Cho nhận phong bì thì người dân mới yên tâm "ốm"

09:28, Thứ sáu 26/04/2013

( PHUNUTODAY ) - Giá cao, xăng đắt, điện nhấp nhổm tăng giá, chúng tôi cũng không mong phải chi thêm tiền cảm ơn khi ốm đâu nhưng cũng là vì sự tồn tại cả, mong Bộ trưởng đèn trời soi xét.

Giá cao, xăng đắt, điện nhấp nhổm tăng giá, chúng tôi cũng không mong phải chi thêm tiền cảm ơn khi ốm đâu nhưng cũng là vì sự tồn tại cả, mong Bộ trưởng đèn trời soi xét.

Bệnh nhân tử vong hai ngày sau tuyên bố không phong bì

Trong khi Bộ Y tế đang loay hoay với Đề án giảm tải bệnh viện, trong đó có quy định, bệnh nhẹ mà tuyến dưới chữa được vẫn chuyển lên tuyến trên, hoặc bệnh nhân tự ý lên tuyến trên thì tuyến trên sẽ trả về tuyến dưới điều trị tiếp thì chỉ trong 3 ngày, có hai bệnh nhân điều trị ở tuyến dưới tử vong. Đó là một trường hợp bệnh nhân chết lâm sàng khi chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội, 20/4), và một cháu bé 4 tháng tuổi tử vong khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Nghệ An (23/4).

Tuy tới nay cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về trách nhiệm của bác sĩ với hai trường hợp tử vong này, nhưng theo người nhà bệnh nhân là do các bác sĩ thiếu trách nhiệm, vô tâm dẫn tới cái chết của con họ.

a-khong-duoc-nhan-phong-bi-benh-nhan-lien-tu-vong-Phunutoday.vn
Bệnh nhân Đặng Đình Hải (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đang phải sống cuộc sống thực vật vì tắc trách của bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ảnh: ANTĐ.

Người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nói rằng, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận là bệnh không có gì đáng ngại, nên không theo dõi thường xuyên, bệnh xấu đi nhưng gọi bác sĩ nhiều lần bác sĩ vẫn bỏ qua, để tới khi cấp cứu thì đã quá muộn, não bộ bệnh nhân đã chết do thiếu oxy.

Còn trường hợp bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Nghệ An còn tồi tệ hơn, khi bác sĩ kết luận cháu bé không có bệnh, nên cho về nhà, nhưng rồi cháu vẫn yếu, người nhà lại cho tới viện, dù được nhập viện chữa trị, nhưng bệnh tình ngày một xấu, người nhà xin cho chuyển lên tuyến Trung ương, nhưng các bác sĩ không cho vì “cháu bé không có bệnh”, kết quả là cháu bé tử vong.

Cả hai trường hợp xảy ra chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tuyên bố trước Ủy ban Quốc hội không cho bác sĩ nhận phong bì trước, trong và sau khi chữa trị.

Đấy, quý vị cứ chửi bới loạn xạ nạn phong bì bệnh viện nữa đi, giờ thì sáng mắt rồi đó. Các cụ xưa nói cấm có sai “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, đừng tưởng các bé dưới 6 tuổi vào viện được khám miễn phí là không phải mất đồng nào. Vào đến bệnh viện mà không "cảm ơn" chính bệnh nhân cũng áy náy không yên. Rồi gặp trường hợp như cháu bé 6 tuổi kia, bố mẹ thương xót con mà trách mình, bác sĩ đã làm việc hết lòng hết sức mà mình đã cảm ơn bác sĩ ra sao? Hay là mình đã chưa thể hiện sự cảm kích xứng đáng với công lao bác sĩ, nên đã xảy ra cơ sự này?

Các cụ xưa nói đúng, nhưng nữ hoàng nội y Ngọc Trinh nói còn đúng hơn “không tiền thì cạp đất mà ăn à”. Các bác sĩ cũng phải ăn, phải tiêu chứ, cũng phải nhà lầu, xe hơi như ai chứ, mưu cầu hạnh phúc là quyền con người từ lúc sinh ra cơ mà, nên có thể hiểu tại sao Bộ trưởng Y tế lại giải thích “bác sĩ nhận phong bì một phần vì đồng lương quá thấp”. Trong khi, suy rộng ra chút, công chức ở ta lương còn thấp quá, nên nạn phong bì, tiêu cực xảy ra ở khắp nơi là bình thường, ngành y cũng không ngoại lệ. Xã hội đã thừa nhận thực tế đó rồi, cứ công chức, lương thấp là được nhận phong bì.Thực trạng là thế đấy: công chức nghèo nên phải nhận phong bì.

Thế nên, thưa Bộ trưởng Y tế đáng kính, hãy mau đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì. Đó là quy luật cuộc sống, đó là thuận lòng cả hai bên. Ấy khi để xem phong bì là quà nghĩa tình Bộ trưởng đã phải nghĩ nát óc rồi, và cũng vì lo cho tính mạng người bệnh khi mang theo hy vọng được điều trị tốt nhất tới bệnh viện nên Bộ trưởng quyết như vậy. Đừng để ba thứ dư luận lăng quăng, mấy người chưa hiểu chuyện nói ra nói vào mà hủy đi cái quyết định đúng đắn này. 

Còn nữa, sắp tới, cấp dưới của Bộ trưởng Y tế sẽ đồng lòng với lãnh đạo chuyển ngược bệnh nhân nếu tự ý dám lên tuyến trên chữa bệnh, để giảm tải, để đảm bảo điều kiện chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân mà. Kể cả bệnh viện tuyến dưới có đồng ý chuyển lên trên mà bệnh nhẹ cũng không được chữa đâu đấy, phải trả về thôi. Bộ trưởng đã nói rồi: bệnh viện tuyến Trung ương không được khám, chữa bệnh thông thường.

Ấy nhưng tất nhiên, người ốm thì làm sao biết bệnh nặng bệnh nhẹ, lời bác sĩ là ngọc là vàng, nói sao thì tuân theo vậy thôi. Nếu bác sĩ mệt, nếu vợ bác sĩ ở nhà nheo nhéo gọi điện đòi tiền điện, tiền nước, tiền học cho con, bác sĩ làm sao mà tập trung chẩn đoán cho chính xác. Chỉ cần nhầm nặng thành nhẹ thôi là bệnh nhân méo mặt rồi, có mà lòng vòng tuyến trên tuyến dưới cả ngày, chưa chắc đã được nằm viện. Người dân lo cho cuộc sống của bác sĩ là lo cho sức khỏe của chính bản thân họ, vì vậy, chúng tôi khẩn thiết đề nghị, Bộ trưởng Y tế hãy rút lại lệnh cấm bác sĩ nhận phong bì. Giá cao, xăng đắt, điện nhấp nhổm tăng giá, chúng tôi cũng không mong phải chi thêm tiền cảm ơn khi ốm đâu nhưng cũng là vì sự tồn tại cả, mong Bộ trưởng đèn trời soi xét.

  • Phạm Thanh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc