(Phunutoday) - Liên quan đến vụ cháu Huỳnh Thị Thanh Hằng (10 tuổi, ở thôn Đông An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) chết tức tưởi tại Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ (Bình Định) vào ngày 8/11, sau khi Trung tâm Y tế Phù Mỹ đưa ra các hình thức kỷ luật, điều dưỡng Nguyễn Thị Thạnh đã gửi “xin minh xét” đến lãnh đạo Sở Y tế Bình Định và Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, cho rằng hình thức kỷ luật buộc thôi việc với mình là không công bằng.
[links()]
“Không thỏa mãn”
Lá đơn của điều dưỡng Nguyễn Thị Thạnh viết ngày 7.12, ngay từ đầu đã nêu rõ quan điểm: “Hình thức buộc thôi việc là hình thức cao nhất đối với người vi phạm như tôi là không thỏa đáng. Trong khi đó, các bác sĩ trong ca trực với tôi ngày hôm đó thì chỉ có hình thức khiển trách.
Là điều dưỡng trực như tôi khi thấy bệnh nhân khó thở đã cho nằm đầu cao để dễ thở, nhưng một bác sĩ trực viện khám xong rồi chẳng hề xử trí gì mà ngồi chờ bác sĩ lãnh đạo từ nhà tới (trong khoảng thời gian 20 phút) mới có hướng xử trí cho chuyển, mà trong cuộc họp kỷ luật lại cho rằng đáng ra mình vô tội nhưng cũng phải nhận hình thức khiển trách…”.
“Đơn xin minh xét” của ĐD Nguyễn Thị Thạnh |
Trong lá đơn này, ĐD Thạnh cũng thừa nhận rằng, mình là một người mới ra trường và làm hợp đồng tại Trung tâm Y tế Phù Mỹ 1 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn.
Trong trường hợp tử vong của cháu Hằng, chị phải nhờ ĐD trưởng khoa Nhi là cô Hoàng Thị Mỹ Dung hướng dẫn chị sửa hồ sơ.
ĐD Thạnh bày tỏ bức xúc: “Qua vụ việc cháu Hằng chết, Hội đồng kỷ luật Trung tâm Y tế Phù Mỹ xét đề nghị Sở Y tế kỷ luật tôi với hình thức cao nhất buộc thôi việc, còn các người liên quan khác thì hình thức kỷ luật nhẹ nhàng hơn.
Bản thân tôi cảm thấy không thỏa mãn. Vì cái chết của cháu Hằng, Ban lãnh đạo Trung tâm Y tế đã đổ hết trách nhiệm lên bản thân tôi”.
Trước đó, chiều 5/12, Trung tâm Y tế Phù Mỹ đã tổ chức cuộc họp nội bộ để đề xuất hình thức kỷ luật đối với các y bác sĩ liên quan đến cái chết của bệnh nhân Huỳnh Thị Thanh Hằng. Theo đó, BS Dương Công Sanh (Trưởng khoa Nhi) nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo; các BS Tô Quốc Phong (người đầu tiên khám cho cháu Hằng), Nguyễn Văn Lưu (người trực Trung tâm trưa 8/11) và Châu Tấn Khoa (Phó Giám đốc Trung tâm) đều nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Riêng ĐD Nguyễn Thị Thạnh bị kỷ luật nặng nhất với mức cắt hợp đồng lao động.
Không sai phạm nếu có người ngăn chặn?
Trong một diễn biến sau khi xảy ra cái chết của cháu Hằng, trong bản tường trình gửi Ban giám đốc Trung tâm Y tế Phù Mỹ, ĐD Nguyễn Thị Thạnh cũng đã nêu rõ: “… nếu người có kinh nghiệm như ĐD Dung ngăn không cho tôi sửa bệnh án và dán thì tôi đã không có sai phạm”.
Các mức kỷ luật không công bằng tiếp tục gây nên những lùm xùm ở Trung tâm y tế Phù Mỹ |
ĐD Thạnh cũng tường thuật cụ thể lại diễn biến quá trình dẫn đến hành vi sửa bệnh án của cháu Hằng: “Khi cháu Hằng tử vong, BS Khoa nói tôi ghi cho hoàn tất hồ sơ, lúc trưa cháu ăn được cháo thì ghi vào luôn. Tôi hốt hoảng nhớ lại lúc 11h trưa có xuống thăm và đếm nhịp thở cho cháu nên ghi vào. Do vội vàng ghi nhầm từ 221 lần/phút thành 321 lần/phút mà không coi lại”.
ĐD Thạnh cũng nói rõ, tờ bệnh án cũ là tờ ghi các dấu hiệu sinh tồn, mời BS trực và ghi thực hiện y lệnh chuyển khoa Hồi sức cấp cứu. Lúc đó, ĐD Dung nói với ĐD Thạnh: “Con không được ghi như vậy, con không có kinh nghiệm ghi hồ sơ tử vong. Phải ghi diễn biến nhẹ, mời BS trực lên rồi nó mới nặng, nếu ghi diễn biến như hiện tại thì bệnh nhân chết tại khoa mất rồi”. Rồi ĐD Dung đọc cho chị Thạnh ghi lại 1 tờ bệnh án mới dán đè lên trên.
Diễn biến bất ngờ này cho thấy quá trình thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân Huỳnh Thị Thanh Hằng có nhiều khuất tất ngay trong nội bộ y bác sĩ của Trung tâm Y tế Phù Mỹ. Chính cách xử lý kỷ luật không công bằng, nghiêm khắc, đúng người đúng tội đã dẫn đến sự xuất hiện của đơn thư “kêu cứu”.
Bằng Lăng