Chó cắn người lạ ở HN, 'giam' đá quen ở Gia Lai

16:30, Thứ năm 22/08/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - UBND huyện Sóc Sơn phải có biện pháp quản lý, nghiêm cấm việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ và thả rông chó, mèo cho đến khi khống chế được hiện tượng trên.

Sau sự việc 52 người dân ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) bị chó lạ cắn, UBND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ nguồn gốc chó lạ, thành lập tổ công tác kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông.

Báo NLĐ dẫn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xuất hiện hiện tượng một số chó từ nơi khác đến cắn chó nhà và cắn người. Theo Sở Đây là hiện tượng lạ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh dại rất lớn.

Để chủ động phòng, chống kịp thời bệnh dại và đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho nhân dân, UBND TP yêu cầu quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại và nghiêm cấm việc thả rông chó, mèo tại các khu dân cư.

UBND. TP Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn điều tra, xác minh làm rõ nguồn gốc chó lạ và thành lập tổ công tác tại các xã làm nhiệm vụ kiểm tra, tiêu diệt số chó lạ, chó thả rông. UBND huyện Sóc Sơn phải có biện pháp quản lý, nghiêm cấm việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ và thả rông chó, mèo cho đến khi khống chế được hiện tượng trên.

Chuyện con chó lạ và hòn đá quen dậy sóng dư luận

Theo thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn, những con chó này từ đâu đến cũng không ai biết nên người ta thường gọi là chó lạ. Đặc điểm của chó lạ hay cắn người có dáng cao, to nhìn khác với chó địa phương. Sau khi cắn người xong một số con chó đã chết vì bệnh. Hà Nội lập hẳn đội quân truy quét loài chó này.

Chưa hết lạ lùng với chuyện chó cắn người ở Hà Nội, dư luận lại được phen ngắm nghía hòn đá Gia Lai bị nhốt trong lồng sắt ngày nào giờ được đem ra trưng bày tại một địa điểm công cộng ở thành phố Pleiku, Gia Lai rồi người ta đưa hòn đá ra tòa. Dư luận có thể cho rằng đây là chuyện xưa nay hiếm nhưng với chính quyền huyện Chư Sê thì hoàn toàn bình thường.

Theo nội dung vụ án, vào tháng 3/2012, gia đình bà Trần Thị Sắc - nông dân trồng hồ tiêu tại Chư Sê trong lúc đào ao lấy nước tưới tiêu cho vườn hồ tiêu nhà mình, bà đã phát hiện một hòn đá rất đẹp khoảng 3 m3. Sau đó, bà Sắc đã thuê xe cẩu đưa về nhà mình. Sự việc được chính quyền huyện Chư Sê vào cuộc và cho rằng bà Sắc đã vi phạm luật khoáng sản, vận chuyển khoáng sản trái pháp. Ngoài bị phạt hành chính 2 triệu đồng, hòn đá còn bị huyện Chư Sê "bắt giam". Để chống hòn đá bỏ trốn, huyện Chư Sê đã hàn một chiếc cũi sắt to để chống trốn. Xưa nay người ta chỉ xây cũi nhốt trâu, nhốt chó có ai xây cũi nhốt đá bao giờ, ấy vậy mà huyện Chư Sê lại làm cũi nhốt đá vì sợ những kẻ ham chơi đá cảnh sẽ đập vỡ mảnh đá mang về nhà làm vật kỷ niệm.

Trước hành động "lạ" với hòn đá, bà Sắc đã khởi kiện ông Nguyễn Hồng Linh - chủ tịch UBND huyện Chư Sê ra tòa. Ngày 22/8/2013, tòa tuyên án không trả lại hòn đá cho bà Sắc và bà Sắc vẫn phải nộp phạt và án phí cho phiên tòa.

Điều người ta thấy buồn cười nhất là tại phiên tòa, lập luận rằng bà Sắc đã sai phạm, ông Nguyễn Đình Viên - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Chư Sê - được ông Linh ủy quyền tham dự phiên tòa cho biết hòn đá nằm trong lòng đất, thuộc về sở hữu của nhà nước, việc bà Sắc đào ao đã vi phạm pháp luật không xin phép, khi gặp hòn đá lại mang về nhà là sai quy định.

Trong phiên tòa, phần chất vấn giữa luật sư của bà Sắc và ông Viên cũng khá căng thẳng. Trên báo Tuổi trẻ, bà Võ Thị Tiết - Văn phòng luật sư Võ Luật (Bình Định), đại diện quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn - đặt câu hỏi: có quy định nào cấm người dân được cấp đất để trồng cây mà chỉ được phép trồng cây, ngoài ra không được đào ao, đào giếng, làm nhà tạm hay những điều tương tự không? Trả lời câu hỏi này, ông Viên cho rằng đất được Nhà nước cấp với mục đích như thế nào thì sử dụng đúng như thế, mọi tác động khác làm biến dạng đất đai đều là trái quy định. Bà Tiết hỏi tiếp: vậy việc bà Sắc đào ao để tưới tiêu cho cây trên đất đã được cấp quyền sử dụng, từ đó phát hiện có tảng đá nằm dưới đất thì phải xin phép không? Ông Viên khẳng định phải xin phép, đã tác động vào đất là phải xin phép. Bà Tiết khẳng định không có bất cứ quy định nào trong luật yêu cầu nông dân đào ao, đào giếng tưới tiêu mà phải ôm đơn lên xin phép chính quyền. Bà Tiết cũng cho rằng việc UBND huyện Chư Sê khi phát hiện tảng đá đẹp đã đến lập biên bản, kéo về và “bắt giam” vào lồng sắt là quá vội vàng, bất chấp các quy định của pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản...

Trước đó, trả lời báo chí ông Lê Đình Huấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nói rõ “triết lý” của việc tịch thu hòn đá cảnh của gia đình bà Sắc: “Dù là cành cây, que củi, gạch, đá hay gỗ cũng đều là tài sản quốc gia, đều bị thu hồi”.

Hòn đá này không ai biết tên nó là gì nhưng người ta cứ gọi chung nó là đá cảnh, không phải đá lạ. Đến thời điểm này, có lẽ huyện Chư Sê cũng ghi được chiến tích vào lịch sử là nơi đây đã "bắt giam" hòn đá.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc