Đời sống) - Thứ trưởng Bộ Giao Thông Nguyễn Hồng Trường đã một lần nữa khẳng định Chính phủ sẽ đòi nợ Vinashin và Vinaline tại buổi họp báo quý I/2013, tổ chức ngày 2/4.
[links()]
Cụ thể, ông Trường khẳng định sau khi tiến hành tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thì những khó khăn của 2 Tập đoàn này đã dần được cải thiện.
“Từ Vinashin rất là khó khăn, Vinalines bên bờ vực thẳm, thì sau 1 năm đã cải thiện rất nhiều, việc làm của CBCN cơ bản được duy trì. Riêng vấn đề nợ của 2 đơn vị này thì phải giải quyết trong nhiều năm. Bởi lẽ khi doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng thì vấn đề tài chính phải rất nhiều năm mới có thể giải quyết được” – Thứ trưởng Trường nói.
Thứ trưởng khẳng định: Với tốc độ hiện nay chỉ một vài năm nữa là Vinashin, Vinalines sẽ có thể phục hồi.
Khi được hỏi về con số nợ chính xác của 2 tập đoàn này trước khi tái cấu trúc và hiện nay? Ông Trường nói: Con số nợ không có gì thay đổi.
Việc tái cấu trúc thời gian qua chủ yếu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, để 2 đơn vị này thực hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm. (Ví dụ như Vinashin là đóng tàu, sửa chữa tàu, đào tạo nhân lực…) Việc đầu tư ngoài ngành phải được chấm dứt. Hay như việc giảm bớt số đầu mối mới, không được thành lập công ty con cháu và thực hiện thoái vốn ở những công ty này.
Ở Vinaline mặc dù đang gặp khó khăn nhưng quá trình tái cấu trúc sẽ giúp cho tập đoàn này củng cố, ổn định sản xuất, khi kinh tế thế giới phục hồi sẽ bắt nhịp kinh doanh và phục hồi.
“Chính phủ sẽ quay lại đòi nợ sau khi Vinashin và Vinaline có hai đơn vị này đủ điều kiện và ổn định về tài chính” – ông Trường nói..
Nợ Vinashin biến thành nợ Chính phủ. |
Hiện Vinashin và Vinalines đang có những món nợ khổng lồ. Cụ thể, dư nợ (gốc) tại thời điểm 31/5/2012 của nhóm khách hàng Vinashin là 1.068 tỷ đồng và của nhóm khách hàng Vinalines là 1.745 tỷ đồng.
Vinalines cũng đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Năm 2012, doanh nghiệp này lỗ 2.439 tỷ đồng và dự kiến năm 2013 tiếp tục lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng.
Còn Vinashin, năm 2007 đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế với thời hạn 8 năm. Theo thỏa thuận ban đầu, tập đoàn này sẽ phải trả khoản tiền đầu tiên (60 triệu USD) vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, lãnh đạo Vinashin tuyên bố không đủ khả năng tài chính để trả nợ.
Liên quan tới khoản nợ của Vinashin, ngày 16/3, TS. Nguyễn Quang A đã có bài viết chia sẻ ý kiến trên Dân Việt, theo ông, vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay.
Sau sự kiện không trả được 180 triệu USD gốc và 23 triệu tiền lãi vào cuối 2010 và đầu 2011, giá trái phiếu Vinashin trên thị trường đã sụt đáng kể. Đã có chủ nợ bán tháo trái phiếu Vinashin cho người khác. Tháng 4/2011 Vinashin mong đợi các chủ nợ giảm cho 90% khoản nợ, tức là chỉ trả 10%, cho thấy giá trái phiếu lúc đó có thể đã rất thấp.
Vì Vinashin là tập đoàn kinh tế nhà nước nên một số chủ nợ đã đòi Chính phủ Việt Nam trả thay, thậm chí có chủ nợ mới, như Quỹ Đầu cơ Elliott Advisors LP đã tiến hành kiện Vinashin ra trước tòa án Anh. Kiện cáo tiếp tục, tàu của Vinashin dù đã chuyển cho Vinaline vẫn bị giữ ở nước ngoài. Vinashin tìm cách đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu lại khoản nợ 600 triệu USD này từ nhiều tháng nay.
Mặc dù Vinashin và Vinaline đều đang trong tình trạng rất khó khăn nhưng vẫn có nhiều người lạc quan, tin rằng hai công ty này sẽ có thể vực dậy vì có Chính phủ bảo lãnh.
Theo tin được công bố ngày 13/3/2013, Vinashin đã thỏa thuận được với 51% số chủ nợ, những người nắm giữ 75% tổng số nợ, về cách tái cơ cấu khoản nợ này. Theo đó Vinashin sẽ phát hành 623 triệu USD trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, không trả lãi và gốc hàng năm mà trả một lần cả gốc và lãi khi đáo hạn. Nói cách khác sau 12 năm Vinashin (hoặc nếu Vinashin không trả được thì Chính phủ) phải trả tổng cộng 697,76 triệu USD cho những người nắm giữ trái phiếu Vinashin này.
- Minh Anh (Theo Cafe F, ĐVO)