Chuyện kể rằng, khoảng hơn một trăm năm về trước, tại một ngôi làng nhỏ của nước Mỹ, có hai mẹ con cô gái nhà nọ yêu thương và sống bên nhau rất hạnh phúc. Cô gái ước mình sẽ được sống bên mẹ mãi như này và không bao giờ phải rời xa. Nhưng ước mơ đó chắc chắn không thể trở thành hiện thực, một ngày kia mẹ cô gái qua đời. Đau buồn và tiếc thương vô hạn, cô tiến hành tang lễ cho mẹ một cách trang nghiêm rồi trồng quanh mộ mẹ mình loài hoa cẩm chướng mà bà từng yêu thích.
Những năm tháng sau đó, cô gái sống một mình và luôn cảm thấy day dứt ân hận vì đã không chăm sóc mẹ tốt hơn khi bà còn sống. Cô thường cài trên ngực áo của mình loài hoa cẩm chướng màu trắng để tỏ lòng nhớ thương mẹ.
Thực sự tình mẫu tử, phụ tử là thứ tình cảm rất sâu đậm và thiêng liêng. Bất kỳ người mẹ nào cũng yêu con và người con nào cũng yêu quý mẹ của mình, luôn mong muốn được chăm sóc, hiếu thảo với cha mẹ. Từ những suy nghĩ đó, cô gái đã mở cuộc vận động chiến dịch chăm sóc mẹ vào năm 1904, và lễ hội “Ngày của mẹ” lần đầu tiên đã diễn ra ở Mỹ. Hoạt động vô cùng có ý nghĩa của cô được nhiều người hưởng ứng. Từ đó, vào ngày của mẹ, những ai còn mẹ thì cài lên ngực mẹ đóa hoa cẩm chướng màu đỏ, còn những ai thiệt thòi không còn mẹ thì cài lên ngực mình đóa hoa cẩm chướng màu trắng.
Suốt từng ấy năm tháng, chỉ có cha mẹ là người luôn dõi theo con, luôn lo lắng cho con, làm mọi việc vì con mình… Còn chúng ta, vì quá bận bịu, mải mê với cuộc sống mà chợt quên đi điều gì đó…
Nhưng hãy thử dừng lại, dù chỉ một phút thôi, để nhìn lại cha mẹ mình, để thấy mái tóc mẹ đã bạc thêm vài sợi, thấy khóe mắt cha có thêm vài vết chân chim.
Hãy nhớ lại những lúc mẹ đã nói dối rằng mẹ không sao trong khi mẹ đang ốm, những lúc cha khuyên răn mà ta cứng đầu không chịu nghe theo… Hãy nhớ lại những khi ta học bài ôn thi, vẫn là mẹ thức tới tận khuya, mang vào phòng cho con cốc sữa, đóng cửa rồi mà vẫn trằn trọc không yên. Hãy nhớ lại những khi cha ngồi chờ bên cửa, sợ con về khuya lại xảy ra chuyện gì…
Chỉ một phút mỗi ngày thôi, nhìn lại những gì cha mẹ đã làm cho ta, rồi nghĩ lại xem mình đã làm gì cho cha mẹ… Rất có thể, một lúc nào đó, khi ta muốn bên cha nhiều hơn, muốn nói rằng “Con yêu mẹ” thì lại quá muộn rồi…
Hãy trân trọng hơn những phút giây hiếm có bên cha mẹ, đừng để khi nhận ra thì đã quá muộn. Bởi sẽ có một ngày, khi ta khao khát có được sự bình yên bên cha, sự ấm áp trong lòng mẹ thì sẽ không còn nữa…