Chỉ bằng một câu nói, Lão Tử đã cải biến một người kiêu căng ngạo mạn

10:00, Thứ sáu 30/09/2016

( PHUNUTODAY ) - Thói kiêu căng ngạo mạn sẽ gây ra những hệ quả khôn lường, tránh được tính xấu này, con người có thể tích phúc cho mình.

 Hãy cùng đọc câu chuyện sau

Dương Chu là một triết gia nổi tiếng, sống vào thời Xuân Thu. Thời trẻ, Dương Chu là người cao ngạo nên rất nhiều người không muốn tiếp xúc và ở bên cạnh ông. Nhưng sau một buổi nói chuyện cùng Lão Tử, Dương Chu đã trở thành người hoàn toàn khác.

Có một lần, Dương Chu phải đi tới một địa phương ở phía nam. Vào thời điểm ấy, Lão Tử cũng đi sang nước Tần. Vì thế mà hai người họ gặp nhau ở giữa đường.

Lão Tử khi gặp Dương Chu thì ngửa mặt lên trời than rằng: “Trước kia, ta nghĩ ngươi là người có thể dạy dỗ được, nhưng sau khi gặp ngươi thì mới biết ngươi là người không thể dạy dỗ được!” Nói xong, Lão Tử vội vàng đi ngay.

Không lâu sau, Dương Chu đến đất Đại Lương và biết Lão Tử cũng đang ở đó. Dương Chu muốn đến bái kiến Lão Tử. Ông ta để giày ở ngoài cửa, quỳ từ cửa vào đến chỗ trước mặt Lão Tử rồi vô cùng cung kính thỉnh giáo: “Đã từ rất lâu rồi, con muốn đến chỗ thầy để thỉnh giáo. Lần trước giữa đường gặp thầy, thấy thầy đi vội vã cho nên không dám quấy nhiễu đến thầy. Bây giờ có thời gian, thỉnh xin thầy dạy bảo, con đã làm sai ở chỗ nào?”

lao-tu

Lão Tử nói: “Ngươi bất luận là làm việc gì, thì đều bộc lộ ra vẻ ngạo mạn, kiêu căng. Đây chính là không khiêm tốn! Thế thì ai còn dám đến gần ngươi nữa? Người thực sự có đạo đức, khi ở trong một nhóm người cũng không tự khoa trương bản thân mà luôn khiêm tốn cho mình thấp kém. Ngươi nếu có thể làm được như vậy là được rồi!”

Nghe Lão Tử nói xong, Dương Chu lập tức trở nên nghiêm khắc với bản thân, nói với Lão Tử: “Con nhất định sẽ làm theo lời dạy của thầy!”

Dương Chu tạ ơn Lão Tử rồi trở về quán trọ, nơi mà ông ta đang ở. Khi Dương Chu vừa bước vào quán trọ thì cả chủ quán và những người khách khác đều bất ngờ về thái độ vô cùng khiêm tốn của ông, khác hẳn với lúc ông ta vừa đến quán trọ này. Thế là, mọi người trong quán trọ, ai nấy đều vừa cười và nói chuyện với ông ta, còn nguyện ý ở cùng nhau.

Dương Chu cảm thấy rất kỳ lạ về thái độ hoàn toàn khác của mọi người với mình, bèn hỏi người chủ quán trọ. Người chủ quán trọ nói: ” Lúc ngài vừa tới đây, đầu ngẩng cao mà đi, thái độ vô cùng cao ngạo khiến tất cả mọi người đều thực sự sợ hãi, nên đều tránh xa, không dám tiếp cận với ngài. Bây giờ ngài đột nhiên thay đổi, trở nên hòa ái dễ gần, bình dị gần gũi. Vì thế, ai cũng nguyện ý tiếp xúc với ngài.”

Dương Chu nghe những lời này, hết sức cảm kích, nói: “Chỉ là một lần, một buổi nói chuyện thôi, Lão Tử đã cải biến ta từ người cao ngạo trở thành người tốt! Thật vô cùng cảm kích!”

lao-tu.01

Ngạo mạn là tính rất xấu.  Vì ngạo mạn mà phát sinh tâm phân biệt nghèo hèn thiểu học với tài năng giàu có, tự đào cho mình một hố sâu tội đồ vô minh chẳng biết hổ thẹn là gì để cứu lấy mình mà thêm cạn cợt về thương yêu với người. Vì ngạo mạn mà cách hành xử giữa người với người có nhiều bất công, chia rẽ.

Có thể vì nghiệp lực nặng nề, dục vọng che lấp tâm trí? Ngạo mạn là nguyên nhân của ngu muội và sẽ chuốc lấy thất bại thất thoái chính mình. Kẻ ngạo mạn khi hành sự luôn lấy bản thân làm trung tâm, coi mình là cái đinh của thiên hạ, là đại hộ pháp mà thực chất chỉ quẩn quanh bên ngũ uẩn vô thường thậm chí than thở “mình chẳng giống ai… thôi thì”.

Phật dạy: “Kiêu căng mất phước”. Việc đáng làm không làm, việc không đáng làm lại làm, những người phóng túng ngạo mạn, thì lậu tập mãi tăng thêm (Kinh Pháp cú). Kinh Hoa nghiêm cũng đề cập về ba chướng ngại to lớn của con người là ngạo mạn, tật đố và tham dục. Vì thế, huân tập từ 5 giới cấm, người Phật tử tại gia tập cho khẩu nghiệp của chính mình được trong sạch. Không dối trá, không buông lời thô tục độc ác, không nói lời làm tổn thương danh dự người khác, không thêm bớt, bịa đặt, nịnh nọt,  gây chia rẽ làm mất đoàn kết trong quan hệ quyến thuộc, bạn bè hay bạn đồng tu. Chính vì ngạo mạn mà phát khởi ác tâm ác khẩu, chỉ nghĩ đến bản thân mình và thậm chí tự cho mình cao thâm hơn cả thầy. Chính cái ngã mình thương yêu tôn vinh nó mà mình chẳng chịu thua kém ai (ái ngã) nên sinh ra nhiều đau khổ, ganh ghét đố kỵ người. Thật tình mà nói, chịu nhận mình thua kém người khác không phải dễ dàng gì! Đơn giản, nhìn thấy người dễ hơn là nhìn thấy mình.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo