‘Chính quyền đô thị' sẽ loại hết công chức cắp ô?

07:08, Thứ hai 09/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là người nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị từ lâu, TS Trần Du Lịch cho rằng mô hình này sẽ không có chỗ cho những người ngồi chơi lãnh lương và người dân cũng sẽ biết trách nhiệm cụ thể của từng công chức.

“Bản chất của chính quyền là của dân, do dân, vì dân. Mục tiêu cuối cùng của đề án chính quyền đô thị là phục vụ tốt cho dân. Nếu không làm được điều đó thì bản thân đề án không còn ý nghĩa gì hết. Mô hình này không có chỗ cho người ngồi không lãnh lương. Cán bộ công chức nào nằm trong bộ máy cũng phải biết rõ nhiệm vụ, chức năng của mình và hiểu rõ được trả lương để làm việc gì”, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Chính quyền đô thị - Yêu cầu thực tiễn” ngày 8/9 và được báo VnExpress dẫn lại.

TP HCM kỳ vọng mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp tính sáng tạo, năng động của chính quyền thành phố tăng lên 5 lần so với hiện nay. Ảnh: Hữu Công

Theo kế hoạch, ngày 12/9, đề án thí điểm chính quyền đô thị của TP.HCM sẽ được lấy ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành tại Hà Nội. Đoàn công tác của TP HCM sẽ do ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn. TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM chịu trách nhiệm trả lời, giải trình về những vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Ông Lịch cho biết, cốt lõi của đề án này là nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Điều này cũng đã được ghi trong Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, trong đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM đã đề nghị trung ương phân cấp cụ thể cho thành phố những quyền trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các chế tài hành chính.

“Ví dụ chính quyền, HĐND TP có những quy định về trật tự đô thị như ở thành phố không được phơi áo quần trước nhà, nếu phơi sẽ bị phạt. Những cái này thuộc về thẩm quyền của HĐND TP, trung ương không can thiệp”, vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dẫn chứng.

 Thứ hai là thẩm quyền về ngân sách tài chính công. Theo ông Lịch, những gì thuộc về khoản thu ngân sách của địa phương, thành phố xin trung ương cứ để cho HĐND địa phương tính toán và chi. Nếu chi sai phải chịu trách nhiệm trước dân, trung ương không can thiệp. Còn những khoản mà trung ương đầu tư cho thành phố thì trung ương giám sát, kiểm tra, và thành phố tuân thủ.

Dựa trên ngân sách tự chủ đó, thành phố có thể đi vay, phát hành trái phiếu. Ngoài ra, thành phố có thể đặt ra một số loại phí để điều chỉnh mà địa phương không có. "Đừng hỏi tại sao, ở Cà Mau không có mà TP.HCM lại có loại phí này. Nếu quy định đó là bất hợp lý, người dân phản ứng thì HĐND TP sẽ phải xem xét lại”, ông Lịch cho biết.

Cũng theo ông Lịch, trong chính quyền đô thị, hầu hết dịch vụ liên quan đời sống người dân như giao thông, đô thị, vệ sinh, an toàn thực phẩm, môi trường, y tế, phúc lợi giao hết cho địa phương chứ trung ương không can thiệp. “Tất cả đều rạch ròi để khi xảy ra một việc gì, thì người dân biết rằng trách nhiệm thuộc về thành phố, không có chuyện lảng tránh trách nhiệm. Đừng như hiện nay, xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm thì đổ qua đổ lại, không ai chịu nhận trách nhiệm”, ông Lịch nêu ví dụ.

Cuối cùng, thành phố đề nghị phân rõ về công vụ, công vụ nào thuộc trung ương, công vụ nào thuộc về địa phương, trên cơ sở đó TP.HCM sẽ phân cấp cho 4 thành phố trực thuộc. Những cái nào trung ương phân cấp cho thành phố, mà các thành phố trực thuộc làm tốt hơn, sát dân hơn thì thành phố có quyền phân cấp cho các thành phố này làm.

Việc TP. HCM có thể áp dụng mô hình chính quyền đô thị với những điểm đáng lưu ý như không có chỗ cho những người ngồi chơi lãnh lương và người dân cũng sẽ biết trách nhiệm cụ thể của từng công chức được đã nhận được sự quan tâm rât lớn từ phía người dân đặc biệt là khi các vấn đề về công chức cắp ô, thái độ thiếu thiện chí đang khiến xã hội vô cùng bức xúc hiện nay.

Trong cuộc họp thứ nhất ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy của chúng ta có 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào”.

Gần đây, trong cuộc thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ tổ chức thì có tới 30% công chức dự thi không đạt kết quả xét. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm cần thiết.

Với những con số biết nói kể trên, không ít người đã tỏ ra lo lắng liệu kế hoạch kia có thể khả thi khi. Và liệu một chính quyền đô thị liệu có thể loại bỏ hết những người ngồi chơi lãnh lương hay chỉ là một lời hứa "nói vậy mà không phải vậy"?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc