Cắt dép học sinh: Thầy giáo vô cảm với trò nghèo?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Và hơn ai hết, những người thực hiện quy định lại là những nhà giáo, những người đào tạo nên nhân cách một con người và hiểu rõ những khó khăn của học sinh nơi đây thì liệu rằng những hành vi trên có thể được gọi là nguyên tắc hay nó thực chất là sự vô cảm

Có lẽ, khoảng thời gian vừa qua là thời điểm đáng quên của ngành giáo dục với những vụ việc không mấy hay ho. Sau lùm xùm vụ cấm giáo viên không được mặc váy ngắn lên lớp thì tại một vùng quê nghèo tỉnh Hậu Giang, những thầy cô giáo lại sẵn sàng cắt hết dép của học trò nghèo.

Dư luận vùng quê xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang những ngày qua như náo động vì những bức xúc khi các em học sinh trường THPT Vị Thủy bị giáo viên tịch thu và cắt dép, trong đó có nhiều học sinh thuộc diện gia đình nghèo hay khó khăn.

Chia sẻ bằng khóe mắt rưng rưng nước dường như chỉ chực khóc, em Ngô Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 10A9 cho biết bố mẹ mình nghèo phải đi làm thuê vậy mà đôi dép bằng giá 2 ngày công của mẹ em bị thầy giáo cắt mất. Em phải đi bộ gần 2km để về nhà.

Cắt dép học sinh vô cảm hay nguyên tắc? (Ảnh minh họa)

Còn bố mẹ em Như cho biết, họ không thể chấp nhận hành vi của thầy giáo và để cho con thực hiện đúng nội quy thì ngay sau đó họ phải mua giày ba ta cho con đi học theo như đúng quy định của nhà trường.

Thậm chí, có học sinh bị cắt dép còn thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi phải dựng nhà trên mảnh đất mượn tạm của người quen.

Theo như một số học sinh, một lớp 10A9 có 40 học sinh thì hơn 50% bị thầy giáo tịch thu và cắt dép. Lý do của việc này là theo quy định mới của nhà trường, tất cả học sinh phải đi giày ba ta trắng và những ai vi phạm sẽ bị tịch thu, cắt dép.

Trong khi phụ huynh học sinh đang chờ một lời giải thích hay câu trả lời từ phía nhà trường thì Ban giám hiệu trường khẳng định đã xin lỗi còn thầy giáo "cắt dép" thì cho rằng mình đã nhắc nhở không được nên đành phải tịch thu và cuối năm sẽ trả lại.

Hầu hết những học sinh bị tịch thu và cắt dép đều là con nhà nông hay có hoàn cảnh khó khăn. Mà trong bối cảnh kinh tế hiện nay, người nông dân phải khốn khổ xoay sở trong cuộc sống vì những câu chuyện không mấy tốt đẹp xung quanh cây trồng chính nuôi sống họ, cây lúa.

Nhiều người nông dân chỉ còn biết trông vào hạt lúa để nuôi gia đình, cho con đi học nhưng nhiều giống lúa mới không đem lại hiệu quả, ốc bươu vàng và sâu bệnh luôn hoành hành, giá dịch vụ tăng cao trong khi giá lúa, gạo liên tục giảm sâu. Để mua được một đôi dép cho con đi học thì những người phụ huynh phải đánh đổi bằng cả chục cân lúa để có được.

Những hành động của người đứng trên bục giảng ở Hậu Giang không khỏi khiến nhiều người chạnh lòng và suy nghĩ. Vẫn biết quy định được đưa ra để mọi người cùng thực hiện nhưng liệu có nên thực hiện nó một cách máy móc được hay không?

Và hơn ai hết, những người thực hiện quy định lại là những nhà giáo, những người đào tạo nên nhân cách một con người và hiểu rõ những khó khăn của học sinh nơi đây thì liệu rằng những  hành vi trên có thể được gọi là nguyên tắc hay nó thực chất là sự vô cảm, một sự vô cảm đáng sợ đang tồn tại mọi nơi trong xã hội ngày nay và trong cả những người làm nghề nghiệp đáng kính trọng!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn