Cây đinh lăng trong phong thủy

( PHUNUTODAY ) - Khi trồng cây xanh trong vườn, cần phải chú ý đến những yếu tố phong thủy nhà ở để cuộc sống của chúng ta có thể hài hòa hơn với thiên nhiên.

dinh-lang-phong-thuy
 

Tìm hiểu chung về cây đinh lăng

Cây đinh lăng còn được gọi với tên khác là cây gỏi cá. Đây là loài cây quen thuộc trong vườn nhà mỗi người. Nó được trồng phổ biến ở vườn, đền chùa, trung tâm y tế, bệnh viện với tác dụng chính là để làm cảnh và làm thuốc chữa bệnh.

Loài cây này có khá nhiều loại, phổ biến là đinh lăng lá kim, hay đinh lăng lá tròn, đinh lăng rang,… Đặc điểm chung của cây này là lá có răng cưa không đều, có mùi thơm, trong đó đinh lăng lá nhỏ được trồng và sử dụng nhiều hơn cả.

Cây đinh lăng – Nhân sâm của người nghèo

Dân gian đã đúc kết kinh nghiệm sử dụng cây đinh lăng, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu về tính ưu việt để chữa các bệnh khác nhau của loại cây này. Đinh lăng được coi là “nhân sâm của người nghèo”, có thể chữa và phục hồi nhiều bệnh lâu năm.

Nước lá đinh lăng tươi vừa dễ uống, đảm bảo giữ nguyên được lượng chất cần thiết, vừa giúp bồi bổ cơ thể không chỉ người bệnh mà cả với người không có bệnh. Dùng đinh lăng phòng và điều trị các bệnh suy giảm trí nhớ, căng thẳng suy nhược thần kinh hay những người thiểu năng tuần hoàn não, tiền đình với các chứng hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ có tác dụng rất tốt.

Những bệnh như đau lưng mỏi gối, đau khớp, thấp khớp của người già nếu kiên trì uống nước thân cây đinh lăng sắc với một vài loại thuốc bắc theo đơn của thầy thuốc cũng sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Với các bệnh ngoài da như nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng dùng lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml chia làm 2 lần uống trong ngày sẽ nhanh chóng hết nổi mẩn. Hoặc khi bạn bị thương ngoài da mà nhà có sẵn cây đinh lăng, có thể nhai hoặc giã nát lá đinh lăng rồi đắp ngay lên vết thương làm dịu đau và nhanh liền.

Ngoài những công dụng trên, cây này còn được sử dụng để chữa các bệnh như khó tiểu, liệt dương, ho suyễn, viêm gan mãn tính, thậm chí là chữa sốt rét…

Tác dụng phong thủy của cây đinh lăng

Không phải tự nhiên mà cây đinh lăng mini bon sai lại được nhiều người lựa chọn để trồng làm cảnh trước cửa nhà, hoặc trang trí phòng khách xanh mát nhiều đến thế. Vậy cây đinh lăng có ý nghĩa phong thủy như thế nào?

Theo quan điểm phong thủy, nguồn năng lượng xanh từ cây đinh lăng rất dồi dào, mang lại một không khí trong lành, dịu mát cho mọi người.

Không chỉ vậy, đinh lăng còn mang ý nghĩa phong thủy đặc biệt, ngăn chặn khí xấu xông vào nhà, từ đó trấn giữ nguồn năng lượng tốt, giúp tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán, được coi như “thần giữ của” cho chủ nhà. Nó xứng đáng là một trong những loài cây nên có trong vườn nhà để dẫn dụ tài lộc.

Những lưu ý trong phong thủy khi trồng cây quanh nhà:

- Những cây trồng trong vườn nên chọn loại cây có thân thẳng đều, vươn cao như chuối, tre, trúc, cau, dừa… sẽ mang lại nhiều may mắn và thuận lợi trong công việc cho các thành viên trong gia đình.

- Nếu cành lá của cây xanh xung quanh phát triển hướng về các phòng trong nhà thì đều có lợi, còn ngược lại là bất lợi.

- Xét về mặt phong thủy ngũ hành, hướng Tây Bắc là hướng Càn, cây cối là Mộc tinh, vì thế khi xem về hướng làm nhà, những nhà có hướng Tây Bắc nên trồng cây to để bảo vệ được chủ nhân của nhà đó.

- Bạn có thể trồng xung quanh sân vườn một cụm hoặc dãy tre, trúc để mang lại những điều tốt lành cho người trong nhà. Tre, trúc cũng là các loại cây dễ sống, cành lá tươi tốt bốn mùa nên có chức năng cải thiện bầu không khí xung quanh chúng ta và điều tiết phong thủy nhà ở rất tốt.

- Nếu như cây cối trong vườn luôn xanh tốt là biểu hiện cho đất đai màu mỡ, môi trường trong lành. Nếu cây cối sinh trưởng thưa thớt là biểu hiện một môi trường không tốt, đó cũng là cách giúp bạn cải thiện môi trường, tránh những ảnh hưởng bất lợi đối với sức khỏe.

Có một số cửa hàng và nhà ở vì không có diện tích xây dựng nên đành để cây to xuyên qua nhà hay ở bên mái. Theo phong thủy cây cảnh đó là đại hung.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn