Thông tư 29/2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. quy định rõ những trường hợp giáo viên sẽ được phép dạy thêm trong nhà trường. Những nội dung trong Thông tư được kỳ vọng giúp hạn chế hành vi “ép buộc học sinh học thêm”, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
Những trường hợp các giáo viên được phép dạy thêm
Với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, điều 5 thuộc Thông tư 29/2024 quy định rõ giáo viên không được thu tiền và chỉ được tổ chức dạy thêm với 03 trường hợp học sinh sau:
+ Trường hợp 1: Học sinh có kết quả học tập các môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt;
+ Trường hợp 2: Học sinh được nhà trường lựa chọn để tiến hành bồi dưỡng học sinh giỏi;
+ Trường hợp 3: Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh hoặc ôn thi tốt nghiệp theo đúng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
![giao-vien](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/11/giao-vien-1119.jpg)
Như vậy, những học sinh có kết quả học tập xếp mức khá, giỏi và kết quả môn học của một trong hai học kỳ gần đây ở mức đạt đều không nằm trong các trường hợp trên thì giáo viên không được phép dạy thêm trong nhà trường. Trừ các trường hợp học sinh bồi dưỡng để tham gia kỳ thi học sinh giỏi hoặc các học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký.
Trong khi đó, điều 6 thuộc Thông tư lại không quy định những đối tượng mà giáo viên không được phép dạy thêm bên ngoài nhà trường. Nhưng nếu như giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường thì cần phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc với người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức cũng như thời gian tham gia dạy thêm.
Hoạt động dạy thêm, học thêm ở trong nhà trường được tổ chức thế nào?
![tcyvsfr3nm1-rt3a16x5qc2-k59svp7vd43](https://media.phunutoday.vn/files/content/2025/02/11/tcyvsfr3nm1-rt3a16x5qc2-k59svp7vd43-1120.jpg)
Bên cạnh đối tượng tham gia học thêm, Thông tư số 29/2024 cũng quy định về việc xếp lớp và phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cần phải bảo đảm yêu cầu sau:
+ Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp. Mỗi lớp sẽ không quá 45 học sinh theo như quy định của điều lệ trường phổ thông.
+ Trong một tuần, mỗi môn học thêm sẽ không quá 02 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo như quy định của chương trình giáo dục phổ thông);
+ Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu được thực hiện chương trình chính khóa (hạn chế tiêu cực việc bắt ép học sinh học thêm);
+ Không dạy thêm trước các nội dung ở chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đồng thời, nhà trường sẽ căn cứ vào số học sinh đăng kí để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp. Cùng với đó, học sinh mà thuộc đối tượng tham gia lớp học thêm muốn học thì cần phải viết đơn đăng kí.