Cây đinh lăng là loại thuộc họ nhân sâm, thuộc cây bụi nhỏ, thân gỗ, rất dễ trồng. Đinh lăng có lá nhỏ, xẻ thùy sâu, màu xanh đậm và có mùi thơm hăng hắc đặc trưng. Đinh lăng thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, lá được dùng làm rau gia vị, thường ăn kèm với các loại nem chua, đồ cuốn...
Về phong thủy, cây đinh lăng có ý nghĩa ngăn chặn khí xấu xông vào nhà. Giúp gia chủ trấn giữ nguồn năng lượng tốt, bảo vệ tài sản, giúp tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán, nói chung đây là một trong những loài cây nên có trong nhà, vườn nhà để dẫn dụ tài lộc.
Các chuyên gia phong thủy cho biết, vị trí tốt nhất để trồng cây Đinh Lăng là trồng trước cửa nhà. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý tuyệt đối không trồng cây chắn ngang lối đi chính. Bạn nên trồng lệch sang một bên để chừa lối thu hút vượng khí vào nhà, lại không ngăn cản luồng khí tốt lưu thông. Không nên trồng cây dựa sát tường, thay vào đó hãy ưu tiên các vị trí hướng nắng vì đây vốn là loài cây ưa nắng.
Cây đinh lăng được cho là đặc biệt tương hợp với người mệnh Hỏa và mệnh Mộc, gia chủ mệnh này nên trồng nhiều cây đinh lăng để hút thêm may mắn và tài lộc.
Trồng cây đinh lăng càng lâu càng tốt?
Trong y học cổ truyền, đinh lăng được sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh, cực tốt cho sức khỏe. Từ rễ, lá, cả thân cây đinh lăng đều có thể dùng làm thuốc, tuy nhiên phần rễ được coi là phần có giá trị nhất vì chứa nhiều chất quý.
Cây đinh lăng được trồng lâu, rễ của nó sẽ phát triển mạnh mẽ và tích lũy nhiều dưỡng chất hơn. Những cây trồng từ 3 đến 5 năm trở lên sẽ có kích thước lớn, chứa hàm lượng saponin cao, rất có giá trị theo y học cổ truyền. Các dưỡng chất trong rễ đinh lăng giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi và tăng cường trí nhớ.
Tuy nhiên không nên trồng cây quá lâu; cây trồng quá lâu năm (sau 10 năm) thì rễ sẽ già cỗi, nó sẽ giảm bớt đi một phần giá trị dược liệu. Rễ cây quá già sẽ cứng, xơ, lượng hoạt chất ít hơn, hiệu quả làm thuốc giảm.
Chưa kể, cây đinh lăng trồng càng lâu, rễ càng ăn sâu vào đất, việc thu hoạch sẽ trở nên khó khăn hơn. Đối với cây lớn, quá trình đào có thể làm hư hại rễ, giảm chất lượng hoặc gây mất mát sản phẩm.
Cây đinh lăng có thể thu hoạch củ sau 3 năm, dược tính cao nhất là trong khoảng 5 - 10 năm tính từ khi trồng. Trong khoảng thời gian này, cây đã phát triển đủ lớn, rễ chứa đầy đủ dưỡng chất, không quá già cỗi mà vẫn giữ được độ tươi tốt và giá trị dược liệu cao.