Cá đuối độc làm sưng tấy
Gần đây, nuôi cá đuối (cá sam) bỗng trở thành cơn sốt trong thú chơi của các đại gia. Đây là loại cá độc đáo và có họa tiết bắt mắt.
Giá mỗi cặp cá đuối dao động từ 1-2 triệu đồng, thậm chí còn được đẩy lên cả nghìn đôla đối với loại hiếm.
Theo quan niệm của nhiều dân chơi, cá đuối càng nhiều gai độc thì càng đẳng cấp. Tuy nhiên "chơi dao ắt có ngày đứt tay", khá nhiều người ngậm ngùi chấp nhận đổ máu trong quá trình chăm sóc cho cá cưng của mình. Chỉ cần người chơi có một vết xước nhỏ khi bị gai độc của cá chạm vào cũng có nguy cơ lây nhiễm chất độc dẫn đến sưng tấy trong nhiều ngày. Nếu vết thương càng lớn thì lượng chất độc truyền vào càng nhiều.
Cá đuối hút hồn dân chơi bởi hoa văn lạ mắt cùng những chiếc gai độc ở đuôi.
Trăn cảnh dữ tợn dễ cắn người
Theo một số dân chơi động vật độc dị, khoảng một năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn cảnh khá sôi động. Có quan niệm rằng trăn còn là con vật phong thủy có thể giải hạn. Vì thế, nhiều người không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn vừa để thỏa trí đam mê, vừa mong gặt hái được thành công, may mắn trong cuộc sống.
Nhưng những chú trăn được nuôi đến kích cỡ lớn cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường. Tuy trăn không có độc như rắn nhưng những vết cắn đau điếng gây ra bởi hàm răn sắc nhọn và không chịu nhả ra của trăn làm nhiều người nuôi trăn cảnh khiếp sợ, chưa kể những vết trăn cắn có nguy cơ nhiễm trùng cao. Ngoài ra, công việc cho trăn ăn cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm vì loài này là động vật ăn thịt sống nên rất mất vệ sinh. Hơn nữa, trăn thường dễ mang trên mình những mầm bệnh lây lan cho con người.
Một người nuôi trăn đang chơi đùa cùng con vật cưng.
Về mặt khoa học, những chú trăn trưởng thành cực đại thừa sức "nuốt sống" một đứa trẻ. Ở Mỹ từng có vụ một con trăn cảnh đã cuốn chết một em bé 2 tuổi. Tại Việt Nam, vào năm 2007, một con trăn nuôi đã cuốn chết chủ nhân của nó là Nguyễn Việt H. (ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) trong lúc ông đang dọn chuồng để cho trăn ăn.
Nọc độc bọ cạp đen nguy hiểm tính mạng
Gần đây, mốt chơi bọ cạp đen đang rộ lên trong giới dân chơi Hà Nội. Dù biết bọ cạp có thể tấn công con người và có nọc độc nhưng họ vẫn sẵn sàng săn lùng.
Việc mua bọ cạp không khó. Ai có nhu cầu, có thể mua được bọ cạp đen từ những người đi bán rong, giá cả thì cực rẻ, chỉ khoảng trên dưới 5.000-7.000 đồng/con.
Bọ cạp đen đang được nhiều người nuôi để làm cảnh.
Thông thường, người bán bọ cạp thường khẳng định đã rút hết nọc độc. Song, trên thực tế, các loài bọ cạp được rao bán trên đường phố và qua các trang mạng ở Hà Nội đa số là một loài bọ cạp đen có độc.
Theo các chuyên gia y tế, vết đốt của bọ cạp đen để lại như vết ong đốt, gây sưng phồng, đỏ và đau nhức, đôi khi còn bị bầm tím. Có khi, nạn nhân chỉ cảm thấy hơi bị ngứa rát ở chỗ bị chích nhưng liền sau đó bị chóng mặt, đổ mồ hôi chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay. Đối với trẻ em và người bị dị ứng với nọc bọ cạp, việc bị bọ cạp đốt có thể gây sốc phản vệ, trong một số trường hợp sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Liều mạng với thú chơi rết khổng lồ
Để chứng tỏ mức độ chịu chơi, một số người đã chọn rết khổng lồ như một loài vật yêu thích để làm cảnh trong nhà. Mỗi con rết khổng lồ dài từ 15-20 cm chỉ có giá 20.000-30.000 đồng. Vì thế, loài vật này đã trở thành sự lựa chọn của nhiều người thích chơi độc mà ngại tốn kém.
Rết khổng lồ đang được những người chơi sinh vật cảnh ưa chuộng.
Rết khổng lồ được nuôi trong tủ kính lớn hoặc trong các chai, lọ thủy tinh để hở nắp. Nuôi loài này khá dễ, chỉ cần đảm bảo đủ không khí, nước và ít mồi, là rết có thể sống được trong chai đến hai tháng. Tuy nhiên, không ít dân chơi cũng vì thú vui này mà lãnh đủ hậu quả khi bị rết cắn, tay chân phồng rộp, sưng tấy. Nọc độc của rết khổng lồ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người chơi về lâu dài, thậm chí có thể gây sốt, nôn mửa...
Nhện "khủng" có nọc độc
Nhện Tarantula, hay còn gọi là nhện sát thủ, là một trong những loài nhện lớn và lông lá nhất thế giới. Chúng là loài nhện sống trên mặt đất, ưa độ ẩm cao và có thói quen trú ẩn trong hang. Khoảng đầu năm 2011, loài nhện này du nhập vào Việt Nam. Do kích cỡ "khủng" và hình thù rất ấn tượng mà loài nhện này nhanh chóng được nhiều người nuôi trong nhà để làm cảnh.
Nhện khổng lồ Tarantula có bề ngoài trông thật đáng sợ.
Một con nhện Tarantula với đường kính trung bình tầm 10cm có thể lên đến hơn 1 triệu đồng/con, chưa kể các loại chi phí như làm chuồng nuôi, thức ăn... cho nhện.
Loài nhện này được người bán quảng cáo là khá hiền lành và không bao giờ cắn người, nếu có cắn thì nọc của chúng cũng "không tệ hơn bị một con ong chích". Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nọc độc của loài nhện này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ngoài ra, với hình thù ấn tượng và kích thước "khủng", loài nhện này có thể gây xáo trộn môi trường sống chung quanh nếu bị lọt ra ngoài.