Nho giáo đề cao Ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; các nghi thức tế lễ cũng quy vào đó. Sở dĩ người xưa có tục cúng gà trống vì gà trống được cho là có đủ các phẩm chất này. Cụ thể, khi tìm được mồi, gà trống thường gọi gà mái và gà con đến cùng ăn, đó là Nhân - đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ.
Gà trống có mào to đẹp như đội chiếc mũ trang trọng, giống như các quan khi thượng triều đều phải đội mão, đó là biểu hiện của Lễ - tuân thủ lễ nghi, giữ đúng tôn ti, kính trên nhường dưới. Mão quan được phân định theo cấp bậc, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mọi người phải tùy vị trí mà ứng xử cho đúng lễ.
Loài gà có tập tính là khi được người nông dân cho ăn 3 ngày thì nó sẽ ở lại nhà họ, đây là biểu hiện của Nghĩa - trọng tình nghĩa, tôn trọng lẽ phải, biết tri ân, đền đáp những ai tốt với mình.
Gà trống cũng là biểu tượng của Dũng - tinh thần dũng cảm, thượng võ, dám thắng dám thua. Gà trống luôn chiến đấu hết mình, đi đến cùng trong trận chiến. Nếu thua, khi gặp lại đối thủ cũ, nó sẽ không thi đấu nữa, thể hiện tinh thần biết chấp nhận thất bại. Theo quan niệm người xưa, Dũng không chỉ là quyết thắng mà còn là dám chấp nhận thua, không sân si, thù vặt.
Chữ Tín cũng là đặc điểm nổi bật của gà trống. Ngày ngày nó đều đặn gáy từ mờ sáng, đánh thức mọi người, cho thấy phẩm chất đáng tin cậy, biết giữ lời hứa và cam kết với người khác.
Trong văn hóa người Việt xưa, nam giới được coi trọng nhiều hơn nữ giới. Con gà trống được ví đại diện cho những đức tính của người quân tử.
Dáng đi oai phong cùng màu sắc sặc sỡ của gà trống được ví với ngũ đức: đức thần dân (mào), đức quân nhân (cựa), đức dũng cảm (tính chiến đấu), tốt bụng (luôn nhường thức ăn cho gà mái), đáng tin cậy (tiếng gáy luôn chính xác khi bình minh đến).
Không chỉ thế, tiếng gáy của gà trống được coi là điềm lành, báo hiệu sự chuyển vần của mặt trời, luân phiên ngày và đêm. Trong khi đó, gà mái ngoài việc đẻ trứng và nuôi con thì không có gì để coi trọng. Tiếng gáy của gà mái cũng bị coi là điềm dữ cho gia chủ.
Tuy nhiên, không phải gà trống nào cũng được chọn để dâng cúng. Người xưa thường chọn gà trống choai, không bị dị tật, có tiếng gáy dõng dạc nhưng chưa hề đạp mái, không chỉ biểu hiện cho sự khỏe mạnh mà còn là sự tinh khiết.
Cùng với sự phát triển của xã hội, những quan niệm xưa cùng nhiều tín ngưỡng đang dần mai một, việc lựa chọn gà để dâng cúng cũng không còn quá cầu kỳ như xưa nữa.
Cúng gà mái có phạm điều cấm kỵ?
Người Việt Nam hiện đại hoàn toàn có thể cúng gà mái vào các ngày giỗ, Tết. Về mặt văn hóa tâm linh, điều này không vi phạm cấm kỵ hay gây nguy hại gì.
Trong thực tế, nhiều gia đình có cúng gà mái nhưng trước khi dâng lên thì chặt miếng, bày đĩa như một món ăn trong mâm, thay vì đặt cả con dáng chầu như gà trống. Nhiều người có quan điểm cúng gà mái tơ sẽ cầu được may mắn, bình an.
Trong các dịp cúng ngày rằm, cúng tháng cô hồn, cúng gia tiên, thắp hương cửa hàng, nhiều người cũng sử dụng gà mái để cúng. Với mâm cúng mang ý nghĩa dâng hương, cỗ cúng gà mái đang ngày được ưa chuộng vì gà mái luộc ăn sẽ thơm, ngon hơn.