ thằng bé nên người.

Trước những tâm sự xót lòng của chị, tôi tin rằng xã hội luôn có những vòng tay nhân ái dang rộng, để sẻ chia, giúp đỡ vợ con của người thanh niên dũng cảm xả thân đấu tranh với cái xấu, góp phần gìn giữ an ninh trật tự xã hội.

  • Phú Lãm
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc