Chuyện cung thủ không cần dùng tên mà vẫn bắn chết chim
Một ngày nọ, Đại Lỗi đang tháp tùng vua nước Ngụy đi săn trên thảo nguyên thì cả hai tình cờ phát hiện một con ngỗng trời đang bay phía trên đầu. Đại Lỗi nói:
– Bẩm bệ hạ, thần không cần tên, thần chỉ cần giương cây cung không mà bắn là con chim này sẽ rơi xuống và chết.
Vua nước Ngụy nói:
– Khanh có thể làm được thật chứ?
Đại Lỗi nói:
– Bẩm, thần có thể.
Nói dứt lời, Đại Lỗi bèn giương cung của ông ta lên, kéo căng dây nhắm vào con chim đang bay và giả vờ bắn “pạch” – tiếng dây cung khô khốc vang lên, lập tức con chim lớn lảo đảo rồi rơi xuống đất ngay trước mặt nhà vua.
Ngụy Vương kinh ngạc thốt lên:
– Thật tài tình! Khanh đã không dùng đến tên, làm thế nào mà con chim đó lại có thể chết vậy?
Đại Lỗi nói:
– Bẩm bệ hạ, bởi vì đây là một con chim đã bị thương.
Vua liền hỏi:
– Làm sao mà khanh biết được điều đó?
Đại Lỗi đáp:
– Thần thấy con ngỗng hoang này bay khá chậm và tiếng kêu của nó thật thảm thương; bay chậm là vì nó đã bị thương bởi một mũi tên trước đó, còn âm thanh thê lương của nó nói cho thần biết được rằng nó đang sợ hãi vì đã bị tách khỏi đàn. Bởi vậy khi nó nghe thấy tiếng dây cung bật, nó trở nên hoảng sợ và cố gắng bay cao hơn, vết thương cũ của nó bị toác ra, cộng thêm sợ hãi và kiệt sức nên nó rơi xuống đất.
Kể từ đó, người ta thường sử dụng thành ngữ “Kinh cung chi điểu” hay một thành ngữ biến thể khác là: “Chim sợ cành cong” để mô tả người đã từng gặp những tình huống bị tổn thương và làm cho sợ hãi thì thường sẽ trở nên hoảng sợ hay nghi hoặc khi gặp phải một tình huống, hoàn cảnh tương tự (mà trước đó đã từng xảy ra). Ngạn ngữ Phương Đông có câu: “Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng” cũng là nhằm chỉ ý này.
Con người chúng ta cũng vậy, khi gặp chuyện đổ vỡ, đau thương thường sẽ bị ám ảnh, e sợ cả đời, đặc biệt là trong chuyện tình cảm.
Bị ám ảnh bởi những nỗi đau cũ, không ít người không thể mở lòng đón nhận những tình cảm mới. Họ giống như người lữ khách trên sa mạc, cho rằng mọi điều mình thấy chỉ là ảo ảnh, không dám nắm giữ, không dám yêu thương.
Khó có thể khuyên những ai có vết thương lòng nhanh chóng quên đi quá khứ để bắt đầu làm lại. Nhưng cứ để nỗi thù hận, ám ảnh quá khứ dấn sâu trong lòng, thì chính những người đó lại bị tổn thương đầu tiên.
Hận quá khứ khiến họ nghi ngờ cảm xúc và những giá trị của chính mình. Họ không tin người khác giới, ngờ vực những tình cảm mình nhận được có phải là thực hay không? Các thói xấu của xưa trở nên to đùng, án ngữ và làm hỏng cảm xúc của họ. Những người đã đổ vỡ về tình cảm lại càng khiếm khuyết trong tâm hồn, càng thiếu tự tin đón nhận tình cảm mới.
Những nỗi đau cũng có những giá trị riêng. Nó giúp cho bản thân mỗi người cứng cỏi, sống tự lập, mạnh mẽ hơn. Chỉ có thể sống rộng lượng, tha thứ, tin tưởng lạc quan vào cuộc sống thì nỗi cay đắng kia mới có thể trở nên nhẹ nhõm hơn. Mỗi người mới có thể đi tìm được hạnh phúc cho chính mình.