"Lời nguyền" độc địa của vua Đường Lý Uyên khi bị con ép phải nhường ngôi, không ngờ ứng nghiệm lên con cháu

( PHUNUTODAY ) - Trước khi mất, vua Đường Lý Uyên đã ôm hận mà nói 1 câu về số phận của Lý Thế Dân- người con trai của mình mà không ngờ nó lại ứng nghiệm lên số phận chính những người con trai của ông sau này.

Lời tiên tri của hòa thượng, Lý Thế Dân xưng đế

Khi Đường Thái Tông còn là Tần Vương, chỉ mới có 18 tuổi. Ngay trong đêm, lần đầu tiên ông cùng với huyện lệnh Tấn Dương là Lưu Văn Tịnh lên kế hoạch khởi nghĩa. Cao Tổ mơ thấy mình rơi xuống dưới giường, trên người bò đầy dòi bọ, nhìn thấy muốn nôn.

Ngày hôm sau, ông lên chùa An Lạc gặp Thiền sư Trí Mãn thỉnh giáo lành dữ. Thiền sư Trí Mãn họ Giả, là người Tây Hà, đạo hạnh cao thâm. Thiền sư nói: “Ông hãy nên lạy tạ trời đất đi! Dưới giường, có ý là ‘bệ hạ’, dòi bọ ăn thịt ông, chính là trăm họ phải nương nhờ vào một người như ông mới có thể sống được”. Cao Tổ gật gật đầu tỏ ý khen ngợi.

Thiền sư Trí Mãn lại nói: “Tôi rất am hiểu Kinh Dịch, có thể dùng quẻ tượng để giải thích điềm báo này. Theo những gì được nói trong Kinh Dịch, Tốn (một quẻ trong Bát Quái) ở dưới giường, lộn xộn không thôi, dường như không có chuyện xấu gì, thật ra là lành trước hung sau. Ông tuy thân hình cao lớn, nhưng không thể làm chuyện nhỏ, làm chuyện nhỏ ắt sẽ thất bại. Ông hãy nên làm chuyện lớn, làm chuyện lớn ắt thành công. Nếu như ông tế thế vì dân, sẽ thành công vô cùng dễ dàng”.

Cao Tổ nghe xong, xúc động nói: “Cảm ơn lời khuyên bảo chân thành của ông, nhưng tôi thật sự không dám làm”.

Thiền sư lại liếc mắt sang Tần vương Lý Thế Dân một cái, nói: “Liễu giải những gì ông mơ thấy, là tương đồng với người thành đại nghiệp kia, cũng vì muốn dấy động mà đắc tội với phụ vương, nhưng theo khảo sát thì đều sẽ thành công, ông không thể từ chối. Nếu như ông trời đã giao phó cho ông, ông lại từ chối, thế thì sẽ nhận phải sự trừng phạt. Điều này không có gì là không thể cả”.

Cao Tổ nghe xong, bái tạ nói: “Ta đây có công đức gì, lại phiền ngài trịnh trọng căn dặn một phen như vậy. Ta sao lại không dám cung kính tuân mệnh đây?”.

Lão hòa thượng đại khái là cố tình gợi ý, nhưng mặt khác lại lo lắng sẽ mang đến bất lợi cho Lý Thế Dân. Lão hòa thượng có thể dự đoán trước Lý Thế Dân sẽ xưng đế, có thể thấy hết thảy thật sự là an bài của Thiên thượng.

Giai thoại về "lời nguyền" của Đường Cao Tổ Lý Uyên ứng nghiệm lên số phận hoàng tộc nhà Đường

Sở dĩ Lý Thế Dân có thể thu về thắng lợi trong sự biến ở cổng Huyền Vũ là bởi ông vốn dĩ vừa có tham vọng, lại vừa có thực lực.

Năm xưa khi giúp cha bán mạng ngoài chiến trường để gây dựng cơ nghiệp Đại Đường, ông từng được Lý Uyên hứa sẽ phong làm Thái tử. Tuy nhiên sau khi nghiệp lớn đã thành, vua cha đã nuốt lời và chỉ cho ông làm Tần vương.

Hơn nữa, Thái tử Lý Kiến Thành vốn đã có âm mưu muốn trừ khử người em trai này. Vì để bảo vệ bản thân mình, Lý Thế Dân buộc phải "tiên hạ thủ vi cường". Và sự biến bất ngờ ở Huyền Vũ môn  năm đó đã khiến cả Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát cùng Lý Uyên bất ngờ tới nỗi không kịp trở tay.

Mặc dù may mắn giữ được tính mạng sau chính biến, thế nhưng Đường Cao Tổ Lý Uyên lại bị chính con ruột mình ép phải nhường ngôi. Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng ông ngoài mặt thì an phận làm Thái thượng hoàng, còn bên trong lại luôn đem lòng uất hận đối với người con thứ quá mức tài năng như Lý Thế Dân.

loi nguyen cua Duong Ly Uyen-phunutoday

Có giai thoại còn truyền lại rằng, khi xưa trước lúc băng hà, Lý Uyên vẫn không quên mối hận năm nào, vì vậy ông đã nói với Lý Thế Dân một lời hết sức cay nghiệt:

"Ngươi giết con cháu ta thì sau này con cháu ngươi cũng sẽ bị như vậy".

Bấy giờ, Lý Thế Dân vốn chỉ coi đây là một câu hù dọa. Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng, câu nói của Lý Uyên ngay sau đó quả thực đã trở thành một "lời nguyền" ứng nghiệm lên số phận hậu duệ hoàng tộc nhà Lý Đường.

Sử cũ ghi lại, Lý Thế Dân có tổng cộng 14 vị Hoàng tử, tuy nhiên số người có thể may mắn sống đến khi trưởng thành và yên ổn chết già lại ít ỏi vô cùng.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, những người con trai của Lý Thế Dân đa số đều rơi vào một trong hai bi kịch giống như tấn thảm kịch năm xưa mà ông từng gây ra với huynh đệ của mình. Đó là làm phản hoặc bị người khác giết.

Dưới thời Lý Thế Dân tại vị, lịch sử đã từng ghi nhận sự xuất hiện của 2 án phản loạn khiến cho 3 vị Hoàng tử bị biếm làm thứ dân. Đó là án của Thái tử Lý Thừa Càn và án của Ngô vương Lý Khác.

Trong đó, vụ án của Lý Thừa Càn được cho là có nhiều điểm giống với sự biến Huyền Vũ môn năm xưa.

Cụ thể, Lý Thế Dân ban đầu từng lập con trưởng Thừa Càn làm Thái tử, tuy nhiên sau đó lại lạnh nhạt với người con này và quay sang sủng ái Ngụy vương Lý Thái.

Chính điều này đã khiến Lý Thái được đà  kết bè kéo cánh, còn Lý Thừa Càn thì đem lòng uất hận. Vì lo sợ mất ngôi Đông Cung, Lý Thừa Càn cùng những thân tín của mình đã âm thầm lập ra một mưu đồ soán vị. Tuy nhiên chính biến chưa thành thì âm mưu đã bại lộ và bị biếm làm thứ dân.

Thiết nghĩ nếu vị Thái tử này khởi binh thắng lợi, có lẽ hoàng tộc nhà Lý Đường sẽ tiếp tục phải chứng kiến một màn "nồi da xáo thịt" còn đẫm máu hơn sự biến ở cổng Huyền Vũ năm xưa.

Bên cạnh đó, Lý Thế Dân còn một người con trai là Hán vương Lý Trinh (627 – 688) qua đời vì bị giết. Sau khi làm phản bất thành dưới thời Võ Tắc Thiên tại vị, người này đã chết trong chiến trận và cũng bị khai trừ khỏi hoàng tộc nhà Đường bằng cách đổi sang họ Hủy, phải tới những năm Thần Long mới được phục hồi quan tước.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong số 14 người con trai của Lý Thế Dân còn có tới 4 người yểu mệnh qua đời trước khi thành niên.

loi nguyen cua Duong Ly Uyen-phunutoday1

Chính số phận trớ trêu của những vị Hoàng tử này đã khiến bách tính thời bấy giờ tin rằng, "lời nguyền" của Đường Cao Tổ Lý Uyên năm xưa quả thực đã ứng nghiệm.

Nhìn lại cuộc đời của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, có ý kiến cho rằng con đường lên ngai vàng của ông trải đầy xương máu và nỗi uất hận của những người ruột thịt.

Mặc dù đã danh chính ngôn thuận bước lên ngai vị cửu ngũ chí tôn, thế nhưng ông lại tiếp tục phải chứng kiến sự lặp lại của tấn bi kịch trong gia đình hoàng tộc, mà nhân vật chính lại là những người con trai ruột thịt của mình.

Liệu rằng số phận bi thảm của những vị Hoàng tử ấy có liên quan tới "lời nguyền" năm nào mà Đường Cao Tổ Lý Uyên để lại hay không? Đáp án của câu hỏi này có lẽ là điều mà khó ai có thể dám chắc.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn